Vì sao “trùm” cát Cố đô được tại ngoại, liệu có chuyện ông trùm dùng 12 tỷ để “chạy án”?
Vụ án liên quan đến doanh nghiệp Tuyết Liêm đang được các cơ quan chức năng TP.Huế tích cực hoàn thiện hồ sơ, sớm đưa ra xét xử.
Như Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, tháng 7/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Liêm (SN 1968), trú tại phường Trường An (TP. Huế) là Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm (địa chỉ 217 Phan Bội Châu, phường Trường An) và Nguyễn Thanh Thủy (SN 1988) – kế toán của doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm để điều tra về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Doanh nghiệp Tuyết Liêm từng được mệnh danh là “trùm” cát ở Huế với ngành nghề chính là khai thác cát, sỏi, xây dựng công trình…
Đây là chuyên án của Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế ; Phòng 10 Cục CSGT và Công an TP.Huế cùng điều tra.
Hiện điều khiến dư luận đang thắc mắc là thời điểm khởi tố vụ án cách đây đã gần 1 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Trong khi đó, các đối tượng đã bị lực lượng công an bắt giam, nhưng sau đó cũng được thả ra.
Lý giải vì sao Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Thanh Thủy được tại ngoại sau một thời gian bắt tạm giam, trả lời báo chí, Trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh, Đội trưởng Đội kinh tế Công an TP. Huế cho biết: “Đây là vụ án nghiêm trọng và theo quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) thì việc bắt các bị can phục vụ điều tra là không quá 5 tháng. Tuy nhiên, do có nhiều đối tượng bị can cần trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, nên thời gian điều tra của vụ án đã được gia hạn 2 lần và không quá 8 tháng”.
Đội trưởng Đội kinh tế Công an TP.Huế thông tin thêm, Liêm và Thủy thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để cung cấp các tài liệu liên quan; đã khắc phục hậu quả phạm tội gây ra. Bản thân Liêm bị bệnh tiểu đường; Thủy bị bệnh thần kinh. Do vậy, áp dụng tình tiết này và Điều 173 Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) về thời hạn tạm giam nên xét thấy việc thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam Liêm và Thủy sang biện pháp bảo lãnh tại ngoại không ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Và tuy Liêm và Thủy được tại ngoại, nhưng ngày 29/2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã ra bản Kết luận điều tra số 55/29/2/2020 chuyển VKSND TP.Huế đề nghị truy tố các bị can với các tội danh: Trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn chứng từ.
Được biết, hiện VKSND TP.Huế đã chuyển cáo trạng sang TAND TP.Huế nghiên cứu, sớm đưa vụ án Tuyết Liêm ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Theo Người Đưa tin