Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin đồn về sức khỏe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Chiều nay, trên mạng xã hội Facebook và internet xuất hiện thông tin tiêu cực về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được cung cấp bởi Facebook Lê Nguyễn Hương Trà. Thông tin trên mau chóng được loan tải mạnh trên mạng xã hội kèm theo đó là những bình luận, suy diễn đầy ác ý, làm hoang mang dư luận.
Việc lợi dụng sự quan tâm của người dân về sức khỏe của lãnh đạo để bịa ra những chuyện kinh thiên động địa, rồi phe phái đấu đá dường như đã trở thành chiêu thức quen thuộc của nhiều đối tượng hòng gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong quần chúng. Vậy nên thông tin mà Hương Trà tung ra rất có thể cũng thuộc mô típ trên. Do đó, chúng ta cần phải hết sức đề cao tinh thần cảnh giác, thông tin cảnh báo ngay cho bạn bè, người thân không nghe, không tin, không bàn luận, không chia sẻ theo những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội; tránh tiếp tay cho những mưu đồ đen tối.
Mặt khác, những hành vi bịa đặt như trên đã xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của cá nhân người khác mà trực tiếp ở đây là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước; đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Đạo đức xã hội luôn lên án những lời nói xấu, nói dối, nói sai sự thật. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng hay Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện” đều có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân theo và các chế tài xử lý. Cụ thể như:
Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền tự do nhân thân của công dân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Điều này được quy định tại Điều 20, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 và Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hay tại khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện” có quy định Phạt tiền đối với một trong các hành vi như vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Hoặc Điều 156, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 quy định phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù.
Hiện nay, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2017) gồm:
Nhóm 1: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhóm 2: Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Nhóm 3: Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống.
Nhóm 4: Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Nhóm 5: Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Thiết nghĩ với những hành vi như trên cần phải được xử lý nghiêm minh, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm đảm bảo cho không gian mạng được lành mạnh, không gây mất uy tín cho các cá nhân có liên quan và cả Nhà nước. Đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người dân hoàn toàn có thể bày tỏ tự do chính kiến, quan điểm của cá nhân nhưng không được lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác.
(Theo Ngọn Cờ)