Thấy gì từ câu chuyện bác sĩ không dám cứu người vì sợ “sai quy trình”?
“Từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, chúng em không dám làm sai quy trình. Nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”. Câu chuyện nghe qua thật đáng buồn…
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng lại được một phen bùng nổ vì câu chuyện “động trời” của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Chuyện kể rằng, khi đến một tỉnh giấu tên nọ để xử lý trường hợp sản phụ tử vong, đoàn công tác của Bộ Y tế phát hiện rằng thai nhi vẫn có thể cứu được dù tỷ lệ thành công chỉ là 20%. Người ta nói rằng tim thai vẫn còn đập liên tục đến 5 phút sau đó. Nếu mổ cấp cứu nhanh, bỏ qua các quy trình thủ tục thì vẫn còn cơ hội cứu sống thai nhi.
Nhưng ê kíp bác sĩ trực ca ngày hôm ấy đã quyết định không hành động. Nỗi khổ tâm của họ càng nghe mà càng chua xót: “Từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương ở Hòa Bình bị khởi tố, chúng em không dám làm sai quy trình. Nếu thành công, đây là điều kỳ diệu. Nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”.
Và thực tế, cả hai mẹ con sản phụ đều tử vong. Nhiều người nói, đó là một cái chết đúng… quy trình!
Vẫn là hai chữ “quy trình”. Quy trình có thể giúp một hệ thống vận hành ổn thỏa và hiệu quả. Nhưng đôi khi quy trình cũng có thể kết liễu những điều kỳ diệu tạm gọi là ‘may mắn’. Cấp cứu bệnh nhân, mỗi giây đều quý giá. Nếu còn phải làm đúng quy trình (thông báo với người nhà bệnh nhân, chờ sự đồng ý, hội chẩn…) thì còn đâu cơ hội để bác sĩ cứu người đây? Đáng buồn thay, câu thành ngữ dân gian xưa, rằng: “Đau đẻ chờ sáng trăng” trong những trường hợp như thế này vẫn hiển hiện nguyên sức biểu đạt của nó theo cả nét nghĩa tường minh và hàm ẩn!
Chính những quy trình phức tạp ấy cùng với sự nhạy cảm của một nghề nghiệp liên quan đến mạng người, sống chết, đang khiến bác sĩ phải chịu trói buộc bởi ngày càng nhiều chế tài pháp luật khắt khe hơn. Nếu không cẩn thận, bác sĩ hoàn toàn có thể “làm ơn mắc oán”, cứu người chẳng xong (chịu sự giày vò của lương tâm) mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chịu sự giày vò của pháp luật). Đơn cử như chuyện bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên án đến 30 tháng tù vì “vô ý làm chết người” trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tháng 5/2017. Dù ngay cả người nhà bệnh nhân, các hội đồng y khoa hay Bộ Y tế đều vào cuộc minh oan cho bác sĩ Lương nhưng bản án khắt khe vẫn chụp lên đầu người trước đó từng được coi là hy vọng cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.
Rõ ràng, nghề bác sĩ là một nghề nguy hiểm. Từ cứu người, một lúc nào đó rất có thể bạn phải đóng vai phản diện hại người. Cũng bởi nỗi khổ tâm (và cả nỗi sợ hãi) ấy mà nhiều người thực sự đang chấp nhận “làm theo quy trình” để bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Phá vỡ quy trình, dù vô tình hay cố ý, đều có thể dẫn đến thảm họa.
Bác sĩ bây giờ không chỉ phải đối diện với sự quái ác của căn bệnh, của virus mà còn phải vượt qua muôn ngàn áp lực của những quy trình máy móc, những chế tài khắt khe, những áp lực truyền thông, xã hội nặng nề. Tất cả sức ép đều đang dồn lên đôi tay, khối óc của người bác sĩ. Cái thế tiến thoái lưỡng nan của người bác sĩ có lẽ ít ai hiểu. Làm bác sĩ, ai chẳng muốn cứu người, ai nỡ nhìn thấy người bệnh chết trong tay mình? Nhưng đôi khi câu chuyện là “tình ngay lý gian”, trước pháp luật họ vẫn phải tự bảo vệ chính mình. Cho nên việc nhiều bác sĩ không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để xả thân giành giật vài phần trăm cơ hội sống sót cho người bệnh bỗng nhiên trở thành chuyện hoàn toàn hợp lý. Dù vô tình, dù cố ý, hệ thống pháp luật đang thực sự tạo ra ngày càng nhiều hơn những bác sĩ chỉ biết làm đúng quy trình.
Nhưng có điều, thảm họa y khoa vẫn chưa nguy hiểm bằng cái thảm họa đạo đức và lương tâm. Hãy thử hình dung một ngày kia bạn phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc nhưng bác sĩ trong ca trực lại đang phải đợi hoàn tất một mớ thủ tục, quy trình trước khi dám tự tin xỏ găng tay và phẫu thuật cho bạn. Bạn sẽ tự hỏi “Vậy thì còn đâu lương tâm, y đức của ngành y?”. Nhưng ở thời buổi như ngày nay, đó là câu hỏi rất khó trả lời, rất khó trả lời!
Nói rộng ra, nếu như xã hội này toàn là những người chỉ biết bo bo giữ mình, không còn thấy cắn dứt lương tâm trước sự sinh tồn của đồng loại thì mới thật đáng sợ làm sao. Đáng buồn thay, pháp luật vốn được đặt ra để đảm bảo tính lương thiện của con người thì ở đâu đó, tự nó bằng sự lạnh lùng của mình, lại đang dần giết chết đi những hành động thiện lương. Còn gì đau xót hơn khi bạn nghe những người bác sĩ ngậm ngùi nói rằng mình “không dám làm sai khác quy trình” để cứu người trong cơn nguy kịch vì sợ bị khởi tố. Bệnh nhân đáng thương, bác sĩ lại càng đáng thương biết bao! Hãy tin rằng, chẳng một người bác sĩ có lương tri nào lại không cảm thấy cắn dứt khi chứng kiến bệnh nhân của mình phải chết khi mà họ vẫn còn cơ hội sống!
Ai đó từng nói: “Đạo đức là luật pháp tối đa, còn luật pháp là đạo đức tối thiểu”, ngẫm ra thực hay. Khi tất cả mọi người đều hành xử với nhau theo “đạo”, bằng cái “đức” thì nào có cần chi luật pháp hà khắc. Luật pháp cũng chỉ là thỏa thuận, nguyên tắc mà con người tự đề ra, sẽ chẳng bao giờ thay thế được lương tâm, được sự phản tỉnh và niềm hối cải của từng cá nhân. Việc khép các bác sĩ vào những “quy trình” cứng nhắc và sự trừng phạt ghê gớm (từ cả pháp luật, truyền thông và dư luận) đã vô tình biến họ trở thành những cỗ máy chữa bệnh. Mà y học đâu chỉ đơn giản là chữa bệnh khỏe người, nó còn là y đức, là lương tri, lương năng, v.v… là những vấn đề to lớn hơn rất nhiều.
Người xưa nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người ban đầu vốn có tính thiện). Không phải địa vị hay tiền bạc, lòng nhân hậu mới là thước đo cho giá trị một con người. Lại cũng có câu “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải người có dũng khí). Việc nghĩa kia rất có thể là cứu vớt một sinh mạng đang trong cơn nguy khốn. Khi vì một lý do nào đó, người ta không còn cái nghĩa khí cứu người, dũng khí làm việc thiện thì đạo đức xã hội đã trở nên nguy ngập biết nhường nào!
Theo DKN