Những biệt phủ ‘khủng’ vi phạm của đại gia và quan chức bị phanh phui giờ thế nào?
Sau khi bị phát hiện xây dựng biệt phủ khủng, trái phép, chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ, khắc phục sai phạm nhưng hầu hết các công trình trên vẫn chưa xử lý xong. 1. Biệt phủ trên đèo Hải Vân
Cuối năm 2014, hai quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị phát hiện. Chủ nhân là ông Phan Như Thạch – một thiếu tướng công an vừa về hưu và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.
Sau khi báo chí phanh phui, chính quyền TP Đà Nẵng vào cuộc và kết luận “có sự lỏng lẻo của chính quyền” khi để hai người này xây biệt thự hàng trăm tỷ đồng mà không có giấy phép ở khu vực “nhạy cảm”.
Ngày 4/2/2015, UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ hai biệt thự trong vòng 35 ngày.
Sau đó, ông Thạch đồng ý nộp phạt và tự ý tháo dỡ toàn bộ công trình để trả đất cho địa phương. Còn đại gia Quang thì liên tiếp viện dẫn ra các lý do xin được giữ lại khu biệt thự để phát triển du lịch tâm linh.
Ông Quang chỉ dỡ một căn nhà bê tông diện tích khoảng 15 m2 và làm đơn “cầu cứu” thành phố giữ biệt thự. Công trình sau đó nhiều lần được gia hạn. Đại gia này tiếp tục gửi đơn ra Trung ương, xin giữ lại làm khu du lịch tâm linh nhưng không được chấp thuận.
Khu biệt phủ xây dựng trái phép ở chân núi Hải Vân.
Cuối năm 2015, UBND quận Liên Chiểu ra quyết định cưỡng chế công trình với thời hạn tự tháo dỡ trước ngày 31/1/2016. Đại gia vàng sau đó dỡ một số căn nhà và có đơn trình bày xin gia hạn thêm. Đến nay, sau nhiều lần trì hoãn, khu biệt thự này vẫn còn khoảng 1/3 hạng mục cùng tường rào.
2. Biệt phủ Yên Bái
Đầu tháng 6/2017, báo chí phát hiện và công bố hình ảnh biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý (giám đốc Sở TN&MT Yên Bái) khiến dư luận xôn xao. Ông Quý còn là em trai của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm.
Ngay sau đó, ngày 9/6, UBND tỉnh Yên Bái thành lập đoàn thanh tra liên ngành và đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Trả lời báo chí về biệt phủ của gia đình, ông Phạm Sỹ Quý cho biết: “Đây là kết quả của một quá trình lam lũ, nỗ lực làm đủ nghề mà có. Từ thời thanh niên, tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội bán…”.
Trước đó, ngày 27/6, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tài sản của ông Quý trong 15 ngày. Đến ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết: “Chúng tôi đang hoàn thiện dự thảo kết luận, khoảng đầu tháng 8 sẽ công bố rộng rãi trước dư luận”.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra biệt phủ Yên Bái liên tục bị lùi vì nhiều lý do được đưa ra. Hơn 4 tháng sau khi biệt phủ Yên Bái gây xôn xao dư luận, ngày 23/10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra.
Biệt phủ Yên Bái.
Chiều 27/10, UBND tỉnh Yên Bái có thông báo về việc xử lý cán bộ vi phạm sau kết luận thanh tra biệt phủ Yên Bái. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường đối với ông Phạm Sỹ Quý. Đồng thời, điều chuyển ông Quý về làm Phó Chánh văn phòng HĐND tỉnh.
UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ về kết quả xử lý vụ việc sau thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý số tiền hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, các công trình trái phép tại khu biệt phủ này vẫn được tồn tại.
