Quận Bình Tân: Có vô cảm khi cưỡng chế “nhà đất” người nghèo sát Tết Nguyên đán?

Chiều 12/1/2019, phía trước “túp lều” của gia đình ông Trần Văn Ân (sống trên đất số 02, tổ 07, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) bất ngờ được cán bộ địa phương dán một số giấy tờ, trong đó có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 39/QĐ-UBND với hành vi “đưa các vật khác lên thửa đất của người khác” (!?).

Đáng chú ý, Quyết định 39/QĐ-UBND nói trên ngoài việc “buộc khôi phục tình trạng đất trước khi vi phạm”, còn tuyên bố: “Thời gian chấp hành là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế…” khiến gia đình ông Ân sợ hãi tột độ.

Những quyết định có dấu hiệu cẩu thả, vô cảm

Như Tieudung.vn đã thông tin: Ông Trần Văn Ân bị chính quyền quận Bình Tân kết luận đã xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp tại thửa đất số 55, 56, 58, 59, 60, 61, 62 tờ bản đồ số 1 (tài liệu 2005) tại phường Bình Hưng Hòa. Vì vậy, vào 22/8/2017, UBND phường Bình Hưng Hòa đã ra Quyết định 586/QĐ-UBND về việc “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” đối với ông Ân.

Nhà cửa lụp xụp, rách nát của gia đình ông Trần Văn Ân trước cưỡng chế.

Sau hơn 15 tháng vận động, tuyên truyền bất thành, ngày 27/11/2018, UBND quận Bình Tân đã huy động lực lượng thực hiện cưỡng chế tháo dỡ tất cả các công trình trình nhà ở không phép trên đất nông nghiệp do gia đình ông Ân xây dựng.

Cho rằng chính quyền sử dụng Quyết định 586/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 đã hết thời hiệu thi hành để ra quân cưỡng chế vào 27/11/2018, hiện ông Ân đang thực hiện tố cáo lãnh đạo UBND quận Bình Tân và UBND phường Bình Hưng Hòa lên các Ban, ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh theo luật định.

Theo ông, khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có ghi rõ: “Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa,…” Như thế, chính quyền quận Bình Tân có dấu hiệu vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đã đẩy cả gia đình mấy chục người, đa phần là người già, trẻ nhỏ vào cảnh màn trời chiếu đất, điều kiện sống rất khắc nghiệt, khổ sở.

Không dừng lại ở đó, chỉ hơn 40 ngày sau khi cưỡng chế toàn bộ những công trình “rách nát” trên đất của gia đình ông Ân, UBND phường Bình Hưng Hòa lại tiếp tục ra Quyết định 39/QĐ-UBND để xử phạt ông với hành vi “đưa các vật khác lên thửa đất của người khác” (!?).

Đáng chú ý, dưới dòng thông tin “NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH” chỉ ghi “Nguyễn Phước Bình” (là Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa), không đại diện cho cơ quan, tổ chức hay người đừng đầu cơ quan, tổ chức như quy định tại Điều 12 Thông tư 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ về “thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính”.

Theo đó, trường hợp ký thay mặt tập thể thì phải ghi chữ viết tắt “TM.” (thay mặt) vào trước tên tập thể lãnh đạo hoặc tên cơ quan, tổ chức; ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải ghi chữ viết tắt “KT.” (ký thay) vào trước chức vụ của người đứng đầu; cấp phó được giao phụ trách thì thực hiện như cấp phó ký thay cấp trưởng; ký thừa lệnh thì phải ghi chữ viết tắt “TL.” (thừa lệnh) vào trước chức vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Quyết định xử phạt của “NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH” Nguyễn Phước Bình.

Hiện báo chí và dư luận đang chưa rõ “Người ra quyết định” Nguyễn Phước Bình chỉ được phép “thay mặt”, “ký thay”, “thừa lệnh” Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa hay được toàn quyền quyết định việc ban hành Quyết định xử phạt hành chính và thông tin cưỡng chế?

Đau xót hơn, việc ghi nội dung “Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế” trong Quyết định 39/QĐ-UBND của Nguyễn Phước Bình còn cho thấy sự vô cảm, thậm chí có phần tàn nhẫn.

