Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ về đạo đức – xã hội
Những sự kiện xã hội theo chiều hướng tiêu cực liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, câu chuyện tâm linh chùa Ba Vàng chưa nguôi; thì sự việc nữ sinh đánh nhau dẫn đến những cái đau lòng trong ngành giáo dục; tiếp đến là câu chuyện Khá Bảnh – một “thần tượng” của tiêu chuẩn lệch lạc cho giới trẻ bị bắt giam, báo lên những cảnh báo về mạng xã hội đang tiếp tay cho giang hồ mạng lộng hành.
Xã hội, ở một lĩnh vực nào đó, đang có những con người có biểu hiện giọt nước tràn ly, báo hiệu một sự xuống cấp, thậm chí là suy thoái về văn hóa, đạo đức của một bộ phận người Việt. Điều này đã trở thành những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ.
Sáng 2/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nhiều vấn đề xã hội đang rất cần sự quan tâm như: tai nạn giao thông, hoạt động mê tín, dị đoan ở chùa Ba Vàng; vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên…
Trong phiên họp, Thủ tướng đã đưa ra lời chất vấn với lãnh đạo ngành Giáo dục: “Sáng nay tôi nghe trên Đài nói thông tin ở một số địa phương, nhiều bạo lực học đường và những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác. Đây có phải là vấn đề báo động không? Chúng ta có sơ hở nào trong quản lý Nhà nước? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra sao cũng như trách nhiệm các địa phương, có biện pháp như thế nào?”
“Các đoàn thể, cơ quan chức năng trách nhiệm ra sao về tình trạng bạo lực học đường, đừng để trở thành vấn đề rất lớn khiến nhân dân phẫn nộ. Cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang nói một câu chuyện lo tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng chúng ta không thể nào bỏ quên vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong buổi họp này, Thủ tướng nêu trách nhiệm về cơ quan quản lý kinh tế – xã hội của đất nước, vì thế phải có trách nhiệm rất lớn đối với Đảng, với Nhân dân. Trong yêu cầu ở mỗi góc độ của những người lãnh đạo, làm công tác quản lý trong bộ máy hành chính nhà nước, Thủ tướng yêu cầu mỗi người cần phải có những ý kiến đóng góp khác nhau để đất nước phát triển và ổn định tốt nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói về những vấn đề bất cập của văn hóa, xã hội xuống cấp nhiều đến như thế. Đã có lần Thủ tướng đặt ra câu hỏi: “Phải chăng cần có một chỉ thị về vấn đề này?”.
Sáng 2/7/2018 hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Khi xảy ra những vấn đề nổi cộm trong công tác phòng chống tham nhũng, các sự việc về đạo đức xã hội ngoài mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trách nhiệm của mỗi người lãnh đạo “không để bức xúc kéo dài”.
“Những vấn đề này đang nhức nhối trong quản lý xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm với nhân dân về vấn đề này. Chúng ta không để bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước, đến niềm tin của nhân dân thế hệ mai sau. Lòng dân cần phải được quan tâm, quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân – đây là việc cần thiết trong đối thoại, xử lý công việc. Nhưng phải lập lại trật tự kỷ cương, phép nước, dân chủ tập trung nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ cầm đầu chống đối xã hội” – Thủ tướng nói.
Ở các phiên họp chất vấn, bạn luận của Quốc hội, vấn đề về tình trạng đạo đức xã hội, gia đình đang xuống cấp nghiêm trọng đã được đưa ra trao đổi rất nhiều. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn còn mơ hồ và chưa định hình được một phương án tốt cho đạo đức, xã hội có cơ hội phát triển.
“Đạo đức xuống cấp do kinh tế hay văn hóa?” đây cũng chính là câu hỏi đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong buổi Chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, hồi tháng 10/2018 vừa qua. Đi tìm cốt lõi của nguyên nhân dẫn tới đạo đức xã hội, giá trị văn hóa xã hội của dân tộc đang dần bị mai một.
Nếu đổ lỗi cho việc đây là tác động của nền kinh tế thị trường, đây chính là “mặt trái” đang tàn phá và làm xói mòn đi giá trị tốt đẹp của xã hội. Con người chạy theo đồng tiền, bỏ mặc con cái trước tác động, giáo dục của xã hội. Câu hỏi trong vụ kiện lịch sử của ông chủ Tập đoàn Café Trung Nguyên về việc “tiền nhiều để làm gì?”, đã cho thấy đồng tiền tác động tiêu cực tới một mặt của đạo đức – xã hội hiện nay
Nhưng nếu chỉ đổ lỗi riêng cho kinh tế, cho sức nóng của đồng tiền, của nền kinh tế thị trường, thì liệu đã đủ công bằng hay chưa?
Một lý do nữa được đưa ra là nhiều người trẻ Việt Nam đang lạc lối trong xác định lý tưởng sống, chạy theo sự đua đòi. Cách đây không lâu, khi chia sẻ về những lo ngại và nguyên nhân dẫn tới đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trên báo Dân Trí. Ông Nguyễn Sự – nguyên Chủ tịch, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam đã nói tới việc “giáo dục có vấn đề”.
“Khi đạo đức xuống cấp, cái tốt không được ca ngợi, thậm chí có những người có hành động tốt còn bị coi là hâm, không bình thường. Tự nhiên người đó bị nhìn nhận theo một cách bất thường, trong khi đáng lý ra đó là điều hết sức bình thường.” – ông Nguyễn Sự nói.
Câu nói này của ông khi xưa, đã đúng đối với ngày hôm nay khi mà cả nước đang bức xúc về vấn đề gọi vong chùa Ba Vàng, nữ sinh đánh nhau trong chính trường học, “giang hồ mạng” Khá Bảnh được giới trẻ thần tượng một cách thái quá, sai lầm.
“Giáo dục có vấn đề” khi mà thầy cô sử dụng bạo lực để đưa vào giáo dục như hàng trăm cái tát, như bắt học sinh quỳ gối, như bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng,… Nhưng tất nhiên là không thể chỉ nói đến việc giáo dục của nhà trường, mà bỏ đi vai trò quan trọng nhất của gia đình trong giáo dục.
“Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em.” Câu nói này rất đúng trong mọi hoàn cảnh, xã hội thời đại nào muốn phát triển thì gia đình phải là nền tảng đầu tiên. Gia đình tạo nên nhân cách con người, định hình lối sống và tư duy cá nhân. Nếu bố mẹ không gương mẫu, thầy cô không nhận được sự tôn trọng của học trò, cán bộ có chức có quyền hư hỏng, sa ngã, thì rất khó có thể duy trì đạo đức và tôn ti trật tự trong xã hội.
Nỗ lực tăng trưởng kinh tế với ngăn chặn mai một văn hóa, xuống cấp đạo đức đang là một trong những chủ đề “nóng” của toàn xã hội với những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trăn trở của người lãnh đạo về đạo đức, văn hóa vẫn còn ngổn ngang, nếu sau những vụ việc đau lòng như trên chúng ta không xử lý nghiêm và rút ra những bài học thật sâu sắc. Thì nỗi niềm của người lãnh đạo sẽ kéo dài bao lâu, đạo đức là nền tảng của phát triển kinh tế sẽ bị đảo ngược, thành xã hội phải chạy theo tăng trưởng.
(Theo Bút Danh)