Hy vọng với môi trường mới tư duy mở, em sẽ “sáng mắt sáng lòng” chứ đừng đòi nhuộm đỏ cả nước Úc!

“Đường lên đỉnh Olympia” là một chương trình đố vui kiến thức dành cho học sinh trung học ban đầu do LG Electronics VN tài trợ nên còn có phiên bản quốc tế gọi là LG Digital Quiz. Các quán quân được tài trợ 35.000 USD học bổng (đến nay 19 người) được trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Melbourne, Australia) bổ sung thêm chi phí và tiếp nhận đào tạo, học xong đa phần xin việc làm và chọn ở lại định cư ở Australia nên chương trình này còn bị gán cho cái tên “khó nghe” là “Đường lên đỉnh Australia” hay “Tìm kiếm tài năng cho nước Úc”.

“Đường lên đỉnh Olympia” được đánh giá là khá thành công ở VN, phát sóng đến nay gần 20 năm. Nguyên nhân chính được cho là do nó phù hợp với cách dạy/học của giáo dục Việt Nam, vốn thiên về học thuộc kiến thức và sử dụng kỹ năng suy đoán logic. Cách dạy này cho ra những học sinh chăm chỉ và “luôn đúng quy trình” và rất ít sáng tạo.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mình tham gia dạy cho 1 số trường nước ngoài như Sunderland (Anh), Curtin (Australia) và LTS (Mỹ), cũng như trong nước là FSB thuộc ĐH FPT, thì cách học kiểu thuộc, nhớ thông tin và có đáp án cụ thể dạng này bây giờ không còn là cốt lõi ưu tiên trong chương trình dạy của các nước phát triển nữa. Phần lớn thời gian các em học sinh học sẽ được dạy theo kiểu tư quy “project” (dự án) và “case study” (tình huống). Người ta tổ chức khá nhiều show kiểu “Competition” (Sáng tạo) hay “Debate” (Hùng biện), nơi đó không có đáp án đóng, với tư duy phản biện và đề xuất giải pháp được chú trọng nhiều nhất. Người ta yêu cầu học sinh phải rèn luyện các kỹ năng của con người của thế kỷ 21, nhằm đối phó với khả năng machine learning (học máy) của AI-Artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo) vốn đang/sẽ là đối thủ của con người trong tương lai gần.

Nói thế để thấy rằng chúng ta (khán giả, cha mẹ, tổ chức, trường, đoàn thể xã hôi…) không nên kỳ vọng và ca tụng tâng bốc quá nhiều vào các thí sinh dự thi và cá nhân đoạt giải của chương trình. Đúng là các em thông minh và ham học, nhưng để thành công thì không chỉ có vậy, nhất là ở môi trường nước ngoài. Thực tế những quán quân của chương trình đến nay cũng mới thuộc diện “có công việc tốt, ổn định và được đánh giá tốt ở nơi họ làm việc”, chưa thấy “khả năng cống hiến cho nhân loại” như lời một bài báo phỏng vấn bạn Trần Thế Trung (Nghệ An) quán quân mùa vừa qua.

Do kỳ vọng quá lớn đó, cộng với hiệu ứng của truyền thông, nên một số em “tài năng” (quán quân) bị áp lực, lại còn quá trẻ, nên có những ứng xử phát ngôn chưa khéo lắm, điển hình là trường hợp của bạn Trung nêu trên. Tôi mạnh dạn khuyên em vài điều:

1. “Phản động” là một từ nhạy cảm, có người thích được gọi có người không, phụ thuộc ai định nghĩa nó. Em sẽ đi học ở Australia, một nước không giống Việt Nam vì họ theo chủ nghĩa tự do, nhưng không nên gọi họ như vậy nhé. Nhất là khi em gọi đích danh công dân của nước họ như vậy thì rầy rà lắm đấy.

2. Em là quán quân của một chương trình đố vui Quiz Show, nhưng như đã phân tích, đó mới là điều kiện “cần”. Để hội nhập được với môi trường sống và học tập ở Australia, để làm việc đồng đội (teamwork), đạt thành tích trong sáng tạo (competition) và nhất là chứng minh được chân lý trong tranh luận hùng biện (debate), nếu chỉ dùng “nắng hạ” và “trái tim chia 3 phần tươi đỏ” như em hay dùng ở nhà thì không đủ. Sẽ cần một trái tim biết lắng nghe và một tâm hồn rộng mở hơn nhiều..

3. Các giáo sư sẽ dạy em nhiều người khá luống tuổi, khá giỏi. Họ rất ân cần và nhiệt tình, nhưng đừng bao giờ yêu cầu họ phải “kiên định đường lối chính trị” nhe em. Tội nghiệp những trái tim hiền lành của họ chỉ biết làm việc chăm chỉ như một công dân tốt, cùng với cộng đồng bảo vệ môi trường sống (họ không biết cách “giết” ứng dụng AirVisual như “thầy” Ngọc vừa làm để “không thấy tức không có” cái ô nhiễm bụi mịn kia). Cái họ ‘kiên định” nhất là Melbourne phải giữ được vị trí top 20 thành phố đáng sống nhất thề giới, mà họ giữ được lâu nay rồi. Và quan trọng là không thàng khốn nào xâm phạm vào cương thổ của nước Úc của họ.

4. Cuối cùng, tôi chúc em thành công, học thành tài và trở thành niềm tự hào (trước tiên là của cha mẹ, gia đình) rồi đến cái mà em theo đuổi (chưa nên khẳng định bây giờ). Em có thể gọi tôi bằng ông, bằng bác hoặc chú. Nhưng đừng dùng chữ “đồng chí” nhé

(Fb Hà Anh Tuấn)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, không phải của BBT!