“Muốn thay đổi nền giáo dục phải thay đổi thể chế cầm quyền” – Lập luận nguy hiểm của những kẻ chống đối
Bạo lực học đường đang là một trong những vấn đề nóng thời gian gần đây. Cùng với sự kiện chùa Ba Vàng, “hiện tượng mạng” Khá Bảnh, những lùm xùm trong giáo dục (đặc biệt là vụ việc học sinh nữ bị đánh hội đồng tại Hưng Yên) đang thực sự khiến xã hội rúng động.
Trong khi các cơ quan, đơn vị liên quan đang tìm cách giải quyết vấn đề thì “bên kia chiến tuyến”, các đối tượng chống đối cũng triệt để lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền xuyên tạc, công kích chính quyền. Trong đó, một luận điệu vô cùng nguy hiểm đang được các đối tượng tung ra là muốn thay đổi nền giáo dục phải thay đổi thể chế cầm quyền.
Thẳng thắn đánh giá, thời gian vừa quan, nền giáo dục của chúng ta phải đối mặt với không ít lùm xùm. Chúng ta không phủ nhận những thành quả mà nền giáo dục đã đạt được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền giáo dục nước ta vẫn tồn tại không ít bất cập, “góc tối”. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường đang thực sự lan giải. Câu chuyện nữ sinh tại trường THCS Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên bị các bạn đánh hội đồng, lột quần áo và quay video tung lên mạng như một hồi chuông nghiêm khắc báo động về vấn đề này. Ngay sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, các cấp, các ngành đã mạnh tay vào cuộc. Thậm chí, toàn bộ ban giám hiệu nhà trường đã bị cách chức, giáo viên chủ nhiệm lớp thì bị xem xét buộc ra khỏi ngành.
Trong khi những cơ quan, đơn vị liên quan đang tìm cách giải quyết các “mảng xám” trong giáo dục thì các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cũng triệt để lợi dụng vấn đề này để chống phá Đảng, Nhà nước khiến cho tình hình trở nên phức tạp.
Luận điệu nguy hiểm
Trên một số diễn đàn, trang mạng, các đối tượng phản động, cơ hội đang lan truyền luận điệu: Muốn thay đổi nền giáo dục phải thay đổi thể chế cầm quyền. Các đối tượng xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước và chế độ ta bằng những lập luận vô cùng trắng trợn. Chúng cho rằng “Những gì mà nhiều người gọi là “thảm hoạ giáo dục” thật ra là một hậu quả không thể tránh khỏi khi mà đất nước bị cai trị bởi một thể chế chuyên dùng bạo lực để chiếm đoạt quyền lực và luôn gây chia rẻ, hận thù để nắm giữ quyền lực”.
Việc các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng sự kiện, vấn đề nóng để xuyên tạc tình hình đất nước, từ đó vu khống Đảng, Nhà nước, kích động người dân chống đối chính quyền không phải là thủ đoạn mới mẻ (nếu không muốn nói là cũ rích). Về nội dung kích động chống phá thì mới nhưng phương thức, cách làm thì hoàn toàn cũ. Tất cả đều nằm trong bộ “bài giảng” chống phá nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, phá hoại nội bộ ta từ bên trong.
Bạo lực học đường: vấn nạn không của riêng Việt Nam.
Quay lại với luận điệu muốn thay đổi nền giáo dục phải thay đổi thể chế cầm quyền mà các đối tượng đang rêu rao, chúng ta có thể thấy ý thức chống đối vô cùng sâu sắc của các đối tượng. Ở một góc độ khác, chúng ta lại thấy được sự ngu ngốc, kém hiểu biết của các đối tượng này. Việc rêu rao luận điệu trên chẳng khác gì hành động lấy đá tự đập chân mình.
Các đối tượng phản động, chống đối vẫn tuyên truyền thông tin cộng sản là xấu xa, bạo lực, độc đoán. Chúng cho rằng bạo lực học đường là hệ quả kéo theo của thể chế chính trị. Vậy nhưng chúng ta hãy nhìn vào các nước tư bản – xứ sở thiên đường mà các đối tượng phản động, chống đối vẫn luôn tung hô, ca ngợi để có thể thấy rõ vấn nạn bạo lực học đường.
Ở Mỹ, tại trường tiểu học Forest Hiills, thị trấn Walterboro, bang Nam Carolina, một bé gái 10 tuổi có tên Raniya Wright đã bị bạn đánh bị thương nặng dẫn đến tử vong hôm 27/3 vừa qua. Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có bất kỳ hành động xử lý nào. Ngoài ra, chuyện xả súng “như cơm bữa” tại trường học cũng khiến cho không ít ngôi trường tại Mỹ chìm trong bóng đen kinh hãi.
Ở Hàn Quốc, bạo lực học đường đã trở thành sự ám ảnh của rất nhiều học sinh. Thậm chí, vấn đề này đã không ít lần được đưa lên phim ảnh. Theo kết quả khảo sát của Văn Phòng Giáo Dục Thành Phố Seoul vào tháng 8/2018, số vụ bạo lực học đường đã tăng 25,5% so với cùng kì năm trước đó. Có khoảng 11.425 học sinh thừa nhận từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Để giải quyết vấn nạn này, các bậc phụ huynh tại Hàn đã phải thuê vệ sỹ cho con.
Ở Nhật Bản, theo một thống kê được công bố vào tháng 10/2018, ở năm học trước đó, đã có 414.378 vụ bắt nạt diễn ra trên khắp các trường ở Nhật Bản. Ít nhất có 10 học sinh đã tự tử do bị bạo lực học đường.
Từ các ví dụ trên, chúng ta thấy rõ vấn nạn bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Nó là vấn nạn rất nhiều quốc gia phải đối mặt. Thậm chí, tình hình bạo lực học đường tại Mỹ, Nhật, hay Hàn còn nặng nề hơn ở Viêt Nam rất nhiều. Nếu theo lập luận của các đối tượng phản động, cơ hội đang đưa ra, có lẽ chế độ tư bản còn bạo lực, máu tanh hơn rất nhiều Việt Nam. Trong khi đó, đây lại là xã hội mà các đối tượng này coi là “thiên đường”, là mục tiêu mà các đối tượng đang “đấu tranh” để đạt được. Phải chăng, cái mà các đối tượng phản động, chống đối đang hướng đến, đang mong muốn có được là xã hội mà học sinh có thể tự do xả súng tại trường học, là chế độ mà người ta được tự do đày đoạ, bắt nạt bạn bè?
(Theo butdanh.net)