Thấy gì ở việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhận trách nhiệm?
Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về vụ gian lận kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang và một số địa phương khác. Không ít người quan tâm đặt ra câu hỏi: “Rồi sao nữa?”, “Nữa rồi sao?” với ý muốn đi tới cùng của sự việc và buộc Bộ trưởng Nhạ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Vậy những người “khuất mắt trông coi” trong vụ việc này thì sao? Sau khi nhận trách nhiệm thì bước tiếp theo cần làm là gì?
So với chục năm về trước thì ngày nay, với không khí hoạt động dân chủ, báo chí thông tin bùng nổ thì mọi vấn đề đều được ra bàn luận công khai. Lãnh đạo cầu thị hơn thì báo chí và nhân dân cũng dần có quyền chỉ trích Bộ trưởng khi một lĩnh vực nào đó bất kỳ xảy ra sự cố và sai phạm. Thậm chí, sau vụ gian lận thi cử vừa qua, một số người còn yêu cầu người Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xin lỗi, nhận trách nhiệm rồi từ chức.
Đồng ý, sai phạm của bất kỳ ngành nào, không riêng gì ngành giáo dục thì người đứng đầu phải gánh vác trách nhiệm là chuyện hiển nhiên. Thế nhưng, tờ báo Tuổi trẻ lại dùng sự việc này để công kích một cá nhân nào đó thì liệu đây có phải hành động quân tử? Phải chăng tờ báo này có mục đích khác? Tại sao chúng ta bỏ qua sự cố gắng của Bộ trưởng nói riêng và của cả ngành giáo dục nói chung về việc nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm qua? Tại sao chúng ta lại có cái nhìn hằn học rồi bới móc mà không phân tích rõ cái được và chưa được ở đây?
Như một thói quen, khi những mặt tiêu cực khác của ngành giáo dục xảy ra như bạo lực học đường, cô giáo bị ép hầu rượu, thầy giáo dâm ô với học sinh, phí học thêm cao ngất ngưởng,… thì hầu hết dư luận đều chĩa mũi dùi về phía người đứng đầu ngành. Nhưng liệu “cánh tay” của Bộ trưởng có thể sâu sát được hết tất cả hành vi của từng cá nhân?
Trước đây, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin từng cho rằng bộ máy giáo dục của Việt Nam ưu việt hơn rất nhiều so với Thái Lan. Bởi Bộ giáo dục Thái Lan có khoảng 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường học. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 70 người làm công việc tương tự trong bộ này. Có lẽ thời điểm đó, vị Bộ trưởng nước bạn chưa hiểu cơ chế hoạt động nên đã lầm tưởng. Thực tế, 70 người công chức đó không quản được cả ngành giáo dục của Việt Nam và họ chỉ là người đưa ra định hướng, chính sách, quyết được 5% ngân sách, trong khi đó 95% quyền quyết định thực thuộc về lãnh đạo chính quyền địa phương.
Ngay cả người mang danh đứng đầu ngành giáo dục như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng không có quyền bổ nhiệm lãnh đạo giáo dục ở các địa phương. Giám đốc sở do chủ tịch tỉnh bổ nhiệm, cán bộ giáo dục do Sở nội vụ tuyển dụng, nâng lương cũng do Hiệu trưởng, Sở Giáo dục đề nghị, sai cũng do Hiệu trưởng và Phòng Giáo dục xử lý. Vừa không có quyền bổ nhiệm nhân sự vừa không có quyền quyết chuyện tiền nong, nhìn vào đây mới biết Bộ trưởng Nhạ không được may mắn như Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan (quản lý 20.000 cán bộ công chức và toàn quyết quyết định chi tiêu ngân sách).
Thực tế, nước ta xây dựng mô hình hệ thống tổ chức giáo dục theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Có nghĩa là, các cơ sở giáo dục vừa chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Giáo dục vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực,… Song trùng trực thuộc thì trách nhiệm phải được xác lập song trùng. Đâu thể chỉ đổ mọi trách nhiệm lên đầu người quản lý ngành – người chỉ có quyền đưa ra các quy định mang tính chuyên môn. Còn lãnh đạo chính quyền địa phương và Sở Giáo dục tỉnh lị thì tỏ ra “khuất mắt trông coi”, chẳng liên quan gì tới mình.
