Nhà xuất bản chi thù lao gần 3 tỷ cho lãnh đạo Sở: Việc lựa chọn sách giáo khoa liệu còn khách quan?
Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) được sử dụng trong năm học tới, để các trường phổ thông lựa chọn bộ SGK phù hợp cho học sinh địa phương. Tuy nhiên, điều bất ngờ mà chúng tôi biết được là, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cùng nhiều Trưởng, Phó phòng của Sở này suốt 4 năm qua, khiến dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Khi đã nhận tiền của một nhà xuất bản, thì việc lựa chọn SGK cho các trường trên địa bàn còn bảo đảm tính khách quan, công bằng và vì giáo dục nữa không?
Phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa
Sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được sử dụng trong năm học mới, các cơ sở giáo dục được lựa chọn sử dụng bộ sách phù hợp trong số 32 bộ SGK trên cho năm học 2020-2021.
Bộ GD&ĐT cũng đã công bố dự thảo Thông tư về việc lựa chọn SGK để lấy ý kiến nhân dân, theo đó, việc lựa chọn SGK thuộc quyền của cơ sở giáo dục phổ thông; mỗi cơ sở thành lập một hội đồng chọn SGK có sự tham gia của giáo viên và phụ huynh học sinh.
Nhưng ai cũng biết rằng cơ quan quản lý giáo dục địa phương (sở, phòng GD&ĐT) có tiếng nói rất quan trọng. Ở nhiều địa phương, năm nào các cơ quan này cũng có văn bản “gợi ý” các trường mua sách tham khảo, và chưa có trường nào dám không thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Tại cuộc họp công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng bảo đảm lựa chọn SGK được khách quan, công bằng, chính xác khi sở GD&ĐT đứng ra làm một bộ SGK riêng, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT – đã khẳng định không có sở GD&ĐT nào đứng ra làm SGK.
Quyết định chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nỗi nghi ngờ về việc lựa chọn SGK có bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác hay không là có cơ sở. Theo tài liệu VietTimes có được, thì từ năm 2015 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, Giám đốc, Phó giám đốc Sở cùng Chánh văn phòng, Phó văn phòng, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo toàn bộ các môn học từ tiểu học đến THPT của Sở này mỗi tháng được thù lao từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng, tùy chức vụ.
Tại quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản đã thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam gồm 11 người.
Trong đó có 1 Giám đốc sở, 1 Phó giám đốc, 1 Phó Chánh văn phòng, 1 Trưởng phòng Giáo dục Trung học, 2 Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, 1 Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 2 Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 1 Chánh văn phòng và Phó Chánh văn phòng.
Mức thù lao chi cho các thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam được tính theo chức vụ. Trưởng Ban là Giám đốc Sở nhận 6 triệu đồng/tháng, Phó Trưởng ban là Phó Giám đốc nhận 5 triệu đồng/tháng, Ủy viên thường trực nhận 4 triệu đồng/tháng, các ủy viên còn lại nhận 3,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, mức chi cho 11 hành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam là 516 triệu đồng/năm. Quyết định này ghi rõ nguồn chi từ Quỹ đầu tư của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thực hiện từ ngày 1/5/2015.
Tính riêng trong năm 2015 (8 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực), tổng mức chi là 344 triệu. Tuy nhiên, với công văn này thì việc chi được hiểu là liên tục. Nếu chi liên tục như vậy thì từ ngày 1/5/2015 đến hết ngày 31/12/2017, tổng mức chi lên gần 1,5 tỷ đồng.
Đến năm 2018, Nhà xuất bản này tiếp tục ký quyết định số 04/QĐ-NXBGDVN thành lập Ban chỉ đạo cùng với mức chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Lúc này, Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK không chỉ có mỗi Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh mà còn có thêm các thành viên từ nhà xuất bản và nhóm tư vấn hỗ trợ.
Theo quyết định này, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vẫn gồm 11 người như trong quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN, cùng với 9 người của Nhà xuất bản (gồm 1 Chủ tịch Hội đồng quản trị, 1 Tổng Giám đốc, 4 Phó Tổng Giám đốc, 2 Giám đốc và 1 Phó Tổng biên tập), nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người (14 chuyên viên giáo dục Tiểu học, Trung học và 1 Kế toán).
Mức chi thù lao cho các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam vẫn giữ nguyên như trong quyết định năm 2015, riêng nhóm tư vấn hỗ trợ mỗi người nhận 2,5 triệu đồng/tháng.
Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam số tiền tổng cộng tới 1 tỷ 398 triệu đồng.
Tổng 2 lần chi từ ngày 1/5/2015 đến hết năm 2018 là gần 3 tỷ đồng.
Cả 2 văn bản chi tiền trên đều do Chủ tịch Hội đồng thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký.
Có thể thấy, chưa nói đến sự liêm chính của quan chức và công chức, mà chỉ nói riêng về việc chỉ đạo chọn SGK, thì việc lãnh đạo Sở GD&ĐT nhận thù lao của một nhà xuất bản nhiều năm liên tục như vậy, liệu có đảm bảo được sự khách quan, công bằng và chính xác?
Trao đổi với VietTimes, GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 – bày tỏ sự băn khoăn: Việc Nhà xuất bản chi tiền thù lao như thế thì làm sao Sở GD&ĐT đó có thể chọn SGK một cách khách quan được? Như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK của Đảng và Nhà nước không thực hiện được.
Chưa kể, không biết ngoài việc chi thù lao cho Sở GD&ĐT TP.HCM, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn chi thù lao hay chi phí cho các chuyến tham quan, du lịch “miễn phí” cho quan chức, công chức của những đơn vị nào nữa? Có đơn vị nào cũng chi thù lao tương tự như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không?
Xin được chuyển câu hỏi này đến Bộ GD&ĐT để kiểm tra, xử lý và trả lời cho công luận biết.
(Nguồn: viettimes.vn)