Nỗi buồn… sau niềm vui bóng đá
Họ là những con người rất trẻ. Họ khao khát niềm vui, khao khát chiến thắng cho Việt Nam, họ la hét, vứt rác không cần nghĩ, lao xe không cần nghĩ và tất nhiên là không có mũ bảo hiểm bởi lực lượng nào đủ để ngăn chặn cả một đám đông đầy sức trẻ? 25 người chết, hơn 200 người bị thương và chắc chắn một điều là nếu trận sau Việt Nam thắng thì sẽ tiếp tục có người ch.ế.t và bị thương.
Đằng sau sự khao khát niềm vui, đằng sau sự cuồng nhiệt ấy là sự nghèo nàn niềm vui, nghèo nàn những ánh sáng của văn hoá, nghèo nàn vẻ đẹp thực sự của đời sống con người.
Tôi luôn tự nhủ khi viết không được cực đoan và luôn hướng tới một cái nhìn khách quan, điềm đạm trước mọi sự việc, và chính vì vậy mà tôi viết ít hơn trước và bình luận muộn hơn trước sau mỗi sự việc nhưng không hiểu sao những bài viết của tôi vẫn luôn buồn nhiều hơn vui.
Tất nhiên là sau chiến thắng, là người Việt Nam thì ai chẳng vui và chúng ta có quyền vui. Nhưng chẳng lẽ niềm vui của người Việt Nam hiếm hoi vậy sao?
Có những người tôi không muốn chia sẻ thêm những điều không vui, muốn có một câu chuyện nào đấy thật nhẹ nhàng, đẹp đẽ để làm vui lòng mình và lòng người, nhưng điều ấy không dễ. Làm được điều ấy cần tài năng, cần kiến thức và năng lượng.
Niềm vui “vỡ oà” và vỡ vụn này cũng giống như việc thanh niên nông thôn nghiện hút nhiều, cờ bạc nhiều, rượu chè và về đánh đập vợ con. Nguyên nhân bởi đời sống văn hoá nghèo nàn quá. Thanh niên biết ngước nhìn vào đâu để học, để có được ánh sáng cuả cái đẹp, của sự cao cả?
Một bạn nước ngoài đi dạo các cửa hàng sách ở Việt Nam than rằng đa phần là sách dịch, muốn chọn sách hay ở Việt Nam khó quá. Tôi bảo, điều ấy là tất nhiên bởi viết sách là một sự xa xỉ, cả năm trời viết được cuốn sách, nhuận bút chỉ được vài bữa nhậu. Người nào bỏ công ra viết phải là người yêu thế giới của câu chuyện, của ngôn từ lắm mới làm được.
Vậy thanh niên phải nhìn vào đâu để có được niềm vui sống khi mà môi trường giáo dục, thầy cô giáo chỉ thích nhìn học sinh như nguồn thu nhập dạy thêm, thay vì dùng trí tuệ và tấm lòng để dạy thì dùng những cái tát và đòn roi?
Tôi bị “mất điện” với những chiến thắng bóng đá của Việt Nam bởi tôi thầm hiểu sau những chiến thắng ấy là sự gào thét, rác rưởi, đánh nhau, chết chóc và thương vong.
Đất nước này đang nghèo nàn. Nghèo nàn đến mức mà ông bộ trưởng cũng phải cùng chiến thắng ấy để nói lên phẩm chất của người Việt, nghèo nàn đến mức mà báo chí vội vàng vớ lấy để ưỡn ngực khoe niềm tự hào mang tên “Việt Nam”.
Tôi không bao giờ nghi ngờ tố chất con người Việt Nam khi mà dân tộc này hàng nghìn năm cạnh thằng láng giềng vừa to, vừa tham mà vẫn kiên cường chống trả một cách anh hùng, nhưng niềm tự hào ấy tôi không dành cho người Việt Nam hiện tại.
Tôi muốn người Việt Nam có được một niềm vui, niềm tự hào bền vững hơn.
Xin lỗi nếu như tôi không hoà đồng và làm trầm đi sự thăng hoa của các bạn.
Fb Chau Doan