Khuất tất trong vụ đấu giá 7 triệu tấn quặng giá hơn 1.600 tỷ đồng của một công ty liên danh với Trung Quốc?

Những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật trong vụ đấu giá hơn 7 triệu tấn quặng của VTM đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Vụ đấu giá nghìn tỷ giữa cao điểm dịch Covid

Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), có địa chỉ tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được thành lập năm 2006, là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc (KISC).

Mục tiêu của việc liên kết là để khai thác mỏ sắt Quý Xa, một trong những mỏ sắt lớn bậc nhất Việt Nam. Năm 2007, VTM được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp giấy phép khai thác 34,5 triệu tấn quặng sắt, công suất khai thác tối đa 3 triệu tấn/năm, thời gian khai thác đến hết năm 2020.

Tuy nhiên suốt một thời gian dài, do gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ cả quặng sắt và phôi thép, công suất khai thác thấp hơn công suất được cấp phép cùng hàng loạt vấn đề, dự án liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng và trở thành một trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương.

Với kỳ vọng giải cứu dự án, tháng 2/2020, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã điều động ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty lên Lào Cai giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Luyện kim Việt Trung. Chỉ một tháng ngồi vào ghế Tổng Giám đốc VTM, lấy lý do khó khăn của công ty, ông Dũng đã quyết tâm thực hiện thương vụ bán gần 7 triệu tấn quặng với hàng loạt dấu hiệu mập mờ.

Cụ thể, ngày 20/3/2020, Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng đã ký tờ trình số 163/TTr-VTM gửi Hội đồng thành viên VTM, trong đó nêu những khó khăn hiện tại của Công ty TNHH Khoáng sản Luyện kim Việt Trung như: Nối tiếp kỳ nghỉ tết kéo dài, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu nguồn vật tư, nhiên nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được…

Nợ ngân sách đến hết năm 2019 vẫn còn hơn 946 tỷ đồng tiền thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác, tiêu thụ quặng mỏ sắt Quý Xa. Năm 2020 này cũng là thời điểm hết hạn giấy phép hoạt động, trước khi nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép hoạt động khoáng sản, VTM dự kiến phải nộp lũy kế phát sinh là 1.479 tỷ đồng trước 30/6/2020, nhà máy phải đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất Nhà máy Gang thép Lào Cai…

Từ những nguyên nhân trên, Tổng Giám đốc VTM kiến nghị Hội đồng thành viên VTM được bán toàn bộ khối lượng quặng deluvi thương mại đối với toàn bộ khối lượng quặng deluvi đã khai thác với mục tiêu thu tiền trang trải nợ nần và chi phí hoạt động.

Tổng Giám đốc VTM Nguyễn Tiến Dũng cũng là người ký văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai ngày 28/2/2020 đề nghị UBND tỉnh Lào Cai hướng dẫn các thủ tục liên quan để VTM bán toàn bộ lượng quặng deluvi đã khai thác (khoảng 5 triệu tấn). Cộng với số lượng quặng limonit khoảng 2 triệu tấn, VTM quyết tâm bán toàn bộ để lấy tiền.

Tuy nhiên, ngay sau đó VTM đã ký hợp đồng với Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia (có địa chỉ đăng ký tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để bán toàn bộ số quặng tồn đọng. Chỉ trong vòng ngày 21/4/2020, thời điểm cao điểm cả xã hội chống dịch Covid-19, toàn bộ gần 7 triệu tấn quặng của VTM đã được đấu giá thành công với mức trúng đấu giá tổng cộng hơn 1.600 tỷ đồng.

Căn cứ vào những văn bản do ông Nguyễn Vũ Hải, Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia gửi VTM, công này đã tổ chức đấu giá lô quặng deluvi nguyên khai với số lượng hơn 4,9 triệu tấn, đơn giá khởi điểm là 117.500 đồng/tấn, tổng thành tiền gần 584 tỷ đồng.

