Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”
Sách VNEN chỉ làm từ lớp 2 trở đi, còn riêng sách lớp 1 dùng công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Từ đây miếng bánh sách giáo khoa được chia 3.
Tiếp tục câu chuyện về “sách VNEN” chép lại nội dung sách 2000 và bán đắt hơn gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành, chuẩn bị được chỉnh sửa để trở thành một bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, còn nhiều điều khuất tất ở đằng sau, xin được tiếp tục nêu ra.
Bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập khẩu mô hình Trường học mới
Trong bài viết “VNEN – Rằng hay cũng lắm điều hay…” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/8/2016, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, mô hình Trường học mới Colombia “du nhập” vào Việt Nam sau một hội thảo do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Philippines.
Báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” của một nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đánh giá tác động của mô hình VNEN cũng xác nhận những điều Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Báo cáo này chỉ có chút khác biệt nhỏ về thời gian diễn ra hội nghị là từ ngày 9 đến 12/2/2009 chứ không phải năm 2008.
Nội dung này có thể tìm thấy tại trang 26-27, bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, mục 1.1.2 Áp dụng tại Việt Nam.
Giáo sư Phạm Vũ Luận trao đổi với Biên tập viên Quang Vinh và Giáo sư Hồ Ngọc Đại về chương trình giáo dục phổ thông mới khi ông Luận còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh chụp màn hình.
Chúng tôi được biết, ban đầu Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng không mặn mà lắm với đề nghị của bà Vicky Colbert – Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia và là tác giả của mô hình Trường học mới.
Thầy Hiển cũng quên bẵng gợi ý này sau khi về nước.
Nhưng khoảng 1 – 2 tháng sau đó có người nhắc lại lại lời đề nghị của bà Vicky Colbert, thày Hiển mới quyết định cử đoàn công tác sang Colombia tìm hiểu.
Trong lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất đau đầu vì áp lực từ dư luận, về những bất cập của chương trình sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000) chưa hoàn thiện đã quá tải.
Xin được nhắc lại, Chương trình – sách giáo khoa 2000 được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2000 đến 2009 mới xong cuốn cuối cùng.
Nhưng ngay từ năm 2008 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã chỉ đạo lên kế hoạch chuẩn bị làm chương trình – sách giáo khoa mới.
Ngày 26/5/2008 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký Báo cáo số 146/BC-BGDĐT gửi các vị Đại biểu Quốc hội để giải trình các bất cập của Chương trình, sách giáo khoa 2000.
Trong Báo cáo này, Bộ sửa sai bằng cách “cắt gọt thời lượng một cách cơ học” để “giảm tải”.
Chúng tôi “băn khoăn” rằng, phải chăng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đó muốn “nhập khẩu” mô hình Trường học mới của Colombia là do áp lực phải đổi mới / cải cách giáo dục trong lúc chương trình – sách giáo khoa vừa làm đã hỏng?
Và phải chăng các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành và Phạm Ngọc Định xem mô hình VNEN là phương án thay thế cho Chương trình – sách giáo khoa 2000 sau những phê phán từ xã hội, nên mới triển khai vội vã, nhanh chóng và rộng khắp như thế?
“Kinh nghiệm” đổi mới giáo dục bằng các dự án từ Chương trình 2000
Đổi mới giáo dục bằng các dự án đã nở rộ từ khi làm Chương trình và sách giáo khoa 2000 (chương trình – sách giáo khoa hiện hành).
Theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Chương trình và sách giáo khoa 2000 được xé lẻ thành nhiều dự án khác nhau:
Dự án “Đổi mới chương trình sách giáo khoa tiểu học” trị giá 77 triệu USD do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng (đã mất) quản lý;
Dự án “Đổi mới chương trình trung học cơ sở” trị giá 71,5 triệu USD do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng quản lý.
