Lòng yêu nước bị lợi dụng, lỗi nào phải từ dân!

Sau vụ việc tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự tại Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh,… rất nhiều các cuộc họp đã được tổ chức và đi đến kết luận: Có kẻ xấu lợi dụng, kích động người dân nhằm mục đích xấu. Trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định lại sự việc bằng câu nói thế này “Đừng để lòng yêu nước của nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng!”…

Đúng, lòng yêu nước đã bị lợi dụng, một số lượng không nhỏ người dân bị kích động đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả xảy ra là an ninh, trật tự bị xâm hại, cơ sở vật chất bị tàn phá, môi trường an ninh không ổn định,… Ngay đến cả chính miếng cơm, manh áo và việc làm của những người biểu tình cũng đã bị mất đi.

Thế nhưng, trong câu chuyện mà lòng yêu nước bị lợi dụng, lỗi có thuộc về người dân đi biểu tình, hay lỗi có phải chỉ thuộc về những đối tượng kích động gây rối nào đó hay không?

Là do “đói”, do “dốt”!

Đi từ những căn cứ mà cơ quan điều tra đã cung cấp, hầu hết những người đi tụ tập gây rối đều khai nhận có đối tượng lôi kéo họ, hứa cho họ tiền để họ đi tuần hành, thậm chí quá khích và đập phá.

Đầu tiên, phải kể đến do “đói” trước. Nhiều người trong đó không có việc làm, nhiều người trong đó phải lao động vất vả hằng ngày. Thế nên, khi được hứa cho những khoản tiền đến vài trăm nghìn, họ đã sẵn sàng làm theo lời của những đối tượng lôi kéo. Trước nay họ quá thiếu thốn vật chất để sống qua ngày. Họ quá khổ mà…

Tiếp đến, phải nói là “do dốt”, đây phải được xem là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp. Nhiều người hòa vào đám đông đi phản đối Luật đặc khu nhưng bản thân họ chưa biết là dự án luật này đã được bấm nút dừng không thông qua ngay trước đó. Nhiều người còn chưa đọc hết được cái dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có bao nhiêu điều, khoản, quy định về những cái gì,…

Ở đây, cái nạn đói xảy ra thì cũng phải xem chính quyền địa phương đã làm tốt các chính sách kinh tế – xã hội ở địa phương mình hay chưa. Đã thực sự có những việc làm quan tâm đến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho họ có một cuộc sống có thể chấp nhận được hay chưa?

Nạn “dốt” xảy ra là do đâu? Xin thưa cũng là một phần do chính quyền địa phương đã thực sự yếu kém, họ đã xa rời người dân. Thử nghĩ mà xem, những đối tượng kích động biểu tình là những kẻ ở nơi xa lạ đến, thậm chí nhiều lãnh đạo ta còn khẳng định “có yếu tố nước ngoài”. Tức, những kẻ kích động này chỉ cần mang tiền đến là lôi kéo được người dân? Câu trả lời là không, một số địa phương, cán bộ xa rời người dân, không quan tâm sát sao đến đời sống của người dân, từ đó mà chẳng hiểu người dân suy nghĩ gì, tâm tư gì, nên cũng chẳng biết làm gì cho người dân. Thế là, khi mà cán bộ xa rời nhân dân thì họ dễ dàng nghe theo một sự kích động, xúi giục nào đó.

Nếu trên thực tế, mỗi cán bộ sát sao với người dân hơn, thực sự chiếm được cảm tình của người dân thì tôi dám chắc một điều, không kẻ nào có thể lợi dụng, lôi kéo người dân được.

Nếu muốn nhìn điều này rõ hơn, hãy so sánh với thời kỳ cách mạng trước đây. Trong làng, trong xóm chỉ cần xảy ra một sự thay đổi nhỏ, chỉ cần phát hiện có dấu vết lạ của người nơi khác đến là người dân sẽ báo cho chính quyền địa phương biết. Thế nên, trong kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, nhiều vụ tình báo gián điệp của nước ngoài nhanh chóng bị thất bại. Đơn giản thôi, người dân có hàng trăm, hàng nghìn đôi mắt, giám sát xung quanh chẳng bao giờ là khó khăn. Còn ngày nay? Khi những địa bàn nào đó xảy ra biểu tình gây rối, đập phá,… cũng có xuất hiện của những “kẻ lạ mặt” để kích động đấy. Nhưng buồn một nỗi, do người dân khác, hay do cán bộ thay đổi mà chẳng ai báo cho cơ quan chức năng có phương án giải quyết?

Có thể nói, cán bộ xa dân nên muốn giải quyết thì phải làm sao cho cán bộ gần dân. Chắc chắn, câu chuyện về tổ chức đội ngũ cán bộ cơ sở lại một lần nữa phải nhắc đến. Không phải địa phương nào cũng xảy ra kích động, gây rối vì không phải địa phương nào cũng có hoàn cảnh, trường hợp giống nhau.

Phải xem xét xem có nơi nào mà cán bộ không quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để từ đó, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, đào tạo lại đội ngũ cán bộ.

Cách giải quyết nó xuất phát từ chính những thứ mà chúng ta nói hằng ngày, về một bộ máy hành chính “của dân, do dân, vì dân”. Khi quyền lợi của người dân được bảo đảm tốt nhất, tình cảm của cán bộ, người dân là sự gắn bó chứ không phải trên hai phương diện đối lập. Khi ấy, tự khắc chúng ta sẽ có lòng tin, tình cảm của người dân.

Những điều nói trên mới là thứ quan trọng nhất cần phải làm ngay lúc này. Nó quan trọng hơn việc đổ lỗi cho kẻ kích động, đổ lỗi cho người dân thiếu hiểu biết,…

(Theo Bút danh)