“Tiến sĩ quần vợt”, Việt Nam đang khiến thế giới phải “bái phục”

Một xã hội chỉ quan tâm tới bằng cấp, hư danh mà lại không chú ý đến năng lực làm việc và cống hiến của cá nhân, nên đã dẫn đến tình trạng một đất nước lắm người học hàm, học vị cao nhưng lại không hề giúp ích được cho đất nước. Đã thế, tình trạng hơi hài hước một chút đó chính là việc những người có học hàm, học vị lại thua… kém cả người nông dân.

Những luận văn Tiến sĩ có những công trình nghiên cứu… lạ

Mới đây trên báo Người Lao động có đưa tin về việc ở Việt Nam lần đầu tiên có tiến sĩ về… quần vợt, một điểm hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam. Tác giả của luận văn Tiến sĩ công trình nghiên cứu là ông Trần Trọng Anh Tú, với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thực hành các phương tiện chuyên môn để nâng cao kỹ năng đánh bóng cho sinh viên học Quần vợt chuyên sâu của Trường ĐH. TDTT TP.HCM”, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Hiệp và TS. Đặng Hà Việt.

Ông Trần Trọng Anh Tú tác giả của đề tài luận án Liến sĩ “quần vợt”

Ông Trần Trọng Anh Tú nguyên là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, hiện nay là Phó ban chuyên môn của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) đã giải thích vấn đề này. Ông Tú cho biết: “Người chơi quần vợt Việt Nam rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả bóng đá song VĐV đỉnh cao lại rất ít. Nghịch lý này xuất phát từ 3 lý do: Khâu đào tạo huấn luyện chưa ổn định; khâu tổ chức giải còn quá mỏng; Chưa có sự đầu tư cơ bản, đến nơi đến chốn. Muốn có VĐV giỏi thì phải đào tạo từ 10 – 12 tuổi. VTF hiện chỉ đầu tư vào những VĐV đã có thành tích, còn gần như bỏ lửng đầu tư nguồn. Hiện nay, gia đình nào có con em chơi quần vợt chuyên nghiệp thì phải tự bỏ ra khoảng 30.000 USD/năm”.

Những đóng góp mà Luận án Tiến sĩ này được nêu ra đó chính là bằng những phân tích sinh cơ học và phương pháp kiểm tra sư phạm, tác giả đã cho thấy thực trạng về kỹ thuật cơ bản của sinh viên chuyên sâu Quần vợt trường Đại học TDTT TP.HCM.

Luận án đánh giá mức độ hoàn thiện kỹ thuật cơ bản của các sinh viên quần vợt, được tổng hợp 36 phương tiện bổ trợ chuyên môn và xây dựng được 98 bài tập sử dụng các phương tiện bổ trợ chuyên môn nhằm khắc phục những lỗi, sai sót, khuyết điểm. Từ đó, hoàn thiện các kỹ thuật cơ cho sinh viên chuyên sâu Quần vợt.

Với những đóng góp vô cùng lớn trong đề tài nghiên cứu của vị Tiến sĩ này, chắc chắn người Việt sẽ không kỳ vọng gì hơn việc người học viên của trường Đại học TDTT TP.HCM sau khu ứng dụng sẽ đủ tự tin để đưa nền quần vợt Việt Nam ra giải đấu quốc tế.

Hy vọng rằng, ứng dụng vào việc học “đánh quần vợt”, những học viên, sinh viên Việt Nam sẽ sớm có thể sáng vai với vận động viên quần vợt nổi tiếng hiện nay như: Roger Federer, Rafael Nadal, Pete Sampras…

Số lượng Tiến sĩ ngày một nhiều như “nấm mọc sau mưa” ở Việt Nam hiện nay, đã tạo ra những hình thức “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và dần làm mất đi vị thế cao cả của những người học thật, thi thật, mong muốn công hiến thật sự cho sự phát triển của nước nhà.

Với sự chạy theo học hàm, học vị nhiều quá mức như hiện nay, thì nhiều những ông Tiến sĩ, Thạc sĩ không những không hề có những công trình nghiên cứu khoa học. Mà chỉ cần khi đọc cái tên đề tài nghiên cứu người ta cũng đã thấy được tính khoa học được chuyển thành tính “gây cười” từ khi nào.

