Tham nhũng ở người có quyền: Thạc sĩ “quèn” sao chống được?

Từ năm 2018, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên ở cấp độ thạc sĩ về vấn đề này ở nước ta, và cũng một trong những chương trình đầu tiên về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng đang được giảng dạy ở một số trường đại học trên thế giới.

Chương trình đào tạo mới của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội đang gây tranh cãi

Việc cho ra mắt ngành đào tạo mới này đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ dư luận cũng như giới chuyên gia, nhà khoa học

Nhìn từ mô hình đào tạo của các trường trên thế giới

Hiện nay nội dung phòng, chống tham nhũng đã và đang được giảng dạy ở rất nhiều trường hành chính, kinh tế và trường luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia …

Ở Trung Quốc: Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng và tác phong liêm chính trong toàn Đảng, bởi theo họ, “giáo dục đạo đức là hàng đầu, tu dưỡng bản thân là cơ bản”.

Chính vì vậy, Trung Quốc đã tăng cường giáo dục lý luận để nâng cao nhận thức về bản chất trong sáng của Đảng cũng như phẩm chất đạo đức, tác phong liêm chính trong mỗi cán bộ, đảng viên; giáo dục tác phong sống giản dị, lành mạnh, đồng cam cộng khổ với nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, có chức, có quyền, có điều kiện nhận hối lộ; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật…

Ở Hàn Quốc, Australia: Nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học để giúp học sinh ý thức được nguyên nhân, hậu quả, tác hại của việc tham nhũng và giáo dục ý thức lên án tham nhũng ngày từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng và lập quỹ chống tham nhũng..v..v.

Điều này cũng đồng nghĩa, công tác phòng chống tham nhũng là công việc, trách nhiệm mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải làm, không riêng gì Việt Nam, bởi nó được coi như một biện pháp để bảo vệ chính quyền, chế độ của mình.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Trở lại với trường hợp mở chương trình đạo tạo mới của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đại diện Khoa Luật, chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Các cơ quan chuyên trách về phòng, tham nhũng các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ sở học thuật, các cơ quan truyền thông.

Thật ra, đây là một chương trình đào tạo đầy ý nghĩa, thể hiện một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến không thể thành công một sớm một chiều. Một cố gắng cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội trong điều kiện không phải không thiếu ý kiến băn khoăn về một chuyên ngành mới.

Có người ủng hộ khi nói: “Đây là một chương trình đào tạo kiến thức liên quan đến quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng, chứ không phải một chương trình phòng chống tham nhũng. Tức là người ta nghiên cứu các tri thức liên quan đến vấn đề đó. Tại sao lại không cần thiết?”

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh trong bài phát biểu đã khẳng định: “Nghiên cứu và đào tạo về phòng chống tham nhũng về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công”. Thực tiễn đã chứng minh nền quản trị công hiện nay của chúng ta, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, các vụ việc vụ án liên quan đến tham nhũng trong các lĩnh vực khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Thực tiễn cũng chứng minh, ở nơi nào quản trị công có hiệu quả thì ở nơi đó không có chỗ dung thân cho hành vi tham nhũng. Nơi nào năng lực quản trị yếu kém, cơ chế chính sách sơ hở thì tham nhũng dường như là điều tất yếu và khi đó hãy nên tự trách mình đã để “mỡ treo miệng mèo” trước khi phê phán những kẻ tội lỗi.

Tham nhũng ở người có quyền lực, nếu là thạc sĩ chuyên ngành mãi là chuyên viên “quèn” thì sao chống?

Vấn đề ở chỗ, với cơ chế xin-cho trong tuyển dụng công chức bấy giờ, các thạc sĩ chuyên ngành phòng chống tham nhũng khi học xong ra sẽ làm gì? Ai nhận? Liên quan đến ngành mới này của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói rằng: “Tôi không biết tại sao lại có chương trình đào tạo thạc sĩ về phòng, chống tham nhũng. Đào tạo để làm gì? Họ sẽ giữ vị trí gì? Vị trí tham mưu, đề xuất hay thế nào?”

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: “Nếu cần thiết đào tạo thạc sĩ phòng, chống tham nhũng thì nên bổ sung chuyên sâu thêm vào chuyên ngành thạc sĩ luật học, vì như vậy sẽ thực tế hơn. Cứ mở ngành, đào tạo tràn lan rồi không biết các thạc sĩ phòng chống tham nhũng sẽ làm ở đâu và cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận”

Thậm chí, PGS.TS Võ Kim Sơn – nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia còn ví von thế này: “Chưa rõ chương trình này sẽ dạy những gì. Tuy nhiên, về nguyên tắc, dạy phòng chống tham nhũng cũng giống như dạy ăn cơm, người biết ăn cơm dạy người chưa biết ăn cơm. Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý”.

Khách quan mà nói, chương trình đào tạo thạc sĩ nào thì cũng cần có tính hàn lâm, từ hàn lâm mới gắn với thực tiễn. Chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, cần nắm chắc các vấn đề lý luận, sau đó là các quy đinh pháp luật, rồi đến hiểu biết thực tiễn. Chương trình của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp cận theo cách đó là “tiên phong”.

Tuy nhiên, học thuật không làm nên chuyện khi mà những vấn đề như kiểm soát quyền lực vẫn còn nhức nhối. Chính vì thế, người nên học về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước. Nên đào tạo, nghiên cứu, thành lập các khoa liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các trường đảng, trường cán bộ, hành chính. Trong các trường ấy mở khoa phòng, chống tham nhũng thì có lý hơn.

Bên cạnh đó, không phải công chức nào cũng có thể tham nhũng. Phải là những công chức giữ những chức vụ rất cao, có đủ thẩm quyền ban phát, mới có thể và có điều kiện để tham nhũng, như ký cho cấp dưới lên chức, lên cấp, ký tiếp nhận người vào cơ quan, ký duyệt chi, ký thu hồi đất, giao đất, ký duyệt dự án, thậm chí ký ban hành những chính sách…

Tức là chữ ký của người đó có thể “đẻ” ra hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ, mang lại lợi ích khổng lồ cho nhóm này, nhóm nọ. Nay một thạc sỹ về phòng chống tham nhũng, nếu được nhận về làm cấp dưới những người “ngất ngưởng ngôi cao” như thế, liệu có dám đối mặt với họ để vạch tội họ, nếu họ tham nhũng, hay không?!

Chính vì vậy, phải nhìn thẳng vào thực tế, phải chấp nhận một điều là tham nhũng là bệnh cố hữu của người có quyền, chỉ có người có quyền mới tạo ra nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng.

Liệu rằng, thạc sĩ chuyên ngành này có chống nổi tham nhũng nếu như mãi là thạc sĩ “quèn”, không có tí quyền lực trong tay? Còn nếu như để vận dụng được thì có lẽ phải mất vài chục năm thâm niên công tác để thạc sĩ chuyên ngành này hiện thực hóa kiến thức. Khi đó, kiến thức được đào tạo có khi bị “cùn, mòn” bởi thực tiễn mất rồi.

(Theo But danh)