“Ở Hà Giang, chẳng ai lạ gì chuyện đút lót để sửa điểm thi”
Lời khẳng định quả quyết đầy bất mãn của chính những thầy cô đang giảng dạy trên địa bàn Hà Giang, như một cái tát đau điếng cho tình trạng gian lận điểm thi đã tồn tại nhiều năm qua ở tỉnh này.
Ngay trong đêm Bộ GDĐT công bố sai phạm nghiêm trọng trong công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, hơn 330 bài thi của 114 thí sinh đã bị chỉnh sửa. Có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Ngay sau khi sự việc bị phanh phui và tiến hành điều tra, hầu hết các thầy cô tại tỉnh Hà Giang tỏ ra bàng hoàng nhưng đồng thời cũng thở phào nhẹ nhõm: “Ơn trời, cuối cùng mọi việc lâu nay đã bại lộ”.
“Tôi tin chắc việc sửa điểm thi tại đây gần như mỗi năm đều xảy ra, với những mức độ khác nhau, chỉ là chưa có ai dám đứng lên phanh phui mọi việc”, thầy T.A.L (tên đã được thay đổi), giáo viên bộ môn Hóa học, hiện đang giảng dạy tại trường THPT Ngọc Hà, tỉnh Hà Giang cho biết.
Thầy A.L, với kinh nghiệm hơn 10 năm giảng dạy tại Hà Giang, đã từng gặp rất nhiều trường hợp học sinh suốt 3 năm cuối cấp có học lực ở mức trung bình, khá, không có ý chí cố gắng trong học tập. Tại kỳ thi thử, các học sinh này hoàn thành với số điểm rất thấp (9-15 điểm), có nguy cơ rớt tốt nghiệp. Thế nhưng, trong kỳ thi THPT chính thức, điểm thi các môn xét tuyển đại học lại rất cao và đỗ vào các trường Đại học danh tiếng với số điểm từ 26-28 điểm.
Khi được PV hỏi vì sao thực trạng này đã có từ lâu, nhưng vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào để kịp thời xử lí. Thầy A.L cho rằng tâm lí “học tài, thi phận” đã ăn sâu vào con người Việt Nam, học giỏi mà rớt hay học làng nhàng mà đột nhiên điểm cao đôi khi chỉ là may mắn trong phút chốc, nên vấn đề này không quá lộ liễu, cũng không mấy ai thắc mắc. “Hơn nữa, thân là người đưa đò, tôi hay bất kỳ giáo viên nào cũng mong muốn học trò lên được con thuyền thật tốt rồi vươn ra biển lớn, sau này có một tương lai sáng rạng.”
Ngoài ra, chính thầy L cũng tham gia vào công tác giám thị suốt nhiều năm qua của kỳ thi THPT Quốc gia. Với sự giám sát chặt chẽ của bộ phận giám thị, cơ quan công an, và thanh tra Bộ Giáo dục, cuộc thi diễn ra rất minh bạch nên không có lý do gì để thắc mắc về điểm thi của các em cả.
Cùng nhận định, cô H.N.T, phó hiệu trưởng một trường THPT tại tỉnh Hà Giang cho rằng việc nâng điểm cho các em chắc chắn đã tồn tại nhiều năm. Năm gần nhất, một số trường hợp học sinh có học lực trung bình, điểm kiểm tra học kỳ khá thấp. Ngay cả điểm thi thử tại trường cũng chỉ được chưa đến điểm sàn đại học (14-15 điểm) cho 3 môn thi Toán-Lý-Hóa. Nhưng kết quả xét tuyển đại học lại được 24-28 điểm, ngang tầm với các em học sinh giỏi.
Năm 2017, cô N.T vẫn cho rằng điểm thi các em cao vì bộ đề được đánh giá là khá dễ. Tuy nhiên, năm nay Bộ thay đổi trong cách ra đề, nhằm phân hóa được đúng thực lực của thí sinh cũng như chất lượng giảng dạy, thực sự là một cải tiến cho ngành Giáo dục. Hơn hết, đây cũng là lí do giúp cho thực trạng nâng điểm thi tại Hà Giang bị phơi bày.
Cụ thể, với bộ đề năm 2017, thí sinh đạt được mức điểm 27-28 là không hề hiếm trên toàn quốc, thậm chí là 29-30 điểm với học sinh có học lực khá giỏi. Vì vậy, nếu số điểm được nâng lên 25-27 điểm là số điểm không gây quá nhiều sự chú ý của dư luận, vừa giúp thí sinh có thể đậu Đại học.
Năm nay, đề thi được Bộ thay đổi, việc phân hóa thực lực thí sinh rõ ràng khiến phổ điểm bị nâng lên tại Hà Giang bất ngờ vượt ngưỡng so với phổ điểm toàn quốc. Điều này vô tình gây nên sự hoài nghi của cả nước, cơ quan chức năng có cơ hội vào cuộc kiểm tra, rà soát được toàn bộ vấn đề. Vì vậy, đường dây gian lận nâng điểm mới nhanh chóng bị phát hiện.
Có thể thấy, việc gian lận điểm thi tại Hà Giang, mà mở rộng hơn còn Sơn La, Lạng Sơn hoặc thậm chí nhiều tỉnh thành nữa có thể khiến dư luận xã hội bàng hoàng kinh ngạc. Thế nhưng, đây không phải là câu chuyện mới mẻ mà là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua. Khi quy trình tổ chức kỳ thi còn nhiều bất cập, thì không lạ gì chuyện có những cán bộ quản lý ở địa phương sẽ lợi dụng để trục lợi, từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành giáo dục mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng và đổi mới.
Hoàng Oanh