Nơi đặt tạm bàn thờ tổ tiên của gia đình ông Trần Văn Ân ngày giáp Tết Nguyên đán 2019.

Bởi, thời gian thực hiện cưỡng chế theo quyết định sẽ rơi vào 22/1/2019, nhằm 17 tháng Chạp năm Mậu Tuất 2018, không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tư pháp (không tổ chức cưỡng chế trước và sau Tết Nguyên đán, những ngày lễ trọng đại của đất nước), trái với truyền thống đạo đức ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta.

Thêm nữa, ông Ân là con trai của ông Trần Văn Hy, người 3 lần được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhất, Hạng nhì và Hạng ba vì những cống hiến to lớn cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Quận Bình Tân có công bằng, liêm chính trong thực thi công vụ?

Trong vụ “lình xình” đất đai tại phường Bình Hưng Hòa, ít ai biết rằng, vào tháng 11/2018, UBND quận Bình Tân đã lên kế hoạch cưỡng chế tất cả các công trình không phép, công trình vi phạm trật tự đô thị trên thửa đất lớn tới 29.000 m2. Đối tượng bị cưỡng chế là bà Trương Nhật Lệ (sinh năm 1973) và ông Trần Văn Ân (sinh năm 1949) do xây dựng công trình, bố trí vật kiến trúc vi phạm các quy định trên đất nông nghiệp.

Vật kiến trúc khổng lồ trên đất nông nghiệp chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ đầy khó hiểu ?!

Đầu tiên, đối với các công trình/vật kiến trúc do bà Trương Nhật Lệ xây đặt trên đất nông nghiệp, UBND quận Bình Tân sáng 26/11/2018 đã ra quân cưỡng chế. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình/vật kiến trúc “khổng lồ” trên đất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một cách không thể lý giải (!?)

Còn với trường hợp của gia đình ông Trần Văn Ân, ngày 27/11, dù ông Ân đã xin gia hạn thời gian tự tháo dỡ do vừa qua đợt bão lũ, nhưng UBND quận Bình Tân vẫn thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch, khiến cả gia đình ông (khoảng 20 người, gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em) phải dựng lều bạt cư ngụ trên nền nhà cũ ẩm thấp.

Nhà cửa của ông Trần Văn Ân bị san phẳng ngay trong ngày 27/11/2018.

Việc làm có dấu hiệu “bên trọng – bên khinh” của UBND quận Bình Tân khiến dư luận đặt nghi vấn, phải chăng UBND quận Bình Tân đã “quên” việc phải cưỡng chế các công trình “khủng” do bà Lệ chịu trách nhiệm, hay còn có động cơ nào khác (?!)

Không những thế, trên khu đất nông nghiệp rộng tới 29.000m2 này đã và đang xuất hiện một nhóm người tổ chức lập hàng rào kim loại, tổ chức canh gác khiến nguy cơ xảy ra xô xát, mất an ninh trật tự rất đáng báo động.

Các đối tượng rào đất nông nghiệp, “bao vây” gia đình ông Trần Văn Ân.

Về quyền sử dụng đối với mảnh đất 29.000 m2 này, trong quá trình điều tra tìm hiểu, được biết từ năm 2002, UBND huyện Bình Chánh (cũ) cấp GCNQSDĐ cho 2 đối tượng là Diệp Mao Hồng (16.982m2) và Trực Vi Toàn (12.918 m2) dù không đủ điều kiện cấp. Cùng với đó, quá trình cấp GCNQSDĐ cho Diệp Mao Hồng – Trực Vi Toàn dùng để lừa đảo đã khiến Chủ tịch UBND xã Bình Hưng Hòa (huyện Bình Chánh cũ) bị cách chức, một số cán bộ bị buộc đình chỉ công tác, chuyển hồ sơ sai phạm qua cơ quan CSĐT xem xét xử lý hình sự.

Về quá trình hình thành, quản lý, sử dụng lô đất 29.000 m2 “vàng ròng” tại phường Bình Hưng Hòa nói trên và những nguy cơ gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng,…

(Theo Tieu Dung)