Truyền thông đang hủy hoại con người và xã hội này như thế nào?

Mỗi ngày, chỉ cần lên mạng, lật tờ báo nào đó ra hay mở Tivi ra coi, đặc biệt là mạng xã hội, chúng ta gần như bị ngợp trước các thể loại bài báo mang đậm mùi “xác thịt”, giật gân. Từ bạo lực đường phố đến bạo lực học đường, bạo hành gia đình, trẻ em; từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến thiên tai dịch họa; từ xung đột tôn giáo đến chiến tranh; từ chuyện đời tư đến lộ clip sex của giới showbiz; từ chuyện đấu đá nội bộ đến công kích cá nhân; từ chạy chức chạy quyền đến tham ô tham nhũng…

Các thông tin độc hại này có tốc độ lan truyền vô cùng khủng khiếp tác động nghiêm trọng đến tư tưởng, nhận thức, tâm tư tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội. Lâu dần hình thành tâm lý chán ghét, phẫn nộ, bất an thậm chí là kích động hận thù. Thêm vào đó, nhiều tờ báo vì mục tiêu lợi nhuận, câu khách nên hàng ngày, hàng giờ đã bơm kích một lượng lớn thông tin, quan điểm tiêu cực, trái chiều lên mạng góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình “nhiễm độc tiêu cực” trong công chúng.

Hàng loạt bài báo đưa khai thác sự việc và giật tít theo hướng tiêu cực.

Theo quy luật tâm lý, thông tin dù đúng dù sai, thật hay giả nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì không ít người sẽ dần cho đó là sự thật. Người dân đang có xu hướng tìm đọc và bình luận những tin tiêu cực hơn là tích cực. Nguy hại hơn khi các tin giật gân, thật giả đó được lồng ghép tinh vi khiến người đọc không mảy may ngờ nghi. Chúng ta đã chứng kiến không ít những bi kịch đau lòng từ những tin tức như thế. Điển hình như những vụ tấn công tập thể vào người vô tội khi có kẻ tung tin rằng họ là kẻ bắt cóc trẻ con, là tên trộm chó hay thôi miên lừa đảo…

Sở dĩ những tin tiêu cực hấp dẫn người đọc là bởi nó đánh vào sự tò mò, bản năng và tâm lý phản kháng, bất mãn trước những tiêu cực của xã hội, dễ tiêm nhiễm, ngấm sâu vào tiềm thức người đọc.

Các nhà khoa học cho biết, cảm giác tiêu cực không chỉ khiến thế giới quan trở nên u tối, buồn chán, mất hết sức lực để tiếp tục công việc và cuộc sống mà nó còn khiến tim mạch, bộ não, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta gặp vấn đề và hỗn loạn! Sau khi chụp MRI não bộ (chụp cộng hưởng từ) của những người tiêu cực, bất mãn, các nhà khoa học phát hiện, phần não điều khiển cảm giác đau vật lý làm việc tăng đột biến. Việc này khiến não bộ bị kích thích sản xuất các hormone như cortisol (làm tăng đường huyết và huyết áp) và adrenalin tác dụng trên thần kinh giao cảm, làm cho loạn nhịp tim. Việc các hormone tăng đột biến còn có thể gây dẫn đến các triệu chứng thể chất như khó thở, suy tim, đôi khi còn gây tử vong. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu não bộ của người bất mãn, thất vọng, so sánh giống với người nghiện cocain mà không được thỏa mãn. Vậy thì tại sao bạn phải tự tra tấn cả tâm hồn và cơ thể mình như thế ?

Vô thức hoạt động như thế nào?

