Thủ tướng mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng, chính quyền

Mong muốn Mặt trận Tổ quốc giúp phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu cơ quan giám sát, phản biện xã hội phải chủ động góp ý kiến với việc hoạch định chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp các cơ quan tự điều chỉnh, tự hoàn thiện…

Đây là một nội dung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý khi phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận tổ quốc Việt Nam sáng 19/9.

Thủ tướng mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng, chính quyền - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội mặt trận.

Căng thẳng trên Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định

Đánh giá cao vai trò của Mặt trận trong nhiệm kỳ 2014-2019, Thủ tướng khẳng định, những nỗ lực đổi mới không ngừng nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận đã góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác Mặt trận còn những hạn chế, bất cập, cần có các giải pháp để khắc phục. Thủ tướng chỉ rõ, nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Hoạt động của UB Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá.

Thủ tướng nhắc nhở, bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi những quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị nói chung cũng như MTTQ nói riêng khi mà bốn nguy cơ tồn tại vẫn là thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệquan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục. Những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe doạ hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… Đó là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nơi tin cậy để người dân tố giác tham nhũng

Thủ tướng mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng, chính quyền - 2
Thủ tướng trao đổi với các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự đại hội.

Thủ tướng tán thành 5 chương trình hành động đề ra cho nhiệm kỳ 2019-2024 của MTTQ, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của nhiệm kỳ tới là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt trận cần động viên các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường khối liên minh giữa công nhân – nông dân – trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thủ tướng cũng yêu cầu Mặt trận tiếp tục thực hiện vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan toả, sát hợp với thực tế.

“Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và nhà nước. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình” – lãnh đạo Chính phủ nói.

Một yêu cầu nổi bật Thủ tướng đề cập là Mặt trận cần vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, Mặt trận cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Thủ tướng mong muốn sự chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận. Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở.

(Nguồn: Dân trí)