Ông Quý Phó chủ tịch nhân văn quá, nhân văn không chịu nổi!
Làm lãnh đạo, từ cổ chí kim luôn phải ghi nhớ đạo lý “Lấy dân làm gốc”, còn nếu ai đó muốn “Lấy gốc làm thớt” thì liệu có nên biến họ thành “củi”?
Thăm người bị bệnh phải điều trị tại bệnh viện vốn là đạo nghĩa của người Việt.
Trong chiến tranh, tù binh bị thương vẫn được các y, bác sĩ cứu chữa tại các cơ sở y tế dù đó là kẻ đã ném bom, rải chất độc màu da cam phá hoại trường học, bệnh viện, giết hại đồng đội và đồng bào mình.
Vậy vì sao việc ông Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội thăm bệnh nhân sau vụ việc tại Lễ hội âm nhạc được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây khiến 7 người chết và một số phải cấp cứu tại bệnh viện lại khiến dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình?
Còn nhớ vụ Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội quyết định từ 1/9/2018 chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 400 giáo viên trên địa bàn huyện.
Báo chí có hàng loạt bài phản ánh, đài truyền hình quốc gia trong mục chuyen-dong-24h đã phát clip về chuyện này nhưng người dân không thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin lãnh đạo thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những người mất việc.
Giữa những cô giáo đã có trên dưới 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người bỗng mất cả nguồn thu ít ỏi từ lương và niềm vui nghề nghiệp với mấy kẻ xài ma túy bị sốc, ai đáng được thăm hỏi động viên hơn?
Nghe nói tại Hà Nội có “Làng Thủ Thiêm”, ở đó những người dân mất đất, mất nhà tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội khiếu nại hàng chục năm trời, sống lay lắt trong những căn hộ được chủ nhân cho thuê với giá rẻ.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Sở Lao động – Thương binh- Xã hội Hà Nội có biết chuyện này, phải chăng đó là người ngoại tỉnh nên chính quyền thủ đô không có trách nhiệm dù Hà Nội được mệnh danh là “Trái tim cả nước”?
Tại Hà Nội có một nơi được gọi là “Xóm chạy thận”, báo Giadinhvietnam.vn viết:
“Giữa một Hà Nội huyên náo và bộn bề với những lo toan của cuộc sống thường nhật, vẫn còn đâu đó những mảnh đời bất hạnh.
Ở một góc nhỏ ở Ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) những mảnh đời bất hạnh tập trung nhau lại 100 con người”.
Gõ cụm từ “Lãnh đạo Hà Nội thăm bệnh nhân nghèo chạy thận” thấy có bài viết từ năm 2016: “Bệnh nhân “Xóm chạy thận” được nhận quà của Bí thư Thành ủy trong đêm Giao thừa”.
Bài báo cho biết:
“Được sự ủy quyền của Bí thư Thành ủy, đoàn công tác của lãnh đạo quận Hai Bà Trưng và Uỷ ban Nhân dân phường Đông Tâm đã tới thăm những bệnh nhân chạy thận trên địa bàn phường để trao các phần quà của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng tiền mặt”.
Ngoài thông tin nêu trên còn thông tin “Sáng ngày 05/3/2018, Hội LHPN (Liên hiệp Phụ nữ) quận (Hoàng Mai) phối hợp với LĐLĐ (Liên đoàn Lao động) quận tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các bệnh nhân nghèo tại xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị – Đồng Tâm – Hai Bà Trưng – Hà Nội”.
Tìm mãi mà vẫn chưa thấy thông tin lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành liên quan thăm hỏi, tặng quà cho những “mảnh đời bất hạnh này”!
Vậy việc Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi tặng phong bì cho ngưới sốc ma túy nói lên điều gì?
Không chỉ người Kẻ Chợ, người dân cả nước không hề quên chuyện có ông lãnh đạo Hà Nội dùng dằng mãi không chịu trả nhà công vụ, chuyện chặt hạ hơn 6.000 cây xanh đường phố hay chuyện “Quy hoạch băm nát thủ đô”.
Báo điện tử Vov.vn viết: “Hành động này ngay lập tức bị đưa ra so sánh với vụ cháy trên đường Đê La Thành, gần bệnh viện Nhi Trung ương, khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, và đặc biệt, đa phần trong số họ đều có hoàn cảnh éo le, con cái bệnh tật.
Thế nhưng tuyệt nhiên, gần 3 giờ “giặc lửa” hoành hành mà không thấy bóng dáng vị lãnh đạo thành phố nào xuất hiện để trấn an người dân, động viên tinh thần các chiến sĩ PCCC (Phòng cháy chữa cháy)”.
Phải chăng điều này cho thấy “tâm và tầm” của mấy vị lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện một việc làm mà người ta nói là “Nhân văn quá, nhân văn không chịu nổi”?
Chống lại bọn buôn bán, tiêu thụ ma túy là cuộc chiến đổ máu chứ không chỉ hao tốn tiền bạc.
Trong 20 năm qua (1997 – 2017), 22 cán bộ, chiến sỹ công an đã hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma tuý.
Ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội có biết sự thật đau lòng này?
Không biết trong chiếc phong bì các vị trao cho kẻ sốc ma túy chứa đựng cái gì, nếu đó là tiền thì tiền ấy từ đâu mà ra? Chẳng lẽ các vị móc tiền túi đi làm việc “hàng tổng”?
Nếu đó là lấy từ ngân sách thì cần phải hỏi các vị Bí thư, Chủ tịch thành phố ai đã phê duyệt lấy tiền thuế của dân tặng cho kẻ nghiện hút?
Trong khi “Chỉ số cải cách hành chính năm 2017” Hà Nội xếp thứ 2 sau Quảng Ninh thì “Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017” Hà Nội xếp thứ 24.
Người dân Kẻ Chợ chắc chắn không ai muốn mình bị lãnh đạo bởi các loại “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi”.
Làm dân mất niềm tin, không hài lòng về “sự phục vụ hành chính” của cán bộ đâu chỉ là tham nhũng, chạy chức chạy quyền, con ông cháu cha mà còn là khả năng xử lý tình huống của người lãnh đạo.
Làm lãnh đạo, từ cổ chí kim luôn phải ghi nhớ đạo lý “Lấy dân làm gốc”, còn nếu ai đó muốn “Lấy gốc làm thớt” thì liệu có nên biến họ thành “củi”?
Không biết lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố có cùng suy nghĩ với dân hay làm lãnh đạo là phải nghĩ khác dân?
(Theo Giao Duc)