Để lí giải tất cả những vấn đề trên, chúng ta nên biết một sự thật là, vô thức trong bộ não không thể ghi nhớ phủ định, nó chỉ lưu lại cảm xúc. Nếu như bạn nói hoặc nghĩ, “tôi không muốn nghèo khó” thì vô thức sẽ ghi lại cảm giác về sự nghèo khó. Khi bạn nghĩ, “tôi không muốn mất việc” thì chỉ có cảm giác về thất nghiệp được vô thức lưu lại. “Tôi không muốn bị ốm” là suy nghĩ khiến vô thức ghi nhớ cảm giác về bệnh tật. Tiềm thức và vô thức nguy hiểm ở chỗ là không thể phân loại thông tin xấu, tốt mà cứ lưu trữ nó, liên tục, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tín hiệu chồng lên tín hiệu, tạo ra hiệu ứng vô thức ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động chúng ta.

Bộ não của chúng ta hoạt động như thế này đây

Tại sao thay đổi tư duy lại khó đến vậy? Đơn giản vì thói quen xấu ăn sâu cả vào trí óc lẫn hành vi. Chúng vừa cực kỳ khó sửa, lại vừa rất dễ hồi sinh, như vẫn thấy ở nhiều người nghiện. Một nghiên cứu của viện công nghệ Massachusetts đã chỉ ra nguyên nhân: Não bộ giữ nguyên ký ức về thói quen, cảm xúc, và nó có thể khôi phục nếu các tín hiệu tương ứng với thói quen, cảm xúc ấy xuất hiện trở lại. Giống như một người đang cố gắng giảm cân, nhưng chỉ cần nhìn thấy một miếng chocolate là có thể phải bắt đầu lại tất cả ý định tốt đẹp đó.

Từ ngàn xưa ở Việt Nam, dân ta đã chiêm nghiệm ra các qui luật “nồi nào vung nấy”, hay “ghét của nào trời trao của đó” với một triết lý được đúc kết là những gì mình luôn tập trung vào dù là yêu hay ghét, thì sẽ khiến cho sự việc đó xảy đến. Vì vậy, nếu bạn cứ luôn tập trung đọc các thông tin tiêu cực, thảm họa, tha hóa, bạo lực, bất công,… thì cuối cùng bạn sẽ luôn “nhận” được những điều đó dù bạn có muốn hay không.

Mỗi tương tác dù là tích cực hay tiêu cực đều để lại những ảnh hưởng nhất định đối với cảm xúc và thái độ của chúng ta. Đó có thể chỉ là những câu chuyện thường ngày chẳng để lại ấn tượng gì, nhưng đừng vì thế mà xem thường chúng. Cảm xúc tiêu cực tuy không lấy đi sự sống nhưng nó có thể bào mòn niềm vui và nghị lực sống của mỗi người.

Bạo lực học đường đang trở thành chủ đề được báo chí khai thác triệt để.

Phá hủy xã hội

Cảm xúc tiêu cực dễ lây lan và ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách đời sống. Nó phá hủy môi trường làm việc của một tập thể, hủy hoại các mối quan hệ xã hội, tình cảm gia đình và cả sự nghiệp của mỗi người. Chỉ cần một thành viên trong gia đình mang cảm xúc tiêu cực sẽ khiến cả gia đình ấy ngột ngạt. Một vài cá nhân mang cảm xúc này cũng đủ khiến không khí làm việc của công ty, tổ chức căng thẳng, hao mòn. Một cộng đồng nhỏ mang cảm xúc tiêu cực bất mãn cũng khiến cả đất nước rệu rã, ì ạch và trật tự xã hội cũng trở nên ngả nghiêng tiêu điều như cơn bão đi qua.

Ý thức của một xã hội được phản ánh qua các chương trình truyền hình hay những bộ phim mà người dân của xã hội đó xem. Thói quen đọc tin tức tiêu cực ngấm sâu thành văn hóa, bản tính của cả cộng đồng xã hội. Rất nhiều bộ phim hay với thông điệp tích cực khó có chỗ đứng ở một đất nước mà người dân nơi ấy suy nghĩ tiêu cực. Thực tế cho thấy, khi đã ăn quá nhiều bánh kẹo, uống quá nhiều nước ngọt thì không còn chỗ cho thực phẩm khác dinh dưỡng tốt hơn cho cơ thể. Những phát minh khoa học; các bài viết tích cực, bổ ích, những nghĩa cử tốt đẹp, tử tế; những chuyện đời về sự sẻ chia, tình yêu thương… dẫu xuất hiện đều trên truyền thông vẫn khó lòng tác động đến nhận thức của bộ phận công chúng bị mê đắm tin tiêu cực ngấm sâu trong vô thức.