3. Phó ban Nội chính Đắk Lắk chạy xe ôm xây biệt thự
Đầu năm 2017, dư luận tỉnh Đắk Lắk xôn xao với thông tin ngôi biệt thự của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Đến cuối tháng 3/2017, UBND phường Ea Tam ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu bà Quách Thị Tuất (vợ ông Nguyễn Sỹ Kỷ) trong vòng 10 này phải thực hiện việc tháo dỡ ngôi nhà, trả lại hiện trạng ban đầu.
Cho rằng việc yêu cầu tháo dỡ nhà mình là không công bằng, ông Kỷ cho biết ngôi nhà là tài sản tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước thì lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp tiền.
Phó ban Nội chính Đắk Lắk chạy xe ôm xây biệt thự.
Ngoài ra, ông Kỷ cho biết thêm, khu vực này có nhiều nhà xây dựng trên đất nông nghiệp và cả nhà của nguyên lãnh đạo tỉnh. “Vợ chồng tôi sẵn sàng tự sát ngay tại chỗ nếu cưỡng chế. Họ không cưỡng chế ai khác, chỉ cưỡng chế mình gia đình tôi nên chỉ có lấy cái chết để giải oan cho mình”, ông Kỷ nói.
Đến nay, dù nhiều tháng trôi qua, ngôi nhà vẫn chưa thể tháo dỡ, cưỡng chế. Theo lý giải của ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam, vì đang chờ UBND TP phê duyệt quy hoạch phường Ea Tam.
4. Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xây biệt phủ trên đất nông nghiệp
Tháng 4/2017, báo chí phản ánh về việc người dân xã Đắk Cấm (TP Kon Tum) bức xúc vì gia đình ông Phạm Thanh Hà (Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy) biệt phủ xây dựng trên đất nông nghiệp.
Biệt phủ của gia đình ông Hà nằm giữa rẫy cao su, có diện tích 2.000 m2. Phía trước khu nhà là cánh đồng lúa, hồ sen rộng lớn. Cổng vào biệt phủ được xây hoành tráng, cửa sắt được chạm khắc công phu. Khu vực bên trong có nhiều công trình gồm: Nhà sàn gỗ, nhà thờ tự, hồ sen nuôi cá, nhà ở cho công nhân…
Trả lời báo chí, ông Hà cho biết, biệt phủ của gia đình ông được xây từ năm 1991, “mỗi năm xây một ít”. Đến tháng 8/2010, ông Hà (thời điểm này là Chủ tịch UBND TP Kon Tum) làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 đất nông nghiệp của khu biệt phủ sang đất ở nông thôn.
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xây biệt phủ trên đất nông nghiệp.
Một công trình đồ sộ với hàng loạt hạng mục xây trong nhiều năm trời, người dân bức xúc, nhưng hiện hồ sơ liên quan đến phần đất của ông Hà ở phòng Tài nguyên – Môi trường TP Kon Tum lại đang… thất lạc.
Trong khi nữ Chủ tịch xã khẳng định khu đất ông Phạm Thanh Hà xây biệt phủ là đất nông nghiệp, chưa được quy hoạch chuyển đổi thì Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường TP Kon Tum lại quả quyết rằng, ông Hà “đã làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên được đồng thuận”.
5. Biệt thự song sinh của anh em Bí Thư huyện ở Hà Nam
Tháng 5/2017, dư luận lại một lần nữa sục sôi khi hình ảnh 2 căn biệt thự hoành tránh, sa hoa của anh em ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam) tọa lạc tại khu đô thị Hòa Mạc (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên).
Hai căn biệt thự này được thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, mái đỏ, cửa gỗ, kết hợp với các đường nét và hệ thống chi tiết cầu kỳ. Điểm nhấn là hệ thống cột tròn và vuông. Nhìn từ bên ngoài, 2 căn biệt thự này không khác gì cung điện.
Biệt thự song sinh của anh em Bí Thư huyện ở Hà Nam.