Tại phiên đấu giá ngày 21/4, người tham gia trả giá cao nhất, hợp lệ và trúng đấu giá là Công ty TNHH Tiến Đại Phát (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) do ông Ngô Tiến Cương đại diện pháp luật. Mức giá trúng toàn bộ lô quặng trên là hơn 653 tỷ đồng.

Còn lại 2 lô quặng Limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn cũng được đấu giá thành công ngay trong ngày 21/4 với cùng đơn giá 546.000 đồng/tấn. Đơn vị trúng là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) do ông Nguyễn Văn Bình đại diện pháp luật trúng 800.000 tấn với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) trúng 1 triệu tấn với giá 546 tỷ đồng.

Tổng cộng, phiên đấu giá gần 7 triệu tấn quặng giữa thời điểm dịch Covid -19 đang căng thẳng đã thành công với mức trúng cao nhất có thể đem về cho VTM xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu giá này có những vấn đề chưa rõ ràng, có thể gây thất thoát tài sản Nhà nước, hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra làm rõ.

Tổng Giám đốc VTM thừa nhận phiên đấu giá nghìn tỷ có vấn đề

Nói về cuộc đấu giá nghìn tỷ có những dấu hiệu mờ ám, tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc VTM thừa nhận, toàn bộ cuộc đấu giá đã diễn ra, tuy nhiên mới chỉ đến giai đoạn Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia tổ chức xong, còn Hội đồng thành viên VTM chưa phê duyệt kết quả của phiên đấu giá này?

Khi nhóm PV đề nghị cung cấp kết quả đấu giá, ông Dũng nói, có thể họ (Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia) chuyển đường văn thư bưu điện nên chưa đến nơi? Mãi một lúc sau Tổng Giám đốc VTM mới thừa nhận đã có kết quả, nhưng, theo lời ông Dũng, Hội đồng thành viên VTM đã họp và quyết định hủy kết quả cuộc đấu giá nghìn tỷ nói trên.

“Đây là lần đầu tiên Việt Trung tổ chức đấu giá nên không có kinh nghiệm, mặt khác do tổ chức vào đợt dịch nên không có thời gian quan tâm, chỉ đến khi xuất hiện các tình tiết liên quan về mặt pháp lý mới quyết định hủy… Hội đồng thành viên thống nhất sẽ thực hiện lại để đảm bảo tính công khai minh bạch…”, ông Dũng nói.

Giải thích việc quyết tâm bán 7 triệu tấn quặng, ông Dũng cho rằng thời điểm ông nhậm chức Tổng Giám đốc thì VTM hết sức khó khăn nên bắt buộc phải bán: “1.600 người lao động, mỗi ngày mở mắt ra mất khoảng 1 tỷ tiền lương, 1 tỷ tiền ngân hàng, 1 tỷ tiền điện này nọ. Nhà máy sản xuất lại đặc thù lò cao, yêu cầu hoạt động 24/24 nên nếu ngừng thì toang luôn. Nên giải pháp duy nhất là bán quặng”.

Không hiểu có phải áp lực đấy là lý do hay không, chỉ biết là VTM đã thực hiện hợp đồng đấu giá ngay cả khi Bộ Tài nguyên – Môi trường và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có những văn bản phân tích rõ tình hình thực tế việc khai thác và kinh doanh quặng sắt ở doanh nghiệp này.

Cụ thể, trước phiên đấu giá nghìn tỷ 14 ngày, vào ngày 7/4/2020, Bộ Tài nguyên – Môi trường có văn bản gửi Thủ tướng nêu rõ: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke. Như vậy việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt…

Trước đó nữa, vào ngày 27/3/2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gửi văn bản VTM yêu cầu: Trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Vì sao VTM quyết tâm thực hiện vụ đấu giá hàng nghìn tỷ đồng khi chưa đầy đủ các ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý, thiết nghĩ cơ quan chức năng liên quan cần sớm làm sáng tỏ vấn đề này.

Nông Nghiệp