Không thể để “dân chết vì đói, lãnh thổ bị càn quét”, Việt Nam cần lập tức tìm phương pháp chống dịch mới?
Việt Nam chỉ mới có gần 200 ca nhiễm thì hàng loạt quán xá, dịch vụ, kinh doanh, học tập đều bất động, trong khi ở Thụy Điển với hơn 3.000 ca nhiễm, gần 100 người chết thì mọi hoạt động đều diễn ra bình thường. Có thể thấy cách phòng chống dịch của Việt Nam rất quyết liệt và hiệu quả. Nhưng cách này chỉ phù hợp trong một thời gian ngắn là khoảng 3 đến 4 tháng. Còn nếu dịch kéo dài hàng năm thì cách của chúng ta sẽ không phù hợp nữa. Bởi vì hệ lụy của nó sẽ rất khôn lường: hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người sẽ đói vì không có thu nhập!
Đại khủng hoảng kinh tế đối với Việt Nam không còn là dự báo. Những hậu quả nghiêm trọng, những tác động khủng khiếp từ đại dịch đã chính thức bắt đầu: EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may VN; Doanh nghiệp gỗ, thủy sản “chới với” khi đối tác Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật,… liên tục giãn đơn hàng; Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ hết nguyên liệu sản xuất từ giữa tháng 3; Hạn mặn khốc liệt ở miền Tây: 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp; Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm điểm ở cả 3 chỉ số chính dù thị trường đang có nhiều thông tin hỗ trợ;…
Trong cơn khủng hoảng vì đại dịch hàng loạt ngành nghề sẽ bất động không chỉ là dệt may mà còn kép theo các ngành như điện tử, du lịch, hàng không, giao thông,.. đều liên lụy. Tất cả đều là những ngành cần số lượng lớn lao động. Riêng dệt may, số lao động trong ngành này đã vào khoảng 3 triệu người. Thử tưởng tượng chừng ấy người lao động bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút, thậm chí sản xuất đình đốn, nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc làm… thì đời sống xã hội sẽ xáo trộn đến mức nào?
Mới năm ngoái thôi, tổng doanh thu mà ngành du lịch mang về lên tới 31 tỷ USD. Còn năm nay thế nào? Chắc chắn là một màu xám xịt. Màu xám này bao phủ hầu như khá lớn cả những doanh nghiệp lớn lẫn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng chứng là hàng loạt hàng quán đóng cửa, phố xá không một ai. Số tiền đã tích lũy được trong thời gian qua liệu có đủ để một người cha chèo lái cả gia đình hàng chục miệng vượt qua cơn dịch bệnh?
Việt Nam dường như đang dồn hết tâm và lực vào cuộc chiến chống Covid, còn thế giới thế nào? Trung Quốc vẫn tập trận, vẫn lấn chiếm ở biển Đông. Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn hằm hè với Nga. Nga vẫn tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự. Mỹ vẫn chủ trương kiềm chế Nga, sẵn sàng các biện pháp trừng phạt… Những hoạt động này đang diễn ra nhưng có vẻ bị chìm đi vì giới truyền thông không chú ý đưa tin nhiều, chúng ta bị con Covid19 xoay như chong chóng.
Trung Quốc dù là quốc gia từng có số nạn nhân nhiễm Covid19 lớn nhất thế giới, họ cũng quay cuồng chống dịch, nhưng họ vẫn không quên tham vọng bành chướng, thậm chí họ còn lợi dụng lúc dịch bệnh để tăng cường thúc đẩy âm mưu “thuộc địa hóa Biển Đông” mạnh mẽ hơn nữa. Kẻ thù thì mưu mô, xảo quyệt, chúng ta không thể nào lơ là mà không cảnh giác.
Một điều không thể phủ nhận là dường như toàn quân đang dốc sức cho cuộc chiến chống dịch, hàng nghìn, chục nghìn chiến sĩ được điều động để tăng cường túc trực, đảm bảo cho việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân cách ly. Liệu đây có phải là điểm yếu sẽ bị Trung Quốc nhòm ngó để “bẻ gãy”? Các chiến sĩ bận lo cho dân, vậy ai sẽ là người sẵn sàng cầm súng nếu TQ bất ngờ tấn công lúc ta đang mải chống dịch?
CDC – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ – cho rằng, phải 12-18 tháng nữa mới có thể khống chế được dịch bệnh. Như vậy có nghĩa là, những tổn hại do đại dịch gây ra sẽ còn kéo dài, chứ không phải vài ba tuần như cách nhiều người vẫn lạc quan và hi vọng. Và mối đe dọa từ kẻ cướp thì vẫn luôn chừng chực và không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Chúng ta quyết tâm chống dịch là đúng nhưng đừng quên là một bộ phận dân số đã không có thu nhập trong 2 tháng nay rồi. Đây là những gia đình nghèo, hoặc cận nghèo; bình thường họ có thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc không có tích lũy. Vậy mà bây giờ lại không có thu nhập thì sống bằng cái gì? Dân miền Tây thì đang chết khô, chết hạn vì TQ không chịu xả đập, Biển Đông thì cứ nóng từng ngày, làm sao để có thể vừa chống dịch, vừa chống giặc vừa chống đói cho dân. Đây có lẽ là một bài toán hóc búa với 3 ẩn số đang chờ những người quản trị quốc gia giải đáp, để làm sao cho dân một niềm tin rằng, họ đang tìm đường, sẽ có một con đường và rồi mọi thứ sẽ ổn.
Đăng Quang