“Họa vô đơn chí”: Lại một dịch bệnh nguy hiểm nữa đe dọa Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở ngựa đến 95%
Ngoài dịch viêm phổi Vũ Hán thì dịch tả lợn Châu Phi, dịch hạch, bệnh brucella (bệnh lây truyền giữa động vật và người do vi khuẩn brucella gây ra), cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao… đang theo nhau kéo tới Trung Quốc. ‘Họa vô đơn chí’, giờ đây lại có thêm dịch bệnh ngựa Châu Phi, như một đòn nguy hiểm chí mạng đang đe dọa nền kinh tế nước này. Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ tử vong của loài ngựa khi nhiễm dịch bệnh này có thể lên tới 95%
Ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Trung tâm phòng chống dịch bệnh động vật và Hiệp hội Công nghiệp Ngựa của Trung Quốc đã ra thông báo về phòng chống dịch ngựa Châu Phi, yêu cầu các địa phương phải cảnh giác cao trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh này, quan sát kỹ xu hướng tình hình dịch bệnh bên ngoài.
Theo thông báo, Quảng Tây, Vân Nam và các sở nông nghiệp và nông thôn khác cần thu thập ngẫu nhiên 5 mẫu máu ngựa từ 4 thị trường đang hoạt động ở các quận biên giới; mỗi sở chăn nuôi và thú y tỉnh thu thập 5 mẫu máu ngựa có các triệu chứng dịch ngựa Châu Phi.
Đồng thời, thông báo cũng mời Hiệp hội Công nghiệp Ngựa Trung Quốc tiến hành lấy mẫu và kiểm tra kết hợp khi các thành viên đăng ký ngựa của mình và các công tác khác, các mẫu sẽ được đánh số sê-ri và ghi hồ sơ chi tiết, gửi đến Trung tâm Dịch tễ Động vật Trung Quốc để xét nghiệm và phân tích.
Thông báo cho biết đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở ngựa do virus ngựa châu Phi gây ra, có thể lây truyền qua vết cắn từ côn trùng hút máu. Các triệu chứng của nó là sốt, phù dưới da và nhiễm virus trong máu (viremia). Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 95%.
Thông báo yêu cầu giám sát khẩn cấp, phát triển vaccine liên quan đến bệnh dịch ngựa châu Phi. Một khi phát hiện ngựa có các triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch ngựa châu Phi, hoặc tình huống lượng lớn bệnh và chết, cần lập tức cách ly những con ngựa phát bệnh và lưu ngựa đã chết trong kho kín. Đồng thời cần lấy mẫu đưa đi kiểm tra, lập báo cáo về các ổ dịch nghi ngờ theo yêu cầu, thực hiện diệt côn trùng lây dẫn bệnh và các công việc khác.
Theo Caixin, các chuyên gia đại lục đã phân tích rằng Trung Quốc đã phát hiện ra côn trùng lây truyền dịch ngựa châu Phi ở nước này. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc là rất cao. Ngựa ở Trung Quốc rất dễ mắc bệnh và các nhân viên nông nghiệp không có kiến thức về căn bệnh này. Được biết nếu dịch này vào Trung Quốc, rủi ro lây nhiễm rất cao, hậu quả và tổn thất sẽ rất nghiêm trọng.
Trên thực tế, ngay từ tháng 5 năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành “Thông báo cảnh báo về việc phòng ngừa ngăn chặn bệnh dịch ngựa châu Phi lây truyền”. Vào giữa tháng 3, “bệnh dịch ngựa châu Phi” đã truyền từ châu Phi sang Thái Lan.
Theo truyền thông Thái Lan, “bệnh dịch ngựa châu Phi” xuất hiện lần đầu tiên tại Thái Lan vào ngày 25/3, vì đây là trường hợp đầu tiên ở nước này và là virus gây bệnh từ động vật, nên hiện tại không có vaccine khống chế và chữa trị. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh rằng virus tìm thấy trên ngựa không phải là bệnh lây nhiễm giữa người và động vật, cũng không hoành hành trên toàn thế giới như virus Corona Vũ Hán.
Bệnh dịch ngựa châu Phi này là một loại virus sinh ra ở ngựa, lừa, la và ngựa vằn. Trước đây nó chưa từng xuất hiện ở Thái Lan, nhưng đã xuất hiện ở Morocco, Ấn Độ và những nơi khác, lây truyền thông qua côn trùng hút máu, như muỗi, chấy, bọ chét…
Cư dân mạng đã liên tục đặt nghi vấn: “Phiên bản ngựa của virus Corona Vũ Hán?”, “Không mau tìm Tổ chức Y tế Thế giới để đổi tên?”
Đến nay, virus Corona Vũ Hán đã lây truyền trên khắp toàn cầu gần bốn tháng. Ngoài dịch ngựa châu Phi, một loạt các dịch bệnh khác bao gồm dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch hạch, brucella, cúm gia cầm có khả năng nhiễm bệnh cao đang tập trung bùng phát ở Trung Quốc Đại lục. Điều này khiến những người dân đang phải vật lộn với virus Corona Vũ Hán lại càng rơi vào cảnh ‘họa vô đơn chí’.