Chiều 7/6/2017, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Vượng xác nhận 2 căn biệt thự liền kề đó của anh em ông. “Cám ơn mọi người đã quan tâm, ở các thành phố lớn trong nước mình còn nhiều căn biệt thự đẹp và độc đáo hơn. Em tôi làm bên đô thị Nam Hà Nội nên cũng có những thiết kế riêng, phải làm đẹp rồi”, ông Vượng nói.
Ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cũng xác nhận, căn biệt thự có vị trí ở khu đô thị Hòa Mạc là của nhà ông Vượng, và có kê khai trong bản kê khai tài sản, còn nhà bên cạnh là nhà ông Nguyễn Minh Hoàn (em trai ông Vượng). Được biết, ông Hoàn là chủ dự án khu đô thị Hòa Mạc.
6. Quan chức Lào Cai đấu giá thành công cả 6 biệt thự ở vị trí đắc địa
Cả 6 biệt thự có diện tích từ 400 đến hơn 600m2, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.700m2, được quy hoạch ở vị trí đắc địa. Phía trước là đường An Dương Vương nhìn ra sông Hồng, phía sau là đường Soi Tiền, hai phía bên đều có đường chạy qua nằm ở phường Kim Tân (TP Lào Cai). Đặc biệt, 6 biệt thự này đều do quan chức tỉnh Lào Cai trúng thầu mà có.
Xác nhận sự việc, ông Lê Thanh Dũng, tổ trưởng tổ dân phố số 35, phường Kim Tân cho biết cả 6 lô đều thuộc nơi ông quản lý. “Trong đó có nhà của bí thư Tỉnh ủy, giám đốc Công an tỉnh, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, giám đốc Sở Tài chính, bí thư Huyện ủy Sa Pa và gia đình một cán bộ biên phòng tỉnh”, ông Dũng cho hay.
Ông Hoàng Văn Khoa, phó giám đốc phụ trách Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai cho biết, 6 căn biệt thự nằm trong dự án làm công viên từ năm 2004. Nhưng khi Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai tiếp nhận để làm dự án từ Sở Xây dựng Lào Cai thì quy hoạch tổng mặt bằng của khu đất đã là xây lô, phân nền.
Quan chức Lào Cai đấu giá thành công cả 6 biệt thự ở vị trí đắc địa.
Trước thắc mắc vì sao chỉ toàn quan chức của tỉnh trúng thầu những khi đất đó, ông Lê Ngọc Hưng, phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nói: “Người ta có tiền người ta đấu trúng, có thể rất ngẫu nhiên, tôi làm sao trả lời được”.
7. Biệt phủ toàn bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị
Căn nhà của ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị khiến dư luận xôn xao khi toàn làm bằng gỗ quý và tọa lạc trên khu đất rộng trên 2.000m2 ở xã Hải Ba (huyện Hải Lăng).
Cổng vào nhà ông Trung gồm cửa chính rộng ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên, phía trên mái lợp ngói vảy cá. Tường rào mặt tiền được xây bề thế. Bên trong là 2 căn nhà liền kề được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái rất đẹp, gồm hệ thống cột gỗ, mái lợp ngói, tường xây gạch, cùng hệ thống sân vườn, cây kiểng.
Hiên của căn nhà chính nổi bật với mái “vỏ cua”, những cột gỗ lớn dựng đứng, hệ thống kèo gỗ vươn ngang và cạnh đó là 18 lá cửa gỗ được chạm trổ rất đẹp. Phía mái có một số đòn tay và rất nhiều kèo, xuyên, trếnh… được chạm trổ cầu kỳ như nhà rường cổ.
Biệt phủ toàn bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị.
Ngôi nhà tiêu tốn khoảng 80 khối gỗ, 32 cây cột gỗ thuộc nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, chua, trường… xây từ năm 2015 đến 2016 thì xong.
Ông Trung khẳng định số gỗ để làm nhà ông mua có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn. Trong đó, chủ yếu mua lại từ các doanh nghiệp mua từ Lào về. Số tiền mua gỗ được vợ chồng ông có từ nhiều nguồn thu nhập, tích góp nhiều năm nay.
VTC News