Phá cửa khu cách ly trốn về: Nên phạt nặng
Chồng nữ nhân viên Điện máy xanh (bệnh nhân 35) đã phá cửa khu cách ly để đưa 4 người trong gia đình trốn về nhà.
Trung tâm y tế Quận Hải Châu, nơi xảy ra vụ việc người cách ly trốn về. ảnh: Vietnamnet.
Chiều qua, 20/3, bác sĩ Võ Văn Đông, Phó GĐ Trung tâm y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) thông tin trên báo Vietnamnet cho biết: “Không có chuyện trung tâm cho 5 người nhà của nữ bệnh nhân thứ 35 mắc Covid-19 về nhà như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội”.
Theo ông Đông, tại phòng cách ly ở trung tâm có cửa trước và cửa sau. Phía sau là cửa nhôm đã được khóa lại nhưng chồng của nữ bệnh nhân siêu thị Điện máy Xanh đã phá cửa trốn về.
“Phía trước công an trực 24/24, anh em ăn cơm không dám bỏ chốt. Trưa hôm qua anh Sinh (chồng bệnh nhân) phá cửa nhôm đưa 4 người thân trốn về nhà. Phát hiện sự việc, chúng tôi đã báo ngay với công an đưa xe cấp cứu chở về lại trung tâm y tế liền.
Ông Đông cho biết thêm, theo quy định người nhà của bệnh nhân phải cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Đến ngày 23/3, những người này mới hết thời gian cách ly. Những người tự ý rời khu cách ly gồm chồng, 2 người em chồng, mẹ chồng và con của nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Như vậy, rất có thể đây là trường hợp đầu tiên mà người trong khu cách ly tập trung lại tự ý phá cửa khu cách ly để đưa theo 4 người khác trong gia đình trốn về nhà và may mắn cho cộng đồng là họ đã nhanh chóng bị bắt lại.
Ý thức quá kém, coi thường các quy định về cách ly và bất chấp điều đó sẽ làm tổn hại đến cộng đồng. Gia đình của nữ bệnh nhân số 35 là những người tiếp xúc gần nhất với người bệnh (đối tượng F1) thực sự sẽ là mối nguy hiểm với cộng đồng trong thời gian chưa hết cách ly. Họ không được phép ra khỏi khu cách ly khi chưa hết thời hạn 14 ngày, nhưng họ đã tự ý phá cửa để ra về, trốn khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Vậy trong trường hợp này, có nên phạt nặng hành vi thiếu ý thức này hay không?
Thêm vào đó, những trường hợp du học sinh trở về từ vùng dịch, không tự giác khai báo để vào cách ly tập trung mà tự ý di chuyển về nhà bằng xe taxi. Đến khi phát hiện dương tính thì buộc phải cách ly cả nhà, đồng thời những người thân trong gia đình bệnh nhân này cũng buộc phải làm xét nghiệm. Tất cả các xét nghiệm tiền triệu đó, là do ngân sách chi trả, tiền thuế của người dân phải gánh chịu. Những trường hợp này cũng phải phạt nặng.
Nếu mỗi người trở về từ vùng dịch mà có ý thức ngay từ đầu, hợp tác để cách ly tập trung thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng kéo theo bao nhiêu vất vả, tốn kém. Thử làm một phép tính đơn giản, một bệnh nhân dương tính nếu cách ly tập trung ngay từ đầu, sẽ chỉ tốn kém xét nghiệm cho mình cá nhân đó. Nhưng nếu họ vô ý thức, sẽ kéo theo việc cách ly hàng trăm người, tốn hàng trăm xét nghiệm và chi phí cho hàng trăm người phải đi cách ly theo, hoặc cách ly tại chỗ. Toàn bộ tiền này, ngân sách cũng chi trả hết.
Bởi vậy, trên các diễn đàn, nhiều người đã đề xuất ý kiến, phải thu phí cách ly, xét nghiệm với những người có điều kiện trở về từ vùng dịch, những người thiếu ý thức không hợp tác cách ly thì phải phạt nặng hơn, nhà nước chỉ chi trả miễn phí xét nghiệm, cách ly, điều trị cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc các ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Công cuộc chống dịch sẽ còn dài, nếu cứ tiếp tục miễn phí cho tất cả mọi đối tượng thì chắc chắn ngân sách quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn. Và thật bất công với những người đóng thuế, bởi tiền thuế của đông đảo người dân đang phải bỏ ra để chữa trị cho cả những người có ý thức kém, không hợp tác để lây lan dịch bệnh, trong khi bản thân họ và gia đình còn thuộc diện “có điều kiện”, thuộc tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội.
Mi An