Dấu hiệu lạm quyền Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia
Nói về việc một số địa phương tùy tiện ra các biện pháp phòng chống dịch thời gian vừa qua, còn có một vấn đề khác các địa phương xác định không thống nhất, là khái niệm “vùng dịch”. Chính vì thế có một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng… mới ra văn bản những người đến từ TP HCM, Hà Nội… thuộc diện bị cách ly tập trung. Các chuyên gia pháp lý cho biết những địa phương này đang lạm quyền Bộ Y tế và BCĐ phòng chống dịch TW.
Chưa có văn bản chính thức thì không được quy chụp “vùng dịch”
LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) cho biết, một số địa phương đang thực hiện cách ly bắt buộc với người từ TP HCM, Hà Nội mà không cần biết những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, hoặc người bị nghi nhiễm Covid-19 hay không; tức các địa phương tự xác định hai nơi này là “vùng dịch”.
“Việc phòng chống dịch là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, thực hiện cách ly khác với khuyến cáo của Bộ Y tế về các trường hợp cần cách ly và chưa phù hợp với chỉ đạo của BCĐ phòng chống dịch Quốc gia thì cần xem xét lại. Hiện nay chỉ cách ly với người nhập cảnh đến từ vùng dịch ở nước ngoài, cách ly theo khu vực phát sinh ổ dịch và những người tiếp xúc gần với người thuộc diện buộc phải cách ly”.
“Như Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Công văn 1601 của VPCP là không cấm việc tự do đi lại của người dân các tỉnh, thành, không thực hiện lệnh phong tỏa giữa các địa phương. Người dân chỉ được khuyến cáo hạn chế việc ra đường nếu không thực sự cần thiết và phải thực hiện giữ khoảng cách ngoài công sở, nơi công cộng, không tụ tập quá 2 người… Đồng thời, người di chuyển sang địa phương khác có nghĩa vụ “khai báo y tế” trung thực, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy định về khai báo y tế”.
“Nói tóm lại, việc buộc cách ly tập trung người đến từ TP HCM, Hà Nội ở một số tỉnh cần phải có ý kiến chính thức của Thủ tướng, BCĐ phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế… chứ không thể tùy tiện. Mỗi địa phương thấy “nguy cơ” do có người đến từ “vùng dịch” ở diện rộng và đưa hết những người đến từ TP HCM, Hà Nội… cách ly tập trung là không đúng luật, không đúng chỉ đạo của cấp Trung ương”, LS Lân nhận định.
Chuyên gia pháp lý cho rằng việc tự cho mình quyền cách ly người từ TP HCM, Hà Nội về địa phương là thực hiện sai tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng, trái luật..
Cùng quan điểm với LS Lân, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, ý kiến của một số địa phương cho rằng những tỉnh, thành đã có người mắc bệnh thời gian vừa qua là vùng có dịch, là lạm quyền Bộ Y tế, vì chỉ Bộ Y tế mới có quyền công bố địa phương có dịch.
“Tại TP Hà Nội có ổ dịch tại BV Bạch Mai, còn ở TP HCM có quán bar Bvddha. Đó là các ổ dịch chứ không phải TP HCM và TP Hà Nội là ổ dịch, không phải 2 TP này là vùng có dịch. Chẳng lẽ hàng chục tỉnh, thành đã có người mắc bệnh thì đều gọi là vùng có dịch hay sao? Các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam… cần xem lại quan niệm của mình”, ông Hòa nói.
LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), giải thích thêm: Tại Điều 2 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thì vùng có dịch được định nghĩa “là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch”.
Định nghĩa này được hiểu là địa phương mà Chính phủ, BCĐ phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế xác định là nơi có nguồn lây nhiễm, có số người nhiễm bệnh vượt quá dự kiến ban đầu. Đặc biệt, phải có văn bản công bố. Hiện chưa có văn bản chính thức nào cho thấy TP HCM và Hà Nội là vùng có dịch.
Chủ tịch cấp tỉnh có thẩm quyền gì trong phòng chống dịch?
Một vấn đề khác, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm quy định thế nào về cách ly y tế và quyền hạn của Trưởng ban Chỉ đạo? LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM), cho hay: “BCĐ phòng chống dịch có ba cấp, cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp quốc gia thường do Phó Thủ tướng là Trưởng ban, cấp tỉnh và huyện thường do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.
Điều 49, Điều 53, Điều 54 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định về quyền hạn của Trưởng ban Chỉ đạo: Huy động, trưng dụng các nguồn lực; Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch; Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch và tổ chức cách ly y tế…”.
“Việc cách ly y tế phải là với người từ vùng có dịch, ổ dịch, người mắc bệnh, người nghi nhiễm, mang mầm bệnh dịch hoặc người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vấn đề này nêu “Trưởng ban Chỉ đạo” có quyền và phải hiểu Trưởng ban Chỉ đạo ở đây là cấp quốc gia.
Như vậy, chỉ Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia mới có quyền công bố vùng có dịch, ổ dịch; những nhóm đối tượng nào sẽ bị cách ly y tế. Trưởng ban Chỉ đạo các tỉnh, huyện phải tuân theo chỉ đạo này. Ví dụ mới đây BCĐ cấp quốc gia đã yêu cầu cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh thì các địa phương phải thực hiện, cấp tỉnh và huyện không có quyền tự “sáng tác””, LS Thuận nhấn mạnh.
“Việc tự cho mình quyền cách ly người từ TP HCM, Hà Nội về địa phương và “ngăn sông, cấm chợ” là thực hiện sai tinh thần của Thủ tướng, trái với Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Những địa phương có các hành vi trên cần xem xét lại, sửa sai”, LS Thuận nói.
Vậy theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền này không? LS Thuận cho hay tại Điều 22 Bộ luật trên (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh), không có điều khoản nào cho phép Chủ tịch UBND cấm người dân đi lại, hoặc không cho người từ địa phương khác đến địa phận của mình quản lý, hay đưa người đi cách ly y tế tập trung mà không có căn cứ pháp luật.
“Tôi cũng xin nói rõ thêm, tại khoản 9 Điều 22, Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ “chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”. Nhưng ràng buộc rất rõ là “theo quy định của pháp luật”, chứ không được tùy tiện, “sáng tác” ra kiểu riêng để “một mình một chợ””, LS Thuận nói.
Báo Pháp Luật