Đi theo là các dự án “con” như “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới của trường tiểu học” trị giá 145 triệu USD do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai phụ trách;
Dự án “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo cách mới của trung học cơ sở” trị giá 35 triệu USD do nguyên Thứ truởng Nguyễn Tấn Phát phụ trách.
Thầy Nguyễn Vinh Hiển được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2007.
Ông nhậm chức đúng thời điểm sách 2000 bị chỉ ra nhiều bất cập nhất, từ xã hội cho đến nghị trường đều quan tâm, thày Hiển phải lo giải quyết những bất cập mà Chương trình, sách giáo khoa 2000 gây ra.
Phải chăng chính “kinh nghiệm làm dự án” của những người tiền nhiệm đã ảnh hưởng đến 2 quyết định “quan trọng” của Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển:
Một là nhập khẩu VNEN về Việt Nam, hai là làm chương trình sách giáo khoa mới, khi chương trình sách giáo khoa 2000 vừa mới làm xong, tiêu hết hàng ngàn tỉ?
Hai quyết sách này của thầy Nguyễn Vinh Hiển vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến giáo dục nước nhà khi ông đã về hưu.
Nguyên chuyên gia trưởng Dự án GPE-VNEN Đặng Tự Ân cũng là Giám đốc Ban quản lý Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC), với tổng số vốn lên tới 250 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là tiền đi vay.
Thầy Đặng Tự Ân chính là người cùng thầy Nguyễn Vinh Hiển sang Colombia tìm hiểu và nhập khẩu mô hình này về Việt Nam.
Ban đầu khi chưa xin được tiền tài trợ, mô hình Trường học mới Colombia được nhập về Việt Nam năm 2010 bằng một phần kinh phí dự án PEDC mà thầy Đặng Tự Ân làm Giám đốc.
(Trích nội dung trang 26 Báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” mà thầy Đặng Tự Ân, Nguyễn Vinh Hiển tham gia xây dựng cùng với một số chuyên gia của Ngân hàng Thế giới).
Tính chất việc triển khai VNEN ồ ạt ra cả nước chỉ sau 1 – 2 năm thí điểm để giải ngân dự án thể hiện rõ qua Công văn 4250/BGDĐT – GDTH ban hành ngày 04/07/2012 do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành ký.
Công văn này cho biết:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được từ Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 84,6 triệu đô la để đầu tư cho Giáo dục tiểu học xây dựng Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam.
…Dự án được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố; thí điểm tại 1447 trường tiểu học (chi phí cụ thể: phát triển tài liệu 1,78 triệu; tập huấn và cung cấp tài liệu 24,3 triệu, hỗ trợ các trường 47, 09 triệu, quản lí và truyền thông 6, 75 triệu).
Dự án ưu tiên vùng khó khăn, tập trung đổi mới sư phạm, đổi mới tổ chức và phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kĩ năng theo chương trình hiện hành và không có xây dựng cơ bản.
…Do tính chất khẩn trương của Dự án trong tháng 6 năm 2012, Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong các tài liệu Hướng dẫn học tập cho học sinh, Hướng dẫn giáo viên và các tài liệu tập huấn; các định mức chi và Sổ tay thực hiện Dự án.”
Đọc công văn này, chúng tôi không biết là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và cộng sự của ông khi đó triển khai ồ ạt VNEN ra 63 tỉnh thành trên cả nước là để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ?
Hay các thầy chủ động đưa ra phương án này để có được 84,6 triệu đô la Mỹ tiền viện trợ cho dự án, một con số không hề nhỏ?
Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”
Báo cáo của một nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đánh giá tác động của mô hình VNEN cho biết:
Sau hội thảo “Những hướng tiếp cận cho giáo dục vùng nông thôn: những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các phương pháp hiệu quả” tại Philippines ngày 9-12/2/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn sang Colombia tìm hiểu.
Đoàn đại biểu Việt Nam có sự tham gia của thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Đặng Tự Ân.
