Ô tô Tàu đời mới đẹp long lanh, rẻ bất ngờ: Dám liều làm ‘chuột bạch’
Ô tô Trung Quốc không hề có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam, trước kia là Lifan, BYD, Chery Qingqi,… thì nay là BAIC, Zotye và Đông Phong. Các mẫu xe có thiết kế ngày càng trẻ trung bắt mắt, nhiều tính năng khá hiện đại và giá rẻ bất ngờ. Nhưng, không phải ai cũng muốn làm “chuột bạch”.
Xe Tàu thế hệ mới
Mới đây, người tiêu dùng Việt Nam xôn xao về 2 mẫu SUV thương hiệu Zotye của Trung Quốc nhập khẩu. Mẫu xe Zotye T300 thuộc phân khúc SUV cỡ nhỏ, đối thủ cạnh tranh với Ford EcoSport, Suzuki Vitara, Chevrolet Trax,…
Zotye T300 có thiết kế ngoại thất khá hiện đại, đẹp mắt, được trang bị đèn pha dạng thấu kính, đèn sương mù cỡ lớn. La-zăng kích thước 17 inch, có cửa sổ trời toàn cảnh, ghế lái chỉnh điện bọc da, điều hòa tự động, động cơ 1,5 lít tăng áp,… Xe có giá 518 triệu đồng.
Mẫu xe thứ hai là Zotye Sport 2017, thu hút sự chú ý nhờ thiết kế khá ấn tượng do cóp nhặt đường nét của nhiều thương hiệu lớn như Range Rover, Audi và Porsche.
Mẫu xe này được trang bị vành 18 inch, rửa đèn và gạt mưa tự động. Nội thất bên trong khá nịnh mắt với nội thất bọc da, vô lăng tích hợp lẫy chuyển số, màn hình cảm ứng 10 inch,… Các tính năng an toàn đầy đủ như phanh ABS, phân bổ lực phanh EBD, cân bằng điện tử ESP, trợ lực lái HPS, phanh tay điện tử, kiểm soát độ bám đường TSC, 6 túi khí,…
Tại Việt Nam, Zotye Sport cạnh tranh với Honda CR-V, Mazda CX-5 nhưng có giá rẻ hơn khoảng 200 triệu đồng so với đối thủ.
Cuối năm 2017, BAIC một thương hiệu khác của Trung Quốc đã đưa về Việt Nam mẫu BAIC V2. Cũng là mẫu SUV cỡ nhỏ nhưng có hàng loạt tính năng cao cấp. Hệ thống an toàn trang bị khá đầy đủ. Động cơ 1.5L, công suất 114 mã lực, giá bán 468 triệu đồng, rẻ nhất trong phân khúc.
Vào tháng 10/2017, Tập đoàn Ô tô Đông Phong của Trung Quốc đã quyết định kinh doanh mảng ô tô du lịch tại Việt Nam. Đông Phong đã thành lập đại diện tại TP.HCM, xúc tiến mở các cửa hàng 4S và bắt đầu kinh doanh những dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ. Đông Phong cũng ra mắt một loạt mẫu xe như Joyear S50, Joyear X5, Joyear XV, Joyear X6.
Đại diện Đông Phong cho biết, sẽ tập trung nghiên cứu tìm ra những sản phẩm thực sự phù hợp với người Việt Nam và có chính sách giá hợp lý để mọi người dân đều có thể mua được.
Có thể thấy ô tô Trung Quốc không hề có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam. Trước kia là Lifan, BYD, Chery Qingqi,… thì nay là BAIC, Zotye và Đông Phong.
Phải thừa nhận rằng ô tô của Trung Quốc ngày càng có thiết kế hiện đại trẻ trung bắt mắt. Có những mẫu xe được thiết kế bởi trung tâm Pininfarina nổi tiếng thế giới của Ý. Khung gầm đúc nguyên khối dựa trên công nghệ hiện đại của Thụy Điển. Động cơ và hộp số của các thương hiệu nhật Bản, nội thất xe gây ấn tượng với khách hàng, bởi nhiều tính năng hiện đại và có giá rẻ bất ngờ.
