Nhiệt điện: VN bán rẻ than, Trung Quốc mua lại rồi bán đắt cách mấy Việt Nam cũng phải mua
Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây.
Trong các báo cáo công khai thì Việt Nam hiện nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện từ Indonesia, Úc và Nga.
So với 3 quốc gia nói trên, thì giá than cho nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam nếu chọn nhập về từ Trung Quốc, giá bao giờ cũng cao hơn so với giá bình quân của các loại than trên thế giới, điển hình như giá bán cho thị trường Hàn Quốc cao gấp 10 lần so với giá bán cho Trung Quốc (5,8 triệu đồng/tấn), nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên lựa chọn bán rẻ dưới giá thị trường cho Trung Quốc mà không hiểu vì sao. Sau đó, dù có mắc đến đâu thì nhiều dự án nhiệt điện than ở Việt Nam bắt buộc phải chọn mua than từ Trung Quốc bán lại. Nghịch lý này ai sẽ trả lời cho dân?
Theo con số thống kê của Bộ Công thương, hiện có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, trong đó nhiều dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được thành lập bởi 3 đơn vị là China Souther Power Grid Co.Ltd, China Power International Holding Limited (CPIH) và Tổng công ty Điện lực TKV với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD (TKV chỉ chiếm 5% vốn). Dự án này đã đi vào vận hành sớm theo tiến độ trước 7 tháng.
Đáng chú ý là trong lĩnh vực nhiệt điện, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ trực tiếp rót vốn vào dự án BOT mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy: nhiệt điện Duyên Hải 3, nhiệt điện Hải Dương, nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2…
Có một giải thích cho chuyện vì sao Trung Quốc đổ mạnh tiền bạc vào các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam, đó là hiện nay, tại nhiều vùng như Shanxi của Trung Quốc, ngành than vẫn chiếm tới hơn 50% tổng số việc làm và 80% nguồn năng lượng cho cả vùng. Bởi vậy việc ngừng hoặc giới hạn khai thác than là điều vô cùng khó, nếu Trung Quốc còn muốn giữ tốc độ tăng trưởng.
Hầu hết tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc, đang được cung cấp bởi các ngân hàng quốc Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng các nhà máy với lực lượng lao động chủ yếu là người Trung Quốc. Đi kèm với nhiệt điện than luôn là đội vốn, chậm tiến độ, tham nhũng trong quá trình vận hành khai thác, giá nhiên liệu cao, hiệu suất thấp, nguy báo lỗ có thể cầm chắc hơn 90%. Rồi lại đắp chiếu, lại giải cứu. Và dĩ nhiên vẫn phải trả nợ, lãi cho Tàu… Những điều này các nhà quản lý của ta có biết không? Chắc chắn là biết hết, biết rõ là đằng khác nhưng vì sao cứ nhẹ dạ cả tin tạo điều kiện cho Trung Quốc mang họa cho đất nước? Vì lợi ích, quyền lợi đổi chác sau những hợp đồng triệu USD? Vì những phong bao dày cộm đi kèm hợp đồng hay vì thứ gì khác lớn lao hơn?
Thông tin cho biết trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) với công suất 1.240 MW, tổng mức đầu tư 1,755 tỉ USD. Dự án này hiện đã thuộc sở hữu của Công ty lưới điện Phương Nam Trung Quốc (chiếm 55% vốn), Công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) 40%, trong khi Tổng công ty điện lực (Vinacomin) chỉ nắm giữ có 5%.
Tại Hà Tĩnh, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD, công suất 1.200 MW, cũng đã rơi vào tay Công ty One Energy Asia (Hồng Kông), sau khi công ty này thâu tóm lại cổ phần của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) 23%. Chưa dừng lại ở đó, tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Công ty One Energy cũng rót 55% vốn để kiểm soát, còn E'VN nắm 29% và Tập đoàn Thái Bình Dương nắm 16% vốn. Và ở tất cả các dự án nhiệt điện có liên quan đến Trung Quốc thì đều phải chấp nhận nhập khẩu than từ Trung Quốc. Ngoài ra, ở một số khu công nghiệp, khu luyện cán thép như For mosa đều có những nhà máy nhiệt điện chạy công suất nhỏ, thay vì nhập than từ trong nước, các doanh nghiệp này đã tiến hành nhập than từ Trung Quốc.
Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc bất chấp lợi nhuận và giá cả thị trường? Đánh đổi như thế để được cái gì? Liệu trong số những loại quặng mang đi bán có trà trộn đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao khác không? Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau? Bán tài nguyên thô đã nguy hiểm, bán rẻ lại càng tai hại hơn. Bán rẻ công sản là tội đồ của đất nước, vậy mà đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra và truy tố thật nặng trước pháp luật. Vì sao vậy?
Thiên Anh