Khi người dân vẫn tức tưởi vì mất đất thì nhà hát Thủ Thiêm mọc lên, sự vô cảm khốn cùng
Thủ Thiêm, mảnh đất “sóng gió” xuyên hai thế kỷ. Thủ Thiêm nổi tiếng bởi 20 năm người dân kiện tụng và may mắn một lần dậy sóng trên dư luận hồi giữa năm nay. Tưởng rằng những chuyện mất bản đồ, thu hồi đất sai… bị phanh phui đã ngăn được những dòng nước mắt người mất đất Thủ Thiêm. Nhưng không phải thế, nước mắt người Thủ Thiêm vẫn chảy…
Một lần nữa hai từ Thủ Thiêm lại xôn xao trên mạng khi được gắn thêm hai từ “Nhà Hát”.
Chiều nay, báo chí đưa tin thành phố HCM thông qua xây dựng Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm trị gái 1.508 tỉ đồng qui mô 1.700 ghế ngồi coi hát, từ ngân sách TPHCM – nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Báo chí trích lời ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP “Rõ ràng, TP.HCM đang thiếu nhà hát ở tất cả các cấp từ quận/huyện đến TP. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa cho người dân, trong đó có các thiết chế văn hóa và con người làm văn hóa”
Nhà hát hay trung tâm văn hóa là các nơi để biểu diễn văn nghệ. Hiện nay ở Hà Nội hay TP HCM hay những nơi khác có rất nhiều, có xuống tới cấp huyện cấp xã và chủ yếu để… cho thuê đám cưới, đám tiệc, nhà giữ xe…
Một sự lãng phí tàn bạo!
Ai đọc báo cũng từng biết câu chuyện “người bó chiếu”. Vì không có đồng tiền nào đến nỗi người thân lìa đời phải bó chiếu chở xe gắn máy về quê. Người thân chết ai không muốn có vài triệu chỉ để mua quan tài, thuê xe đưa về. Nhưng quá bi đát người ta mới nhỏ lệ đắng lòng cột thi thể bó trong chiếu lên xe gắn máy chạy về quê nhà!
Và nhưng, có bao nhiêu phận đời đang gần với câu chuyện người bó chiếu!?
Rồi nhiều lần dư luận lên tiếng về các em nhỏ phải đu dây qua sông, phải bị cha mẹ bỏ vào bao nilon để qua sông đi học… vì không có cầu để đi.
Nếu có con đường để đi, cha mẹ nào có thể chập chờn mạng sống con mình như thế!?
Nhà làm chính sách suy nghĩ từ đâu? Từ một nhà nước “Của dân, do dân và vì dân” như ghi trong Hiến pháp ư?
Không thể suy nghĩ theo lối “nhìn tượng đài để đỡ đói”, lối suy nghĩ trong chương trình tấu hài. Mà nếu thực sự điều hành quản trị xã hội thì cần suy nghĩ từ đời sống mưu cầu hạnh phúc của người dân.Trung ương cần xem lại chính sách xây dựng nhà hát để không tạo ra một “phong trào nơi nơi làm nhà hát”.
Người dân chờ đợi lúc này ở những lãnh đạo cao hơn thành phố.
(Theo Tran Dinh Dung)