Út “trọc” chiếm đất quốc phòng: Sinh viên thành giám đốc, bảo vệ là cổ đông
Dựng cháu họ là sinh viên làm giám đốc, cho người thân làm cổ đông trên giấy tờ, Út “trọc” đã lừa chiếm đất quốc phòng tại những vị trí đắc địa.
Từ ngày 18/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng đồng phạm.
Nhờ người thân góp vốn trên danh nghĩa để thành lập nhiều công ty
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự.
Cùng ra tòa, với ông Hiến có 4 bị cáo bị xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành).
Ngoài ra còn có 3 người bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Diệt (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh).
Tài liệu tố tụng nêu rõ: Năm 2005, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) nhờ Vũ Thị Hoan (cháu họ sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường đại học Công nghiệp TP. HCM đứng tên Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh, vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng. Công ty gồm 2 thành viên đứng tên góp vốn là Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (Trưởng là bảo vệ của Công ty Đức Bình).
Năm 2007, Đinh Thị Hiện là thành viên góp vốn thay Đỗ Văn Trưởng (thực chất Hoan, Trường, Hiện không có vốn góp); trụ sở Công ty là nhà riêng của Đinh Ngọc Hệ tại số 72 đường số 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.
Vũ Thị Hoan làm Giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ.
Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn nhưng không có tiền góp vốn, để thành lập một số công ty.
Lừa chiếm đoạt đất quốc phòng
Năm 2006, Đinh Ngọc Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9 (số 9) đường Tôn Đức Thắng phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM sang làm kinh tế. Thời điểm đó, Công ty Yên Khánh mới thành lập, vốn điều lệ chỉ là trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.
Tuy nhiên, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập Tờ trình để Vũ Thị Hoan ký, gửi Quân chủng Hải quân xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác Tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng. Nội dung tờ trình phản ánh không đúng sự thật về năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và các dự án Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện liên doanh với đối tác.
Do không kiểm tra, thẩm định về năng lực của Công ty Yên Khánh, không biết thông tin Công ty Yên Khánh đưa ra trong Tờ trình là gian dối nên ngày 15/5/2006, Vũ Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành (đã chết năm 2015) và Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh ký hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án tại khu đất số 7-9.
Khu đất số 7-9 chưa được chuyển đổi sang đất làm kinh tế nhưng các bị can Bùi Như Thiềm và Đoàn Mạnh Thảo đã tham mưu cho bị can Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền, giao cho Bùi Văn Nga (Giám đốc Công ty Hải Thành thay ông Vũ Văn Khánh) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh tại khu đất số 7-9.
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9, sử dụng Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 26/3/2010 của Công ty Yên Khánh Hải Thành có chữ ký giả của Trần Trọng Tuấn (dưới mục thành viên) để bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh vay tiên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.
Vũ Thị Hoan ký Giấy ủy quyền cho Diệt với tư cách Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh Hải Thành thực hiện quan hệ vay vốn, bảo lãnh và các hình thức cấp tín dụng khác với Ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Bằng các thủ đoạn gian dối nêu trên, Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan đã chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM của Quân chủng Hải quân có giá trị tại thời điểm tháng 02/2010 là 525.312.106.562 đồng.
Gây thất thoát gần 1.000 tỷ, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị phạt 3-4 năm tù
Dù gây thiệt hại cho nhà nước gần 1.000 tỷ đồng nhưng xét nhiều tình tiết giảm nhẹ như chưa từng được đào tạo quản lý đất đai, bận nhiều công việc biển đảo, từng được tặng Huân chương bảo vệ tổ quốc… nên cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến chỉ bị đề nghị phạt từ 3-4 năm tù thay vì 7 năm.
Tại phiên tòa, VKS cho biết có đủ căn cứ xác định bị cáo Hiến đã không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của của đối tác, không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 3 khu đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba.
Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 939 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến là người duy nhất hầu tòa với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo 2 khoản điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 3-7 năm tù.
Tuy nhiên, VKS lập luận rằng quá trình điều tra, bị cáo Hiến khi đó phải thực hiện nhiều chức trách nhiệm vụ trong thời điểm có nhiều vấn đề về tình hình biển đảo nên đã tin tưởng cấp dưới, không yêu cầu cấp dưới báo cáo; Bị cáo Hiến là người có trách nhiệm vụ nhưng vô ý phạm tội, không có động cơ mục đích vụ lợi; Bị cáo có thân nhân tốt… nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Cụ thể, như cáo trạng nêu, bị cáo Hiến thời điểm đó rất bận các công việc Tư lệnh Hải quân. Trong thời gian này, bị cáo là Ủy viên Trung ương Đảng nên một năm mất khoảng 20 ngày nghiên cứu nghị quyết, họp, quán triệt nghị quyết. Đồng thời, là ĐBQH nên một năm mất 2-3 tháng họp Quốc hội, triển khai kết quả, tiếp xúc cử tri, công dân.
Ngoài ra còn nhiệm vụ nặng nề nữa trong giai đoạn này là Bộ Quốc phòng chỉ định tham gia lớp cán bộ nguồn cao cấp toàn quân đi làm nghiên cứu sinh từ 2003-2008 phải học tập trung, chiếm hầu hết thời gian ngày nghỉ, lễ. Nhiệm vụ làm Tư lệnh Hải quân bị cáo phải lo nắm bắt tình hình, xử lý tình huống trên biển.
Không chỉ thực hiện nhiều chức trách trong thời gian trên, xét về mặt nhân thân, cựu đô đốc quân chủng hải quân còn là một người có đạo đức tốt, từng được tặng Huân chương bảo vệ tổ quốc hạng Nhất năm 2014 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học.
Trong phiên tòa hôm 19/5, bị cáo cho biết hiện còn mẹ già 91 tuổi, góa chồng từ năm 30 tuổi khi bị cáo mới hơn 5 tuổi. Mẹ bị cáo hiện đang ở quê và bị cáo trước đây luôn đau đáu khi nghỉ hưu sẽ về ở với mẹ để bù đắp việc góa chồng sớm, anh trai hy sinh…
Cũng trong phiên tòa này, ông Hiến đã khẳng định tuy mình được đào tạo bài bản 9 năm về chỉ huy quân sự, nhưng chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, đất đai đồng thời xin nhận mọi tội lỗi. Tôi nhận phần lỗi của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về lỗi của mình trước tổ chức, pháp luật”, bị cáo Hiến nhấn mạnh.
Từ những tình tiết trên, thay vì mức án 7 năm từ, VKS đã đề nghị tuyên phạt 3 – 4 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến về tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’.