Những thông tin, hình ảnh thế này ngày ngày vẫn xuất hiện ngập tràn trên các bài báo.

Nếu thông tin 1 hotgirl nào đó bị lộ clip sex, hoặc đời tư cá nhân được tung lên mạng sẽ là từ khóa cực nóng ở thị trường Việt Nam. Nhưng lại chả có ý nghĩa gì ở thị trường Mỹ, Nhật hoặc Bắc Âu. Hay thông tin phát minh ra công nghệ sinh học trong bào chế thuốc, hay công nghệ chip bán dẫn là đề tài thu hút ở cộng đồng yêu khoa học, nhưng nó lại chả có ý nghĩa gì với cộng đồng trà chanh chém gió.

Cảm xúc tiêu cực khiến cho sự đau đớn được phóng đại lên, nếu suốt ngày chỉ dung nạp các loại tin tức ấy sẽ dần dà làm giảm sự thấu cảm của bộ não thậm chí trở nên vô cảm với đồng loại. Khi gặp một tin tức thành công, hay giàu có của một ai đó thì ít ai vui mừng và thật tâm chúc phúc hay tìm hiểu để học hỏi mà ngược lại nhiều người sẽ có suy nghĩ tiêu cực và rồi đưa ra hàng loạt các câu hỏi kiểu, “chắc lại con ông cháu cha”, hay “lại vơ vét ở đâu đó mới được thế”. Sự ghen ghét, đố kị lại nổi lên.

Để rồi cuộc sống đặt ra cho ta biết bao câu hỏi: Tại sao người này thành đạt còn người kia vất vả cả đời mà chẳng nên trò trống gì? Tại sao nhiều người tốt phải chịu thống khổ còn có những kẻ xấu xa lại giàu sang và thành công? Tại sao người này hạnh phúc còn của người kia thì thất bại? Tại sao xã hội này văn minh, mọi người yêu thương nhau, xã hội kia lại đầy thù hận? Tại sao đất nước này mọi người hăng say lao động, đất nước kia thì tối ngày chỉ lo tranh giành, bạo lực? Những điều này có liên quan gì đến tiềm thức, vô thức ảnh hưởng đến văn hóa của người dân nơi đó không?

Đâu là chìa khóa?

Nếu con người có thể bị giết chết bởi sự lặp đi lặp lại của những cảm xúc tiêu cực, thì liệu họ có thể phấn chấn và thiết tha với cuộc sống hơn nhờ những cảm xúc tích cực không? Câu trả lời là có!

Trước khi yêu cầu các hãng truyền thông xem lại trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và điều chỉnh, thì mỗi chúng ta cần chủ động tìm đọc các tin tức bổ ích, tích cực, thiết thực. Khi một ai đó làm một điều gì đó tử tế hay đạt được một thành công, thì ngay từ bây giờ hãy để trái tim mỗi chúng ta ngập tràn tình yêu và vui mừng cho họ như chính mình làm điều ấy. Làm như thế, bạn và tôi đã bảo với vô thức, tiềm thức của mình rằng ta cũng muốn những điều này.

Cầu chúc thành công cho người khác có sức mạnh ảnh hưởng tới vô thức rất lớn. Điều đó sẽ làm chúng ta vui sướng và vô thức của chúng ta sẽ đón nhận, lưu trữ những thông tin đúng đắn ấy. Giống như trờ chơi của chiếc boomerang, năng lượng tích cực và những điều ước tốt đẹp chúng ta trao đi cho người khác sẽ tự quay lại với chính chúng ta.

Trò chơi của chiếc boomerang, chúng ta ném đi, nó sẽ tự quay lại với chính chúng ta.

