Thêm lý do để chúng ta tự hào về nền y học Việt Nam
Ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống vừa được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thông tin được Bệnh viện chính thức công bố vào sáng 24/2, tại Hà Nội. Theo đó, người được ghép chi thể là Phạm Văn Vương, 31 tuổi ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 2016, trong quá trình làm việc tại nhà máy sản xuất hộp bằng kim loại, anh Vương bị tai nạn lao động khi đang điều khiển máy đột dập, khiến 1/3 cẳng tay và bàn tay trái bị dập nát, biến dạng hoàn toàn. Khi đó, anh Vương được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, nên các bác sĩ buộc phải cắt cụt đoạn chi thể từ 1/3 cẳng tay đến hết bàn tay trái của anh Vương. Sau đó 2 tuần, anh Vương được xuất viện.
Đến đầu năm nay, tức là 4 năm sau vụ việc vừa nêu, cơ hội được ghép bàn tay của anh Vương được mở ra, khi có một bệnh nhân khác cũng bị tai nạn lao động phải cắt bỏ cả cánh tay trái vì bị dập nát từ phần sát nách đến quá khuỷu tay. Bệnh nhân này đã đồng ý hiến đoạn 1/3 cẳng tay đến bàn tay của cánh tay đã được chỉ định cắt bỏ để các bác sĩ ghép cho anh Vương.
Ca mổ diễn ra trong 8h.
GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện thăm bệnh nhân ghép chi.
Bệnh nhân sau ghép 2 tuần.
Ca cắt bỏ cánh tay và ca ghép đoạn chi thể được tiến hành đồng thời vào ngày 21/1, tức ngày 27 Tết Canh Tý tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, ekip thực hiện ca ghép đều là y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
“Ca ghép diễn ra khoảng 8 tiếng đồng hồ, từ 10h sáng đến hơn 6 giờ tối. Để nối phần chi thể từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay, chúng tôi phải nối tới 36 cơ và có 2 xương, cùng với cấu trúc xương, màng xương, tủy xương. Riêng bàn tay có đến gần 40 cái xương. Về sau những phần được nối này sẽ liền hết với nhau, tạo thành một khối”, ông Nguyễn Thế Hoàng cho biết.
Các bác sĩ phẫu thuật và bệnh nhân ghép chi.
GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng và bệnh nhân ghép chi thể sau 1 tháng.
Sau ca ghép, tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi, tức là đoạn chi thể từ 1/3 cẳng tay đến bàn tay trái sau khi được ghép vào cơ thể anh Phạm Văn Vương đã được tưới máu đầy đủ giống như bên tay phải. Đến nay, chỉ hơn 1 tháng sau ca ghép, anh Vương đã có thể sử dụng bàn tay trái để nắm một số đồ vật và các tín hiệu hiện nay cho thấy khả năng hồi phục là trên 50%.
Anh Phạm Văn Vương chia sẻ, đang tập phục hồi chức năng sau ca ghép: “Em đang cố gắng tập để khi các dây thần kinh hồi phục thì có thể cầm nắm đồ vật được dễ dàng hơn. Bác sĩ dặn là phải tập liên tục, tự mình tập vận động cơ để có thể đóng mở bàn tay. Em đang tập cầm nắm với quả bóng bàn. Sau này sẽ tập với những vật dụng nhỏ hơn để có thể cầm nắm được chắc chắn hơn”.
Chi thể được ghép sau 1 tháng.
Theo thống kê, từ năm 1998 đến nay, trong y văn quốc tế chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể được thông báo. Trong đó, ghép cẳng tay được thực hiện nhiều nhất tại Mỹ là 24 trường hợp, Trung Quốc 13 trường hợp, Pháp 11 trường hợp. Tất cả các trường hợp được ghép này đều lấy nguồn chi thể từ người cho chết não. Và trường hợp ghép chi thể từ người cho sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trường hợp đầu tiên trên thế giới.
Nguồn VOV