Màn lừa của Út ‘trọc’ khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố
Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) đã cùng đồng phạm thực hiện màn lừa đảo hết sức tinh vi.
VKS Quân sự Trung ương vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân) và các bị can liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó TGĐ công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 2 người khác bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, lợi dụng sự chủ quan, kém hiểu biết về pháp luật của một số cán bộ thuộc Quân chủng Hải quân (QCHQ) và những sơ hở, buông lỏng trong quản lý đất đai, Út “trọc” và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất của QCHQ tại khu đất số 7-9, ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Cụ thể, năm 2005, Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu), là sinh viên năm thứ nhất đứng tên làm giám đốc, là người đại diện pháp luật để thành lập công ty Yên Khánh.
Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc đều theo chỉ đạo, điều hành của Hệ.
Út “trọc” còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn nhưng không có tiền góp vốn, để thành lập một số công ty.
Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập, nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới dự chỉ đạo và điều hành của Hệ.
Cáo trạng cho rằng, năm 2006, Hệ biết QCHQ có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế, bị can đã chỉ đạo Hoan ký tờ trình đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh.
Thời điểm đó, công ty Yên Khánh mới thành lập, vốn điều lệ chỉ là trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.
Nhưng Út “trọc” đã chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình để Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9.
Nội dung tờ trình phản ánh không đúng sự thật về năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và các dự án công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện liên doanh với đối tác.
Do không thẩm tra năng lực của công ty Yên Khánh, không biết thông tin công ty này đưa ra trong tờ trình là gian dối nên 5/2006, Vũ Khánh Nguyên, giám đốc công ty Hải Thành (đã chết năm 2015) và Hoan ký hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết, thực hiện dự án tại khu đất số 7-9.
Khu đất này chưa được chuyển đổi sang làm kinh tế nhưng các bị can Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính QCHQ) đã tham mưu cho cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh QCHQ Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga (giám đốc công ty Hải Thành thay ông Vũ Văn Khánh) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với công ty Yên Khánh tại khu đất số 7-9.
Hai bên ký hợp đồng liên doanh với nội dung thành lập công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án xây dựng và vận hành một cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9, thời hạn 49 năm.
Hợp đồng liên doanh này được ông Thiềm và Thảo ký đảm bảo dù thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Không nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bùi Văn Nga vẫn ký hợp đồng góp vốn với công ty Yên Khánh Hải Thành, xác định công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất số 7-9 là hơn 503 tỷ đồng.
Về phần mình, sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Út “trọc” chỉ đạo người khác lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 để bảo lãnh cho công ty Yên Khánh vay tiền của NH Thương Tín số tiền 52 tỷ đồng.
Số tiền dùng để mua 2 căn nhà ở quận 2, TP.HCM cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Như (vợ cả đã ly hôn) và con của Hệ ở; mua cổ phiếu. Số tiền vay này đã được công ty Yên Khánh giải chấp cuối năm 2013.
Sau khi giải chấp tài sản thế chấp là khu đất số 7-9 tại NH Thương Tín, Hệ tiếp tục chỉ đạo việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 để vay vốn của NH BIDV, chi nhánh Thành Đô cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ.
Ngân hàng và các công ty thống nhất xác định giá trị khu đất số 7-9 là hơn 717 tỷ đồng, các công ty vay tiền của ngân hàng thế chấp bằng giá trị khu đất.
Cáo trạng chỉ ra rằng, quá trình làm hồ sơ vay vốn NH, tháng 5/2015, công ty Yên Khánh đem hồ sơ thế chấp (trong đó có hợp đồng liên doanh đã ký với công ty Hải Thành ngày 4/9/2006) đến văn phòng công chứng tại quận 3, TP.HCM để công chứng.
Hợp đồng này bị sửa nội dung từ việc công ty Yên Khánh Hải Thành không được thế chấp quyền sử dụng (QSD) đất số 7-9 thành công ty Yên Khánh Hải Thành có quyền thế chấp QSD đất, đồng thời được phép phát mại chuyển nhượng QSD đất không cần điều kiện 49 năm…
Bằng các thủ đoạn gian dối trên, Út “trọc” và đồng phạm đã chiếm đoạt quyền sử dụng đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM của QCHQ, có giá trị tại thời điểm tháng 2/2020 là hơn 525 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Đinh Ngọc Hệ không khai nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng cáo buộc cho rằng, các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra đã đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Hệ.
Vietnamnet