Hãy tránh xa phần mềm Trung Quốc!

Chiều ngày 24/05, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng khẳng định đã xử lý dứt điểm một công ty đặt thiết bị thanh toán WeChat Pay Trung Quốc chưa đúng quy định. Nhiều người không biết tưởng đây là trường hợp duy nhất, nhưng không, phần mềm WeChat Pay đã và đang phát triển rộng khắp tại Việt Nam.

Cơ sở bán hàng sử dụng dịch vụ WeChat Pay của Trung Quốc trái phép

Nói về thiết bị thanh toán WeChat Pay của Trung Quốc, dịch vụ này được phép triển khai tại Việt Nam nhưng với các điều kiện là phải có đăng ký kinh doanh và giao dịch bằng tiền Việt. Từ ngày 01/01/2018, với sự hợp tác của Công ty cổ phần Công nghệ Vi Mô (ví điện tử VIMO) và Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), khách hàng có thể sử dụng hợp pháp ví điện tử WeChat Pay của Trung Quốc thanh toán bằng tiền Việt Nam tại các gian hàng của Sasco tại sân bay Tân Sơn Nhất thông qua hình thức quét mã vạch ma trận QR Code trên điện thoại di động. Đến nay thì đây là nơi duy nhất đã đăng ký dịch vụ này hợp pháp tại Việt Nam.

Tại cửa hàng ở sân bay Liên Khương, các vi phạm được chỉ ra là chưa có đăng ký kinh doanh và biển quảng cáo chứa toàn chữ Trung Quốc. Hoàn toàn có thể đặt ra nghi ngờ họ sử dụng phần mềm thanh toán điện tử này để trốn thuế, giúp khách Trung Quốc thanh toán bằng tiền Trung Quốc, tiền giao dịch gửi thẳng về tài khoản tại Trung Quốc. Hành vi này được coi là tương đương với vụ việc thanh toán qua POS của Trung Quốc tại một số cửa hàng tại tỉnh Quảng Ninh mấy tháng trước.

Thôi thì bây giờ cơ sở vi phạm đã bị buộc dừng hành vi kinh doanh trái phép, phải ngừng cấp dịch vụ thanh toán điện tử không được cho kinh doanh. Nhưng, như vậy đã hết được câu chuyện hay chưa?

Muôn thuở câu chuyện Trung Quốc

Nào mình cùng ôn lại lịch sử một chút! Những ngày hè này của năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển của Việt Nam. Từ đó, họ cứ ngày một ngày hai thực hiện các biện pháp quân sự hóa vấn đề biển Đông. Mấy ngày này thôi, Trung Quốc đang liên tục triển khai hệ thống tên lửa cũng như xây căn cứ quân sự trên các đảo ở biển Đông.

Ô, người dân Việt Nam sục sôi, căm tức lắm chứ. Nhiều người còn “hò dô” phải đánh bằng được Trung Quốc chứ sao có thể để yên. Bộ Ngoại giao Việt Nam thì liên tục phải xuất hiện trên các diễn đàn để phản đối hành động của Trung Quốc.

Đấy, trên mặt trận ở ngoài biển thì hầu như ai ai cũng quan tâm nhiều lắm. Tiếc rằng, quá quan tâm ngoài biển mà hình như chúng ta đang bỏ quên những điều xảy ra ngay trên chính đất liền. Nào là hướng dẫn viên Trung Quốc sang Việt Nam thuyết minh xuyên tạc, nào là khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò, nào là lịch Trung Quốc in bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,… nhiều việc quá. Nhưng chỉ như vậy thôi thì không thể nói là dư luận mình bỏ quên được.

Điều mà tôi đang nhắc đến có liên quan đến cái dịch vụ WeChat Pay của Trung Quốc. WeChat Pay là sản phẩm cùng công ty với phần mềm WeChat (phần mềm mạng xã hội đa phương tiện của công ty Trung Quốc). Phần mềm từ năm 2013 đã cố tình đưa ra các bản đồ thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, thậm chí in luôn hình bản đồ đường lưỡi bò. Dư luận nước ta năm 2013 từng ầm ĩ một thời gian nhưng sau đó dần lắng xuống. Đến nay, bản đồ trên phần mềm này vẫn để y nguyên như xưa mà không có bất cứ thay đổi.

Tôi nói như thế để hỏi rằng, tại sao cơ quan chức năng vẫn cho phần mềm như vậy được lưu hành tại Việt Nam? Tại sao tiếp tục cho công ty Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước mang phần mềm thanh toán của họ vào Việt Nam? Mọi người quên hay mọi người đang coi nhẹ chủ quyền của đất nước mà để mặc họ muốn làm gì thì làm?

Về phía dư luận, cảm ơn tất cả người dân mình vì yêu nước quá, nồng nhiệt phản đối Trung Quốc trên biển quá, nhưng sao ngay trên đất liền các bạn lại dùng phần mềm của công ty Trung Quốc có hành vi xuyên tạc chủ quyền biển? Tại sao có những cửa hàng kinh doanh còn quảng cáo cho loại phần mềm này vậy?

Ngay từ hôm nay, đừng sử dụng loại sản phẩm không tôn trọng chủ quyền quốc gia chúng ta nữa. Cơ quan chức năng ơi, xin hãy cho thấy động thái quyết liệt của mình chứ đừng để họ xâm lấn cả chủ quyền quốc gia trên môi trường mạng, môi trường điện tử thế này.

(Theo Bút Danh)