Những cô gái tận hiến trên sân bóng và những cô hoa hậu đi thi xúng xính váy áo: Vinh quang thật sự nằm ở đâu?
Họ đều là phụ nữ Việt Nam. Và họ bình đẳng như nhau, phải không ạ?
Nhìn những cô gái không còn tí sức lực gì sau khi nâng cao chiếc Huy chương vàng và hát Quốc ca vang dội tối qua, hẳn nhiều người sẽ khóc. Khóc không chỉ vì cái tự hào thành quả sau cuối, mà khóc vì thương. Thương quá. Họ là phụ nữ. Họ phải vắt kiệt thứ mạnh mẽ cuối cùng trong một đặc tính sinh học yếu ớt để đi đến đích vinh quang.
Các cô gái của chúng ta thi đấu với một đối thủ nặng ký hơn, kỹ thuật hơn, khoẻ hơn và đương nhiên là khôn hơn. Suốt hiệp 1, đối thủ chơi bào sức của các cô gái. Sau 90 phút, các cô gái của chúng ta không còn một tí sức lực nào nhưng họ đã quả cảm chiến đấu không dừng lại.
Chiến thắng ấy là chiến thắng của sự kiên cường. Nếu khát vọng lớn lao không đi cùng sự kiên cường, vinh quang sẽ ít đến gần. Không chỉ thể thao, mà trong mọi góc cạnh của cuộc đời, ít nhất dăm ba lần, bạn phải dùng sự kiên cường để vượt qua các hạn định của bản thân.
Sau vinh quang, các cô gái lại trở về với trường học, với quầy bán hàng ngoài chợ, với khu nhà trọ công nhân để tiếp tục lao động và tăng ca kiếm tiền. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, họ trở về với hoàn cảnh, với số phận của chính họ.
Từ các cô gái cày ải tối qua trên sân bóng, tôi lại nghĩ về các cô hoa hậu ở các cuộc thi như nấm sau mưa đến chán ngán suốt thời gian qua. Tôi nghĩ thôi, chứ không so sánh. Bởi vì cầu thủ có giá trị của cầu thủ, hoa hậu có giá trị của hoa hậu. Nhưng một thực tế không chối cãi, bao năm qua, các cô hoa hậu ít thể hiện được giá trị đối với xã hội, ngay cả giá trị với chính các cô, để truyền cảm hứng cho người khác.
Trong số hiếm hoi những cô hoa hậu xuất hiện, tôi thấy cô gái Ê đê H’Hen Nie thực sự là một cô gái đáng trân trọng, đáng được yêu quý khi cô gái này lội ngược dòng chứng minh cho xã hội biết giá trị thực sự của một hoa hậu nằm ở đâu.
Một cô gái bình thường, bước ra thế giới với câu chuyện của một cô gái phải lấy chồng khi chưa đầy 15 tuổi; nhưng cô đã không chấp nhận vì biết rằng mình sẽ còn làm được nhiều thứ với cuộc đời của mình xa và dài hơn thế. Một cảm hứng mang tên H’ Hen Nie được lan toả.
Từ H’ Hen, người ta nghĩ về những cô Mỵ năm xưa trong trang văn Tô Hoài và bên xó bếp nhà chồng. Người ta nghĩ đến một nữ hiệp sĩ chống bạo hành năm qua khi người phụ nữ ấy đã vượt qua cái nghịch cảnh bị mẹ chồng và chồng bạo hành nhiều năm trời, đến mức trầm cảm, nhưng cô đã tìm đến với ánh sáng để đứng lên thay đổi số phận mình rồi giáo dục pháp luật cho cả nhà chồng để thay đổi môi trường ý thức quanh mình.
Có lẽ chưa nơi nào như xứ ta mê cuồng hoa hậu đến như vậy. Nơi đâu thấy hoa hậu là báo chí cứ viết la viết liệt. Mà toàn thấy những câu chuyện gớm giếc, nay mặc áo hiệu này, mai đi xe sang nọ. Cái ăn cái mặc cũng đưa ra khoe thì còn cái gì để nói? Đau đớn nhất là chuyện các cô cặp với những người tuổi cha tuổi chú, kè kè những thiếu gia đại gia mà nhìn vào ai cũng biết các cô vì tiền, cũng được các báo đăng tải như những điều hay ho to lớn.
Chưa mấy báo viết rằng, hoa hậu với các dự án cộng đồng đang được thực hiện như thế nào. Cũng có thể, các cô đăng quang không phải để làm các dự án cộng đồng, mà các cô đăng quang để tăng giá bán cái này cái nọ.
Nếu bạn để ý kỹ, hai cuộc thi lớn là Hoa hậu thế giới và Hoa hậu Hoàn Vũ, khi chọn người đeo vương miện và người trở thành Á hậu, các cô đều là những người có các dự án cộng đồng lớn. Ngoài vẻ đẹp, vương miện dành cho họ – lớn lao hơn – là một con tim nhân ái và một bộ não có sẵn ý thức trách nhiệm về cộng đồng.
