Quan hệ Việt – Trung: Đừng sợ, hãy mạnh lên

Trước khi bắt đầu bài viết, chúng tôi xin nhấn mạnh quan điểm từ trước đến nay là: Việt Nam KHÔNG THEO một ai cả nhưng sẵn sàng bắt tay với TẤT CẢ các quốc gia trên thế giới vì lợi ích chung của các bên.

Thuở sơ khai, loài người chưa biết trị thủy, mỗi mùa nước lên là lại thắp hương cầu khấn đủ thứ thần thánh trên đời để Hà Bá bớt hung hăng, nhưng dù con người lúc ấy có tăm tối đến cỡ nào đi nữa, họ cũng dư sức hiểu rằng, không có mùa lũ, không có nước về thì chỉ có đói rã mồm. Vì vậy họ luôn cầu cho mưa thuận gió hòa chứ tuyệt đối không dại dột đến mức mong muốn không cần nước lũ. Rồi thì con người cũng thông minh dần lên, họ biết cách khống chế lũ, sống chung với lũ, biến cái hại của lũ thành cái lợi để tận dụng. Họ xây hồ, xây đập làm thủy lợi, thủy điện. Mỗi mùa lũ về tuy khó khăn vẫn còn đó nhưng họ không còn cầu khấn thần linh nữa mà họ tin rằng con người với trí tuệ và sức mạnh bản thân có thể vượt qua tất cả.

Đó là một ví dụ nhỏ cho thấy cái gì cũng có 2 mặt của nó và muốn tìm hiểu, muốn phát huy cái lợi, hạn chế cái hại phải biết nắm bắt quy luật đồng thời nâng cao sức mạnh bản thân. Trong quan hệ quốc tế cũng vậy. Khi mà ta tự bịt tai bịt mắt mình, tự tưởng tượng ra một “ông kẹ” thì mãn kiếp ta cũng chỉ là kẻ sợ hãi, khi nghe đến tên “ông kẹ” thôi là đủ giật mình, sợ hãi cứ muốn đóng chặt cửa, nhắm chặt mắt cầu đủ thứ thần đến giúp mà chẳng biết rằng nỗi sợ đó do chính chúng ta tưởng tượng mà ra, vô tình chúng ta đánh mất bản sắc của chính mình.

Quan hệ Việt – Trung: Đừng sợ, hãy mạnh lên

Nhiều người nghe nói đến hai chữ Trung Quốc tự nhiên giãy nảy lên sợ hãi. Họ sợ đủ thứ, trong con mắt của họ, chỉ có đóng cửa ở trong nhà không tiếp xúc với ai, to mồm chửi bới mới gọi là thức thời, anh dũng, bài Trung cực đoan kiểu đó có khác gì đứa trẻ trùm chăn lại để khỏi sợ ma không? Có khiến cho Trung Quốc sứt mẻ tý nào không?

Phân tích về mối quan hệ Việt – Trung rất phức tạp, nó trải dài suốt 4000 năm lịch sử có hợp tác, có đấu tranh trong đó chủ yếu là hợp tác để tìm kiếm lợi ích từ 2 phía. Đâu phải ngẫu nhiên mà các triều đại vua quan phong kiến sau khi đánh lui quân xâm lược phương Bắc đều phải đi sứ để tìm kiếm tiếng nói chung, đàm phán hòa bình. Đâu phải ngẫu nhiên mà vận mệnh 2 dân tộc đặt ra là phải giao thương với nhau, phải dựa vào nhau để đối phó với quân xâm lược đến từ phương tây. Không có sự đoàn kết giúp đỡ củaTrung Quốc, thắng lợi từ cách mạng gpdt ở Trung Quốc thì Việt Nam khó có thể giành được độc lập, đó là điều phải ghi nhận. Có thể nói, với quá trình lâu dài đó, không ai hiểu Trung Quốc như Việt Nam và đối sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc cũng thuộc hàng hay nhất thế giới.

Các thế lực thù địch kích động tính bài Trung cực đoan để làm gì các bạn biết không? Vì chúng thừa hiểu nếu Việt Nam hợp tác tốt với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ. Nghĩ đơn giản thôi, chúng muốn Việt Nam tàn tạ để nhờ Mỹ can thiệp thì chẳng có lý do gì chúng lại “hiến kế” choViệt Nam giàu mạnh lên cả. Trong nền kinh tế thế giới, Trung Quốc đóng 2 vai trò quan trọng, vừa là công xưởng, vừa là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng phải thông qua 2 hệ thống này, không hợp tác với họ là vô lý.

Sự hiện diện của hàng hóa TQ trong đời sống người dân Việt Nam cần thiết giống như tiếng Hán Việt trong ngôn ngữ. Cái xe máy người công nhân đi làm, bộ quần áo, giày dép chúng ta mặc hoặc thậm chí điện thoại, laptop bọn phản động dùng để chửi chính quyền ít nhiều cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bạn đừng nghĩ hàng Trung Quốc là dỏm, không có đâu, bạn thử mua hàng hiệu ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, An Huy xem, giá chỉ bằng 1/3 các hãng lớn trên thế giới nhưng chất lượng chẳng thua kém gì thậm chí còn hơn. Nếu bạn ở các vùng biên giới như Quảng Ninh sẽ rõ điều này. Hàng của họ dỏm thì tên lửa, vệ tinh họ chẳng bay đầy trên vũ trụ đâu các bạn à.