Không có gì lạ lẫm khi ở Việt Nam có những đề tài nghiên cứu khoa học kiểu như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”; “Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”; “Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm”; “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”…

Những đề tài gần mang tính chất “để tủ kính” hiện nay ngày càng một nhiều, vì vậy cũng chẳng có gì là lạ khi mà chỉ trong 3 năm (2015 – 2017) Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã “cho ra lò” hơn 1.100 tiến sĩ. Tức là trong 3 năm, với tổng cộng 1.095 ngày, thì mỗi ngày có một tiến sĩ được ra đời.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện nay có khoảng trên 24.000 tiến sĩ và 101.000 Thạc sĩ. Ngoài ra, 9.000 tiến sĩ tiếp nối đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Chính phủ phê duyệt ngân sách 14.000 tỷ đồng, sẽ ra đời trong tương lai gần.

Điều đáng buồn nhất là hiện nay có rất nhiều người học tốn nhiều chi phí và thời gian để có những tấm bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhưng sau đó thì tấm bằng đó cũng chỉ có giá trị như những tờ giấy, được cất giữ trong tủ mà không hề giúp ích gì cho bản thân người học, gia đình và xã hội. Không lạ lẫm gì cảnh nhiều Tiến sĩ bán hàng rong ngoài chợ, Thạc sĩ giấu bằng đi làm công nhân.

“Cơn mưa” Tiến sĩ, thạc sĩ nhiều đến thế thì đất nước sẽ đi về đâu?

“Vòng tròn” của những kẻ háo danh đã tạo nên những “cơn mưa Tiến sĩ, Thạc sĩ” ngày một nhiều ở Việt Nam. Để rồi, mỗi khi một “lò ấp” thành công một “lô Tiến sĩ”, thì người ta lại đi tìm câu hỏi là lỗi của ai? Lỗi thuộc về cơ quan quản lý giáo dục, đơn vị đào tạo, hay chính bản thân người học?.

Một xã hội chỉ quan tâm tới bằng cấp, hư danh mà lại không chú ý đến năng lực làm việc và cống hiến của cá nhân, nên đã dẫn đến tình trạng một đất nước lắm người học hàm, học vị cao nhưng lại không hề giúp ích được cho đất nước. Đã thế, tình trạng hơi hài hước một chút đó chính là việc những người có học hàm, học vị lại thua… kém cả người nông dân.

Các trường đại học cứ đào tạo một loạt các Tiến sĩ, Thạc sĩ một cách ồ ạt, đại trà, nên dẫn đến tình trạng số lượng bài báo khoa học được công bố trên diễn đàn quốc tế luôn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Những đề tài nghiên cứu luận án Tiến sĩ “không thể chấp nhận nổi” ở Việt Nam

Hiện nay, có tới 21 trường đại học ở Việt Nam không được công nhận bởi cơ quan kiểm định giáo dục, có thẩm quyền từ Hoa Kỳ. Đây là một điều đáng trách đối với nền giáo dục của Việt Nam, những trường hợp này nếu muốn đi du học ở Mỹ thì chắc chắn sẽ không được công nhận, dù đã có 4 -5 năm rèn luyện, học tâp ở trường đại học.

Học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ được dành để gọi tên những người thực sự có theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để nhận được một tấm bằng, một giấy xác nhận là tiến sĩ để “thông hành” quốc tế.

Do đó, để đạt được tấm giấy “thông hành” này, đòi hỏi người học phải rèn luyện về mọi mặt, trình độ, kỹ năng, những nghiên cứu, lý thuyết, phân tích, diễn giải kết quả nghiên cứu…

Việt Nam chúng ta có những con người tài năng thực sự, đóng góp cho xã hội vô cùng lớn, nhưng họ hoàn toàn không có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để khoe khoang với những người thường như: Giáo sư Tôn Thất Tùng; Giáo sư Tạ Quang Bửu; Giáo sư Trần Đại Nghĩa… Sau này những nông dân Việt Nam được nhiều quốc gia mong muốn “có được” như: ông Trần Quốc Hải chế tạo xe bọc thép; anh nông dân Phạm Văn Hát…

Nếu không trị được căn bệnh Tiến sĩ, Thạc sĩ thì chắc rằng trong tương lai, xã hội Việt Nam chắc chắn sẽ phát sinh hơn nữa căn bệnh háo danh, hư danh, “tiến sĩ giấy”, chỉ có “lượng” không có “chất”. Lúc đó, có lẽ đất nước sẽ chẳng thể đi về đâu và sẽ “làm trò cười cho thiên hạ”, nếu tiến sĩ không thể giúp… cho đời.

(Theo But danh)