Những tháng vừa qua, bản thân chúng ta cũng nhìn thấy những nỗ lực khắc phục hậu quả và xử lý sai phạm của ngành Giáo dục nói chung và của Bộ trưởng nói riêng. Từ việc phối hợp với các lực lượng chức năng tìm ra những cá nhân vi phạm, khôi phục lại dữ liệu bài thì gốc, cam kết xử lý nghiêm minh cá nhân sai phạm và nhận trách nhiệm về những hạn chế, công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Thế nhưng, điều đó mới chỉ giải quyết phần ngọn bởi ngày nay, vẫn còn có rất nhiều cán bộ giáo dục bị tha hóa về mặt đạo đức, coi thường pháp luật bởi họ chịu sự chi phối của đồng tiền và lợi ích. Chạy điểm, chạy bằng cấp, chạy chức quyền, chạy khen thưởng,… diễn ra như cơm bữa.
Giả sử những năm tới, Bộ GD&ĐT ra được một bộ quy định hoàn hảo nhất về thi THPT, hoàn thiện hơn công tác tổ chức, ra đề thi, rà soát toàn bộ phương án, cách thức thì liệu có xóa bỏ được tiêu cực thi cử? Trong khi, tư tưởng bằng cấp gắn liền với “ghế to”, nhiều lựa chọn béo bở đã ăn sâu vào người Việt.
Thiết nghĩ, việc đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên làm đó là xin cái quyền làm tư lệnh ngành thực thụ để tập trung đủ quyền hành như tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và quản lý ngân sách. Sau đó toàn ngành Giáo dục cùng bắt tay vào công cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử, đó là thay đổi tư duy giáo dục, mạnh dạn xóa bỏ những lề lối cũ. Đó là hướng đến nền giáo dục tư nhân hóa nhiều hơn, không trọng bằng cấp, không đặt nặng lý thuyết và thi cử, hướng đến đào tạo các chuyên gia giỏi thực hành. Môi trường giáo dục cần làm rõ tư tưởng học tập cho sinh viên là để làm được việc, để cống hiến cho xã hội chứ không phải vì tấm bằng đẹp. Tiêu chí đánh giá năng lực một người dù ở cơ quan nhà nước hay tư nhân cũng là ở sự đóng góp, không phải ở bằng cấp, học hàm học vị. Như ta thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đâu phải là những người học giỏi nhưng những việc mà họ làm được cho đất nước đã khiến nhân dân tin tưởng, ủng hộ họ đấy thôi.
Thậm chí, Bộ Giáo dục có thể bỏ hẳn luôn kỳ thi THPT Quốc gia, không cần phải ôm trách nhiệm tuyển sinh nữa. Hãy để cho các Học viện, Đại học, Cao đẳng tự chủ thực hiện, bằng cách nào đó, sau đó báo cáo tình với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chính phủ, Thủ tướng. Hãy cho họ cơ hội và môi trường cạnh tranh công bằng, Bộ giáo dục chỉ cần làm người cầm trịch để đảm bảo các trường không vi phạm pháp luật. Khi đó buộc tất cả các trường phải có chiến lược, sự đầu tư kỹ lưỡng về chương trình và phương pháp để đào tạo ra càng nhiều người giỏi càng tốt, vừa tạo uy tín cho trường vừa thu hút được học sinh theo học.
Tin rằng, nếu Bộ Giáo dục quyết tâm thay đổi với những biện pháp trên thì chắc chắn sẽ không còn bóng dáng tiêu cực thi cử cũng như chuyện mua bằng cấp nữa. Đất nước sẽ có rất nhiều thế hệ người tài giỏi, ngành Giáo dục Việt Nam sẽ thu hút sinh viên quốc tế nhiều hơn. Và Bộ trưởng cũng không phải đi xin lỗi hay nhận trách nhiệm nữa.
Đức Việt