Ninh Bình: “Cần câu cơm” của dân bị cưỡng chế, phá dỡ ngay trước Tết!
Nhiều hộ dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thuê đất, xây dựng bể nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi chuẩn bị sản xuất thì bất ngờ bị chính quyền cho người đến phá bỏ khiến người dân vô cùng bức xúc.
Dân bất ngờ bị phá “cần câu cơm”
Báo Dân trí nhận được phản ánh của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) phản ánh, họ rất bức xúc trước cách làm của chính quyền huyện Kim Sơn.
Cụ thể, nhiều hộ dân tại địa phương này nhiều năm qua sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản. Những năm gần đây, nghề nuôi hàu giống phát triển và đem lại thu nhập cao. Một số hộ dân đã chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng bể trên bãi để nuôi hàu giống.
Nhiều hộ gia đình đã đầu tư tiền của, công sức xây dựng các bể xây xi măng mục đích gây hàu giống với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi công trình sắp hoàn tất, chuẩn bị thả hàu nuôi thì chuyện bất ngờ đã xảy ra.
Theo đó, ngày 22/12/2019 ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn dẫn một đoàn cán bộ, trong đó có cả lực lượng Công an cùng với máy móc, đến vị trí các hộ dân xây bể nuôi tiến hành phá dỡ, cưỡng chế các công trình bể nuôi hàu giống của nhiều hộ dân tại đây mà không hề thông báo lý do gì.
Một người dân cho hay, họ không biết mình vi phạm chỗ nào, đột nhiên lại bị phá bỏ, cưỡng chế các bể nuôi hàu một cách rất bất minh. Việc làm này của UBND huyện Kim Sơn không hề được lập Biên bản vi phạm hành chính. Phía đoàn cán bộ đến phá bỏ cũng không đọc hay đưa ra một Quyết định cưỡng chế nào.
“Họ cứ đưa máy cuốc vào san ủi, phá bỏ các công trình phục vụ nuôi hàu giống của người dân chúng tôi đã xây dựng trước đó, bất chấp luật pháp. Dân chúng tôi không thể đứng ra ngăn cản hay giải thích gì”, một người dân nói.
Cũng theo hộ dân này, bể nuôi hàu là loại tạm bợ, xây dựng phục vụ nuôi trồng hàu giống chứ không phải nhà, hay công trình kiên cố để ở. Hiện đang vào mùa vụ sản xuất nếu không bị chính quyền phá bỏ, không có trục trặc xảy ra thì người dân có thể thu được vài trăm triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hùng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn lý giải, đây là những trường hợp xây dựng vi phạm trên đất huyện cho thuê để tận thu, nuôi trồng thủy sản. Vì thế, khi phát hiện bắt quả tang huyện đã tiến hành xử lý ngay mà không cần lập biên bản hay phải có quyết định cưỡng chế.
Phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao bắt quả tang mà mang cả máy cuốc cũng như có rất đông lực lượng Công an mặc quân phục cùng tham gia phá bỏ, hơn nữa lại vào ngày Chủ nhật, thì đây rõ ràng là việc làm có kế hoạch trước?.
Ông Sơn cho biết, Công an tham gia đoàn là đi vận động người dân. Còn về chiếc máy cuốc thì ông nói sẽ cho kiểm tra lại. Nói rồi ông Sơn báo bận, sau đó khất lần phóng viên và đề nghị sau Tết Nguyên đán 2020 sẽ trả lời cụ thể sự việc.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, việc người dân xây dựng các bể phục vụ nuôi hàu giống tại khu vực phải mất rất nhiều thời gian. Nếu việc làm này là sai phạm, tại sao thời gian dài không hề bị UBND xã Kim Đông, hay đơn vị chức năng của UBND huyện Kim Sơn lập biên bản xử lý, cho đến khi người dân làm xong, chuẩn bị nuôi giống thì huyện lại cho người đến đập bỏ?.
Chủ tịch huyện tự “sáng tạo” ra cấp hành chính mới?
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc có liên quan đến những bức xúc của người dân nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn, PV Dân trí đã tiếp cận được Quyết định do ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn ban hành. Điều bất ngờ là trong quyết định mà vị Chủ tịch này ban hành, đã tự ý ban hành ra một cấp hành chính mới tại địa phương.
Cụ thể, ngày 19/7/2019, ông Đỗ Hùng Sơn với tư cách Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn ký ban hành Quyết định số 3328 về việc thành lập “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”. Theo quyết định này, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm Tổ trưởng Tổ công tác; 3 cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ làm tổ viên.
Điều 2 của Quyết định 3328 do ông Sơn ký nêu rõ: “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”. Tại Điều 3 của Quyết định cho biết, kinh phí hoạt động của Tổ công tác do UBND huyện đảm bảo, giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định kinh phí hoạt động của Tổ công tác trình UBND huyện phê duyệt.
Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn ký Quyết định này căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Dương Lê Ước An – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: “Trên cơ sở thông tin mà người dân phản ánh về việc UBND huyện Kim Sơn tự ý cưỡng chế, phá hủy công trình của người dân mà không có bất kỳ một văn bản về việc lập biên bản vi phạm, ra Quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả là có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật.
Luật sư An viện dẫn, theo điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính, điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính như sau: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm…”.
“Chiếu theo quy định trên thì dù trong mọi trường hợp người dân có thực hiện việc xây dựng trái với quy định pháp luật, nếu chính quyền UBND huyện Kim Sơn phát hiện thì bắt buộc phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở lập biên bản vi phạm hành chính thì UBND ra Quyết định xử phạt về việc vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định tại điều 66, 67 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Vì vậy, trường hợp này người dân có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình để yêu cầu UBND huyện Kim Sơn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do việc cưỡng chế trái pháp luật và tố cáo đến Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao về mặt hình sự”.
Nêu quan điểm liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn tự tạo ra cấp hành chính mới, Luật sư An cho rằng việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng, bởi lẽ không được bất kỳ một cơ quan nào được đứng trên pháp luật.
Trước đó, như báo Dân trí phản ánh, việc quản lý đất đai vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) những năm gần đây còn nhiều bất cập khiến người dân vô cùng bức xúc. Tình trạng chuyển nhượng đất đai, xây dựng công trình không đúng quy định gây dư luận xấu trong nhân dân.
Được biết, vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III và từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi có diện tích khoảng 3.000 ha. Từ năm 1991 đến năm 2009, UBND huyện Kim Sơn giao các ngành chức năng của huyện ký hợp đồng sử dụng đánh bắt, tận thu hải sản tự nhiên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
(Nguồn: Dân trí)