Chính vì vậy, mỗi khi có mẫu mới về Việt Nam, đều ít nhiều gây được sự chú ý từ người tiêu dùng. Cùng với đó là nhiều cách để thuyết phục khách hàng Việt Nam như bảo hành 3 năm và 100.000 km, sẵn sàng mua lại xe với giá cao, khi khách hàng muốn bán lại,…
Không muốn làm “chuột bạch”
Tuy nhiên, việc thuyết phục khách hàng Việt Nam tin tưởng vào ô tô “Made in China” vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn. Tính đến nay, ô tô con Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam đã hơn 10 năm. Nhưng, những ai mua xe Tàu vẫn bị gọi đùa là “chuột bạch”. Người Việt Nam rất khao khát sở hữu ô tô và ít tiền, vậy nhưng lại không ưa chuộng xe Trung Quốc.
Trong quá khứ, người tiêu dùng Việt đã từng sở hữu ô tô Trung Quốc. Nhiều khách hàng đã mua BYD F0, Chery QQ3, Lifan 502,… sau khi thích thú với mẫu xe này một thời gian ngắn thì cái giá phải trả cũng không nhỏ khi nhiều chi tiết nhất là phần điện tử hay hỏng, nội thất nhanh xuống cấp
Ban đầu khi mới mua, xe chạy ổn định, nhưng sau gần một năm thì bắt đầu xuống cấp và hay hỏng vặt. Nhiều khi đang đi thì chết máy giữa đường phải gọi thợ tới sửa, cầu chì thì đứt liên tục, hệ thống điện cũng chập chờn. Và nhất là bộ gầm rất nhanh dơ nên chẳng mấy khi dám chạy nhanh.
Đã vậy, xe cũ bán lại giá rẻ bèo mà không có ai mua. Khi sử dụng xe Trung Quốc cũ rất vất vả để sửa chữa, bảo hành, bởi dịch vụ sau bán hàng không phổ biến, linh kiện thiếu, có khi phải chờ đợi cả tháng mới có.
Giám đốc của đơn vị phân phối xe BYD tại Việt Nam trước đây đã từng chia sẻ, sở dĩ chúng tôi không tiếp tục kinh doanh nhãn hàng này do khó bán và chi phí bảo hành quá lớn. Thời gian đầu khi mới nhập xe về Việt Nam thì công ty hoạt động khá ổn, do lượng xe bán ra ở mức chấp nhận được, nhờ kiểu dáng xe giống hệt mẫu Toyota Yago mà giá chỉ bằng 1/3. Nhưng một năm sau đó, tỉ lệ xe trục trặc trong diện bảo hành cần bảo trì bảo dưỡng tăng lên rất nhanh, khiến chi phí bị đội lên, trong khi đó công ty hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ.
Vì vậy, gần đây khi xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, với những ưu điểm như giá rẻ, kiểu dáng bắt mắt,… tuy có gây chú ý với nhiều người muốn mua xế hộp giá rẻ nhưng không phải ai cũng dám “xuống tiền” ngay để mang về một chiếc “xe Tàu”.
Đa số người tiêu dùng khi được hỏi đều cho biết sẵn sàng mua một chiếc xe đã qua sử dụng của Nhật, Mỹ, Hàn,… chứ không mua “xe Tàu” cho dù mới, nhiều công nghệ lại rẻ và đẹp.
Trên thực tế, ô tô con Trung Quốc tại Việt Nam khó có thể tạo dấu ấn do ngay từ thương hiệu đã yếu thế và mờ nhạt hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh Hàn, Nhật, Châu Âu… Ô tô Trung Quốc có lẽ vẫn chỉ được khách hàng Việt Nam chấp nhận ở phân khúc xe tải.
Trần Thủy