Nếu có một “bản án” cho vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, nó sẽ dành cho ai?

Thực sự không cầm lòng xem hết đoạn clip ghi lại cảnh một em nữ sinh tại Hưng Yên bị 5 bạn gái xông vào đánh đập dã man, không mảnh vải trên người, ngồi co rúm không thể kháng cự. Đoạn clip khiến ai trót xem cũng ám ảnh, giận dữ đến tột cùng. Sự việc không phải bên ngoài cánh cổng trường mà nó diễn ra ngay trong lớp học với hiện trường còn nguyên bàn ghế và bảng đen.

Đau xót hơn là việc các bạn học sinh cùng lớp đóng vai trò khán giả, vô tư nhìn, làm ngơ khi bạn mình bị làm nhục. Ngay cả cách ứng xử của thầy cô giáo càng làm tôi bất bình và uất nghẹn thay khi cô giáo chủ nhiệm biết chuyện bắt học trò xóa clip; còn thầy hiệu trưởng thì khẳng định đã làm hết trách nhiệm và “hồn nhiên” nói rằng “em học sinh bị đánh hơi chậm chạp, nên kỹ năng ứng xử hơi yếu và lần bị đánh này không phải lần đâu”. Nghe câu trả lời của ông hiệu trưởng tôi đã sững người đi. Từ bao giờ mà các em phải cứng rắn, thậm chí là ghê gớm một tí để sống trong môi trường giáo dục? Từ bao giờ hiền trở thành một cái tội? Thật buồn cười và kỳ lạ làm sao, khi mà học sinh hiền lành lại trở thành lý do đáng để bị ăn đòn. Vậy đấy, khi biết tin việc đầu tiên của giáo viên và cả ban giám hiệu là giấu nhẹm đi, nhà trường không chỉ xử lý một cách vô cảm mà còn cho thấy sự bao che, dung túng cho những hành vi sai trái.

Khi biết tin việc đầu tiên của giáo viên và cả ban giám hiệu là giấu nhẹm đi, nhà trường không chỉ xử lý một cách vô cảm mà còn cho thấy sự bao che, dung túng cho những hành vi sai trái.

Lên án các thầy cô, đổ lỗi cho ngành giáo dục là chuyện dễ hiểu. Sự xuất hiện của ông Nhạ tại “điểm nóng” và truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu phải nghiêm khắc xử lý, tôi cho là cần thiết. Là tư lệnh ngành giáo dục thì tất nhiên ông Nhạ phải có trách nhiệm khi trong ngành mình quản lý xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như vậy rồi.

Dư luận lên án hành vi bạo lực học đường, vậy thì mọi người nghĩ sao về con số 5000 người nhập viện vì đánh nhau trong 6 ngày Tết? Khi mà ra đường chỉ cần va chạm nhẹ thì người lớn sẵn sàng đứng chửi, thậm chí lao vào đánh nhau; Khi mà giới trẻ tung hô Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền như một anh hùng, cổ xúy cho thứ văn hóa lệch lạc… thì tôi e rằng câu chuyện đau lòng như em nữ sinh lớp 9 tại Hưng Yên vẫn sẽ còn ở đâu đó. Cả xã hội hô hào, cổ xúy cho kích động, bạo lực, ấy thế nhưng lại đòi hỏi môi trường giáo dục phải thiện lành, nhà trường phải an toàn tuyệt đối! Chẳng có ngôi trường nào, giáo viên nào lại đi dạy học sinh phải đánh nhau cả, có chăng là các em luôn nhìn vào người lớn để hành xử mà thôi.

Trước khi đổ lỗi cho ngành giáo dục tôi nghĩ mỗi bậc phụ huynh hãy tự nhìn lại mình xem đã bao giờ trong mâm cơm gia đình, các ông bố bà mẹ trò chuyện, tâm sự với các em? Hay là chúng ta “quẳng” đứa trẻ tới trường rồi nghĩ các thầy cô sẽ lo từ A – Z, từ dạy văn hóa cho tới nhân phẩm, để rồi khi vụ việc xảy ra lại đổ tất cả lên nhà trường? Nói thật, làm giáo viên giờ dạy học trò không dễ chút nào đâu, nhất là đối với những em cá biệt và ngỗ ngược. Nếu như lúc trước, thầy cô có thể dùng thước đánh hoặc phạt học sinh nhưng giờ chắc chắn chẳng ai dám làm, nhất là sau nhiều vụ bị báo chí phanh phui và dư luận lên án.

Có thể vụ việc em nữ sinh bị đánh hội đồng này rồi sẽ qua đi, nhưng hãy thực sự cảm nhận đó là nỗi đau thì bạn biết nó sẽ còn dai dẳng đến nhường nào. Mới lớp 9 em còn rất nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường nữa trước khi thực sự bước vào cuộc đời. Nỗi đau của em vì ai mà có? Nếu có một “bản án” thì ai sẽ phải là người hứng chịu? Không phải chỉ dành cho 5 học sinh ăn chưa no, lo chưa tới kia, hay ngành giáo dục thôi đâu, mà đó phải là một “bản án”dành cho tất cả người lớn chúng ta!

Anh Ngọc (Xahoivn.net)