Các bạn sợ Trung vì cái gì? Các bạn bảo rằng họ có ý muốn xâm lược Việt Nam ư? Muốn cướp đất Việt Nam ư? Cũng đúng nhưng chưa đủ. Thế các nước khác không thích Việt Nam à? Lịch sử 4000 năm của Việt Nam đếm được bao nhiêu quốc gia muốn xâm lược Việt Nam rồi? Từ Mông Cổ, Chiêm Thành, Xiêm La, đến Nhật Bổn, thậm chí xa lắc như Pháp, Mỹ, Úc, Hàn… Tất cả đều đã từng đổ quân vào Việt Nam, riêng gì Trung Quốc? Hay tội ác chiến tranh, cả Hàn, cả Nhật, Pháp, Mỹ… Tất cả đều đầy nợ máu, riêng gì Trung? Bạn lại bảo vì các công trình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam không đạt hiệu quả? Cũng chưa chính xác, bạn có bảng so sánh thiệt hại kinh tế giữa các công trình giới tư bản đầu tư với Trung Quốc đầu tư không? Bạn có nhớ vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ không? Hay vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân? Nếu không mời tìm kiếm lại. Nếu đem so sánh, bạn có chắc bọn tây lông làm hay Nhật Bản làm sẽ thật sự tốt không? Vấn đề ở chỗ bản thân người kiểm định tức là phía chúng ta mà thôi. Nếu sợ hãi chỉ chăm chăm vào Trung Quốc thì sẽ mất cảnh giác với các quốc gia khác. Vậy có hợp lý không?

Còn trên biển cũng vậy, cộng đồng bài Trung cực đoan vẫn ngồi phòng lạnh mà ca bài ca Việt Nam không dám đánh TQ trên biển nhưng họ lại không trả lời được câu hỏi “sau đó thì sao?”. Bạn có biết rằng thế giới này có bao nhiêu nước muốn nhảy vào biển Đông đang chờ đợi 1 cái cớ hay không? Các bạn nghĩ dư luận quốc tế sáng suốt lắm sao? Không có chuyện đó đâu. Quốc tế đã từng xem Việt Nam là mối hại, là “tiểu bá”, đã quay lưng với Việt Nam khi Việt Nam đánh Polpot thì các bạn nghĩ họ có ủng hộ Việt Nam không khi Việt Nam bất chấp quy ước quốc tế mà sử dụng vũ lực trước trên biển Đông? Khi đó đừng nói TQ chứ Mỹ cũng sẽ nhảy vào gây áp lực (vì Việt Nam đe dọa an ninh hàng hải của đồng minh họ, bắt nạt Việt Nam dễ hơn gây sự với TQ nhiều.) Có chắc TQ và Mỹ không bắt tay nhau để gây khó dễ cho Việt Nam không? Lúc đó VN sẽ mất tính chủ động, trở thành con cờ trong tay các nước lớn, bị quốc tế quay lưng. Đừng nói là chiến thắng, đến yên ổn lên mạng còn chưa chắc nữa là. Việt Nam là 1 nước nhỏ, những gì Việt Nam có thì TQ cũng có và gấp trăm lần. Đối phó với TQ nhất định phải đoàn kết với các quốc gia trong khu vực, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng. Như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói, nếu xảy ra xung đột trên biển, tất cả các bên đều thua. Như vậy đâu có lợi ích gì?

Nói đến đây, tôi nhớ đến thẻ vàng mà EU dành cho hải sản Việt Nam vì sự đánh bắt trái phép trên biển. Điều đó chứng tỏ hoạt động của ngư dân trên biển không hẳn đã chấp hành đúng các qui định đánh bắt hải sản. Không chỉ có va chạm với mỗi TQ mà ngư dân của ta khi ra khơi còn đụng chạm với nhiều nước khác như Philippines, Thái, Cam, Indonesia, Mã Lai… Và ngược lại, các tàu cá của các nước này cũng xâm phạm lãnh hải VN như cơm bữa. Bởi vậy cộng đồng bài Trung cực đoan bớt lên đồng và để cho cơ quan chức năng làm việc sẽ có ích hơn là kêu gào vô nghĩa.

Các bạn ghét TQ cũng được nhưng ít nhất các bạn phải có tư duy đúng. Cái gì có lợi cho ta thì phải làm. Hàng năm TQ vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản hàng hóa chủ yếu của ta. Khách du lịch từ TQ là nguồn lợi béo bở mà ta phải tận dụng. Nó cũng giống như mùa nước lũ, các bạn có thể sợ nó nhưng không thông minh, không biết cách tận dụng để làm lợi cho mình thì các bạn vĩnh viễn chỉ ngồi cầu trời khấn phật mà thôi.

Nhận thức đúng về quan hệ Việt – Trung sẽ giúp bạn biết rằng, khi bạn mạnh mẽ hơn, bạn sẽ có vị thế vững chắc, có tiếng nói và có tư cách để nói chuyện sòng phẳng với bất cứ quốc gia nào. Còn bạn vừa nghèo, vừa cực đoan, vừa hăng máu thì chắc chắn sẽ bị đào thải mà thôi.

(Theo Vô Thường)