…Ấn tượng mạnh mẽ trước thực tế được chứng kiến tận mắt tại Colombia, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quyết định phân bổ một phần kinh phí từ dự án PEDC để thí điểm chương trình Escuela Nueva (Trường học mới Colombia) tại Việt Nam vào năm 2010.
(Trích nội dung trang 26, bản dịch Báo cáo).
Tuy nhiên, các nhà quản lý Dự án VNEN chỉ nhập một vài cuốn sách giáo khoa lớp 2 của Trường học mới Colombia mang về Việt Nam cho các chuyên gia dự án dựa vào đó, biên soạn thành sách VNEN với kinh phí 1,78 triệu đô la Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
“Thông thường, một chương trình thí điểm, nhất là thí điểm trong giáo dục phải được tiến hành hết sức bài bản, cẩn trọng.
Trước hết, cần thí điểm trên một diện rất hẹp và đo lường tỉ mỉ; sau đó, nếu có kết quả khả quan mới cho nhân rộng dần.
Đáng tiếc là khi đưa mô hình EN vào thí điểm tại Việt Nam, Bộ GDĐT có phần vội vàng khi cho triển khai ồ ạt.”
Về sách giáo khoa VNEN, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay:
“Mặc dù sau hai chuyến sang Colombia, các đoàn khảo sát chỉ mang về được sách giáo khoa một số môn học lớp 2, nhưng dựa vào mẫu của mấy quyển sách lớp 2 ấy, Dự án đã liên tục tổ chức biên soạn sách của đủ các lớp tiểu học, rồi lớp 6, lớp 7,… để triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”.
Thời điểm triển khai Dự án VNEN ra cả nước trong năm học 2012-2013 cũng là lúc Giáo sư Hồ Ngọc Đại và sách công nghệ giáo dục của ông quay trở lại sau một thời gian ông cho rằng chương trình này của mình bị Chương trình 2000 “bóp mũi cho chết”.
Không biết bằng cách nào và con đường nào, một Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam được thành lập vào tháng 9/2012.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trở thành Giám đốc trung tâm này sau khi rời chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ giáo dục năm 1999 để nghỉ hưu.
Và nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Nguyễn Kế Hào làm Phó giám đốc Trung tâm mới, để triển khai chương trình công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trở lại trường học.
Trong khi đó những ai quan tâm đến chính sách giáo dục đều biết rằng, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các tác giả Chương trình 2000 xung khắc với nhau như nước với lửa.
Thầy Đại vẫn xem Chương trình 2000 là “cày chìa vôi”, có làm bằng ti tan đi nữa, vẫn không thể sánh với “cày máy”, tức chương trình công nghệ giáo dục của thầy.
Hãy nghe xem thầy Đại nhận xét thế nào về các nhà viết sách Chương trình 2000:
“Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.
Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm.”
“Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.”
Dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Lê Tiến Thành, Phạm Ngọc Định), công nghệ giáo dục chính thức quay trở lại áp dụng đại trà trong trường học từ năm 2011.
Điều này được chính thầy Hồ Ngọc Đại nói trước báo giới.
Kết hợp với Dự án VNEN nên tốc độ phủ sóng trở lại của sách công nghệ giáo dục càng nhanh.
Sách VNEN chỉ làm từ lớp 2 trở đi, còn riêng sách lớp 1 dùng công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Từ đây miếng bánh sách giáo khoa được chia 3: sách giáo khoa 2000, sách công nghệ giáo dục và sách VNEN.
“Thế chân vạc” trên thị trường sách giáo khoa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, khi bộ máy vận hành VNEN vẫn tiếp tục.
Điều này có thể tìm thấy rất rõ trong Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên, phụ huynh học sinh sẽ tiếp tục thấy “chóng mặt” vì những thay đổi nhân danh “đổi mới”, đặc biệt là sách giáo khoa và “tài liệu hướng dẫn học”.
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ cách thức các thầy làm sách giáo khoa xây dựng hệ thống phân phối độc quyền, khép kín vào trường học và hiệu quả như thế nào.
(Theo Giao Duc)