Các cô gái Việt Nam đi thi thường bị trượt vỏ chuối ngay vòng gửi xe vì các cô chỉ mang theo váy, áo. Mà khốn khổ nhất là một bộ váy lỉnh kỉnh hết ngày này ngày nọ, báo chí đưa la liệt. Lên sàn diễn thì uốn éo như rắn bò. Chẳng ai thấy các cô mang theo một dự án lớn nào cho cộng đồng, một trái tim mở ra đối với những mảnh đời, những thân phận ở một đất nước có nhiều mảnh đời, nhiều thân phận như Việt Nam ra sao.
Các cô không cho người ta thấy đất nước các cô đang có những vấn đề gì để rồi các cô phải trở thành Hoa hậu để cùng giải quyết các vấn đề đó. Việt Nam đâu thiếu các vấn đề đâu. Đâu thiếu những trẻ em, những phụ nữ gặp bất hạnh? Đâu thiếu những vấn đề bất bình đẳng? Đâu thiếu những đau khổ, những mất mát?
Hay các cô nghĩ rằng, các cô chỉ cần đèm đẹp, chỉ cần hết thùng này va li nọ váy áo và được mấy trang tin, kênh báo nhảm nhảm tung hô lên trời là các cô thành hoa hậu? Nếu vậy, các cô chỉ là hoa hậu trong cái ao làng đùng đục của các cô thôi.
Còn thế giới ngoài kia, họ khác. Họ cần một người có trách nhiệm với cộng đồng. Họ cần một người có trái tim yêu thương, sống là để cho, sống là để kết nối người với người. Bao giờ các cô làm được điều này?
Hôm trước trong một cuộc thi Hoa hậu, có một cô gái rất đẹp, hình như là Đào Thị Hà, nhận được câu hỏi: Nên sống vì mình hay sống vì người khác. Cô gái ấy trả lời: Nếu không biết sống vì mình, thì không thể vì ai được cả.
Cô trả lời đúng. Nhưng rất tiếc, đúng với cô và đúng với thế hệ của cô. Trong cái đúng đó, là một sự hiểu lầm tai hại.
Bạn đi trên máy bay cùng với trẻ em, khi mặt nạ dưỡng khí rơi xuống, bạn phải đeo cho bạn trước. Bạn cần sống khoẻ mạnh trước khi lo cho đứa trẻ. Cái đó vì bạn hay vì đứa trẻ? nhìn xa đi, vì đứa trẻ đấy. Bạn có đủ kỹ năng để làm cho mình an toàn nhanh nhất có thể trước khi dùng kỹ năng đó để cứu sống đứa trẻ cạnh bạn. Còn nếu bạn cuống quýt lo cho đứa trẻ, có thể đứa trẻ sẽ được cứu sống nhưng nó sẽ mất mẹ. Cũng có thể cả hai cùng ch ết.
Khi bạn gặp những mất mát trong cuộc sống, bạn phải không để mình gục ngã. Thực sự có phải bạn đang vì bạn không? Có. Nhưng, bạn đang vì bao người khác để phải sống. Còn bạn sợ khổ sợ khó bạn chết đi cho xong, thì cái vì bản thân như thế, vô cùng tai hoạ.
Đào Thị Hà ạ, sống vì người khác mới khó. Sống vì bản thân, rất dễ. Khi vì người khác, không ai bỏ rơi chúng ta cả. Và lúc đó chúng ta được rất nhiều. Mà thực sự thì vì người khác là vì mình, nhưng vì mình thì chưa chắc đã phải vì người khác. Hãy lưu ý kỹ chi tiết mặt nạ dưỡng khí trên máy bay.
Tôi không định kiến gì với các hoa hậu, vì đẹp là một giá trị. Nhưng đẹp ở cái tâm hồn, ở con tim và ở cái ý thức cộng đồng, ở một đất nước còn nhiều khổ đau như ở Việt Nam, quan trọng hơn.
Nếu các cuộc thi Hoa hậu ở xứ ta lưu ý cái này, các cô gái đi thi lưu ý cái này, và các tờ báo đăng hoa hậu la liệt lưu ý cái này, thì bản thân các cô ấy, luôn là hoa hậu trong lòng người dân. Và các cô ấy, cũng đáng được tôn vinh và yêu thương như các nữ cầu thủ trên sân cỏ.
Chứ cứ tô son điểm phấn, đi ăn cũng đăng báo, mặc quần áo cũng lên báo, không mặc gì cũng lên báo, rồi khui quà tặng của đại gia như một thứ hối lộ t ình d ục để khoe khoang ầm ầm cũng lên báo, thì thôi, miễn đi cái gọi là Hoa hậu và báo chí Hoa hậu. Kinh tởm vô cùng.
Tất cả chúng ta đều có giá trị, dù là cầu thủ, hoa hậu hay tất cả các phụ nữ ngoài đời. Giá trị đều giống nhau, sống đẹp, có tâm hồn đẹp, có trái tim đẹp và ý thức đẹp. Vậy thì hãy đẹp nhất có thể, vì chúng ta chỉ sống có một lần trên đời mà thôi.
(Nguồn: FB Hoàng Nguyên Vũ)