Nói “tàu tên lửa Quang Trung ra Tư Chính” chẳng khác nào lặp lại vết xe đổ Scarborogh
Không phủ nhận việc tàu Hải Dương 8 quay lại vùng biển nước ta sẽ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ đụng độ lớn hơn giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, chắc Việt Nam không dại “điều tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung ra bãi Tư chính đối đầu Trung Quốc” như một số trang mạng đưa tin.
Được biết, tàu Quang Trung là một trong bốn tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Gepard từ Nga (3 tàu hộ vệ tên lửa còn lại mang tên Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo) và cũng là đơn vị tàu chiến hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân nước ta. Chúng ta có cần mang tàu hiện đại nhất của mình ra chỉ để đấu lại một số tàu dân sự của Trung Quốc hay không?
Trong vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta, họ mang tàu thăm dò Hải Dương 8 và một số tàu hải cảnh đến gây hấn gần khu vực bại Tư Chính. Kẻ láng giềng này còn nham hiểm đến độ sử dụng lực lượng dân quân mang vỏ bọc tàu cá để o ép tàu lực lượng chấp pháp Việt Nam. Hung hăng, trắng trợn, tác oai tác quái là thế, nhưng xin thưa Việt Nam vẫn rất tỉnh táo, khôn ngoan, chỉ sử dụng tàu kiểm ngư, cảnh sát biển ra ứng phó, ngăn cản chứ không hề có tàu chiến 016 – Quang Trung như tài khoản FB Lê Trung Khoa và các trang mạng Dân quyền, BBC Tiếng Việt, Người Việt… tung tin. Không rõ họ thiếu hụt thông tin hay cố ý mà cứ chia sẻ hình ảnh tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung đi duyệt binh ở Nga và trở về vùng vịnh Cam Ranh vào đầu tháng 8 vừa qua để cộng đồng mạng nhầm tưởng Việt Nam cho tàu chiến ra bãi Tư Chính.
Chúng ta đã quá hiểu âm mưu muốn “có tranh chấp” của Trung Quốc từ lâu rồi. Nếu Việt Nam mang tàu quân sự ra đối đầu với tàu dân sự của Trung Quốc thì chẳng khác nào tự chui đầu vào rọ của tên hàng xóm xảo quyệt này cả. Ngẫm lại bài học cay đắng của Philippines đi nào, khi đó Trung Quốc cũng đã dùng thủ đoạn cho tàu dân quân núp bóng tàu cá vào ăn dầm nằm dề, gây hấn ở khu vực bãi cạn Scarborogh nhưng khác với chúng ta, Philippines đã mất bình tĩnh, cuống quá đâm ra làm bừa, mang tàu quân sự ra ứng phó, đây chính là cái cớ để Trung Quốc mang tàu quân sự tham gia vào tranh chấp. Hệ quả sau cùng Philippines đành ngậm ngùi mất oan bãi cạn Scarborogh vốn dĩ thuộc chủ quyền biển, đảo của họ. Vì vậy, trong vụ bãi Tư Chính lần này, Việt Nam không dại gì đi lại vết xe đổ của Scarborogh.
Điều quan trọng hơn nữa, Việt Nam vẫn luôn hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Thế nên lực lượng hải quân chẳng dại mà lái tàu hộ vệ tên lửa 016 – Quang Trung ra bãi Tư Chính để bật lửa dí vào ngòi chiến tranh cả. Trên thực tế, ngoài khu vực gần bãi Tư Chính đã hiện diện rất nhiều tàu lực lượng chấp pháp của ta, đủ năng lực giám sát và làm chủ tình hình, chưa kể còn chưa huy động hết lực lượng chấp pháp thì cần gì phải điều tàu hộ vệ Quang Trung.
Có không ít người bày tỏ sự nghi hoặc trước thông tin “Việt Nam đã đưa tàu chiến Quang Trung ra đối đầu với các loại tàu của Trung Quốc, trong đó có Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng: “Không thể có chuyện đưa tàu chiến ra thực địa để mà mắc bẫy Trung Quốc. Nếu có, là một kiểu “đối ngoại quân sự” dưới hình thức tuần tra từ xa, thể hiện sự tăng cấp về thái độ phản ứng. Hơn nữa, không ai lấy cái tàu săn ngầm diệt hạm hiện đại nhất ra thực địa xung đột, nơi chỉ có vài cái đâm va để cản phá”.
Chúng ta phải hiểu rằng điều Trung Quốc muốn nhất bây giờ làm lớn vụ Tư Chính để dư luận trong và ngoài nước họ bớt chú ý đến vụ biểu tình Hồng Kông. Thế nên, từng đường đi nước bước của chúng ta càng hết sức cẩn trọng, chỉ cần sai một li thì chẳng biết chuyện bãi Tư Chính sẽ đi về đâu. Nhưng chắc chắn một điều, cộng đồng quốc tế và Việt Nam sẽ không khoan nhượng với Trung Quốc, cương quyết đấu tranh đến cùng để duy trì hòa bình biển Đông nói chung và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam nói riêng. Vì vậy, chúng ta càng phải đoàn kết, tỉnh táo trước mọi thông tin liên quan đến bãi Tư Chính, tránh trường hợp “giận quá mất khôn”, rủ rê, lôi kéo nhau xuống đường biểu tình ảnh hưởng đến tâm lý chiến sỹ đấu tranh ngoài thực địa và hoạt động ngoại giao.
Theo Cánh Cò