Ngoài ra, nhận thức đóng vai trò như một chìa khóa, người gác cửa các giác quan. Nó ngăn không để các cảm giác mang lại cảm xúc, đẩy những cảm giác nhuốm màu ích kỷ, giận dữ, các tham vọng ra khỏi đầu óc. Nếu mất đi nhận thức, sẽ khiến cách nhìn của ta về sự thật trở nên méo mó biến dạng. Bạn chỉ cần liếc qua tiêu đề của bất kỳ tờ báo hàng ngày nào cũng có thể thấy điều này. Họ giật tít rất khủng khiếp và đầy chủ ý, nếu không tỉnh táo nhận thức, bộ não chúng ta sẽ hiểu sai.

Tránh rơi vào những chiếc bẫy “chết người” của vô thức này, ta chỉ còn một cách là không nghĩ về điều không muốn. Nếu không muốn gặp người độc ác, thì bạn nên gặp gỡ những người điềm tĩnh, thiện lành và giàu lòng yêu thương. Nếu bạn không muốn bạn bè mình trễ hẹn, hãy bảo họ đến đúng giờ. Nếu bạn không muốn thua cuộc, hãy tập trung vào chiến thắng. Một vị tướng nói với đoàn quân của mình: “Chúng ta sẽ không bại trận” – câu nói ấy đã vô tình thu hẹp cơ hội chiến thắng vì đã gieo vào tâm trí, vô thức của những người lính cảm giác thất bại.

Có một câu chuyện về mẹ Teresa từng từ chối không tham gia biểu tình chống chiến tranh. Bà bảo rằng bà sẽ chỉ tham gia những cuộc tuần hành vì hòa bình. Thêm một ví dụ khác gần gũi với chúng ta hơn, trên một đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông tại một nước, người ta cho gắn cái biển nguy hiểm tai nạn chết người bên đường để cảnh báo, nhưng tình trạng vẫn không giảm. Có người liền sáng kiến treo tấm biển “Cẩn thận, phía trước nguy hiểm có bãi khỏa thân”. Vậy là tai nạn ít xảy ra hẳn so với trước, bởi các bác tài có lý do để lái xe cẩn thận hơn.

Mọi điều trong cuộc sống luôn tồn tại điều tích cực và tiêu cực giống như mặt phải và mặt trái của một đồng xu. Nếu bạn luôn nhìn luôn vào mặt phải, thì bạn sẽ không phải nhìn vào mặt trái. Nếu bạn loại bỏ những bài viết, những từ ngữ, hình ảnh “bạo lực”, “căm ghét” “bất mãn” ra khỏi đầu mình, bạn mới thấy xung quanh mình tồn tại những người thân thiện.

Chỉ khi bạn luôn nói với mọi người một cách tích cực thì thói quen ấy mới thấm sâu vào tính cách của bạn. Lúc đó bạn mới trở thành một người tốt, có ích cho xã hội. Lúc ấy những điều tốt, những người bạn thiện lành mới đến cuộc sống của bạn.

Nếu người lãnh đạo biết chia sẻ và lan truyền cảm xúc tích cực thì không những xây dựng được tập thể đoàn kết trong công việc mà còn khiến cho họ làm việc với tâm trạng hăng say hơn, cảm nhận công việc thú vị hơn, và năng suất lao động từ đó cũng được nâng cao hơn. Những ông giám đốc giỏi thực hiện những chuyến công tác tại các chi nhánh, mục đích không phải để “đột kích” nhân viên hay gặp gỡ khối quản lý. Mục đính sâu xa của họ là truyền sinh lực, cảm xúc tích cực cho tất cả các nhân viên đang làm việc tại đó, khiến họ hăng say lao động, làm thăng hoa những giá trị.

Cảm xúc tích cực không chỉ giúp con người cải thiện sức khỏe, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, mà nó còn có tác dụng như một tấm đệm giúp ta giảm sốc khi gặp phải bệnh tật, phiền não trên đường đời và xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Nam Phong