GS Nguyễn Văn Tuấn: Ba kịch bản cho dịch bệnh đang hoành hành bởi virus Corona
Đây là bài viết phân tích về virus corona của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc) cho chúng ta cái nhìn đa dạng hơn về dịch viêm phổi Vũ Hán, để từ đó có cách phòng ngừa tốt hơn.
Pandemic hay epidemic?
Một trong những câu hỏi mà nhiều người hay đặt ra là dịch Vũ Hán sẽ… đi về đâu. Trong khi tình trạng dịch vẫn còn bộc phát đây đó, rất khó có câu trả lời. Tuy nhiên, giới khoa học thì hay thích làm dự báo, và dự báo chung là dịch Vũ Hán sẽ tiến triển theo 3 chiều hướng: 1 năm hoành hành; hoặc tàn lụi; hoặc hòa nhập vào các chủng virus hiện hành.
Nhưng trước hết cần phải xác định thuật ngữ cho đúng. Có hai thuật ngữ chính để mô tả dịch bệnh: epidemic và pandemic.
Epidemic dùng để mô tả dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở một địa phương và ảnh hưởng nhiều người ở địa phương đó. Còn pandemic là dịch bệnh xảy ra trên bình diện toàn cầu, như trận đại dịch 1918. Một số người cho rằng dịch Vũ Hán là ‘pandemic’, nhưng điều này không đúng. Hiện nay, dịch Vũ Hán chỉ có thể xem là epidemic mà thôi, vì nó chỉ ảnh hưởng chủ yếu ở một thành phố bên Trung Quốc. Dịch Vũ Hán không (hay chưa) là pandemic.
Theo dữ liệu do New York Times thu thập, số ca nhiễm 2019-nCoV nay đã lên đến hơn 14.000 (1). Đa số (99%) là từ Trung Quốc, và chủ yếu là ở Vũ Hán. Điều này có thể giải thích được vì Vũ Hán là trung tâm thương mại lớn và nơi trung chuyển của các hãng hàng không quốc tế. Con số này đã vượt qua con số SARS của 17 năm trước. Nhưng tốc độ tăng trưởng (xem hình) thì nhanh hơn SARS.
Sự gia tăng số ca có thể là ngoài gia tăng thật sự về số ca nhiễm, còn do phương tiện xét nghiệm được cung cấp cho địa phương nhiều hơn. (Cần nói thêm rằng có những xét nghiệm dương tính giả).
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là 2019-nCoV nguy hiểm hơn SARS. Tỉ lệ tử vong liên quan đến 2019-nCoV hiện nay (dù số liệu chưa đầy đủ) chỉ dao động trong khoảng 1,5 – 3% (so với SARS là 16%). Đa số các ca tử vong là nam giới, cao tuổi (trên 70), và có những bệnh lý mãn tính đi kèm như tiểu đường, tim mạch, hô hấp.
Ba viễn cảnh cho 2019-nCoV
Câu hỏi đặt ra là dịch Vũ Hán sẽ tiến triển như thế nào. Giới khoa học nghĩ đến 3 viễn cảnh (2), và tôi tóm tắt dưới đây để chia sẻ cùng các bạn quan tâm:
Viễn cảnh 1: Dịch Vũ Hán sẽ được kiểm soát sau 1 năm.
Hiện nay, theo báo cáo thì đã có hơn 10.000 ca bị nhiễm (kể cả một số là dương tính giả) siêu vi khuẩn 2019-nCoV, chủ yếu (99%) là bên Trung Quốc. Con số này đã vượt qua số ca bị nhiễm trong trận dịch SARS năm 2003.
Theo một dự báo công bố trên Lancet thì số ca nhiễm sẽ lên đến 75.800 người (tính đến ngày 25/2/2020). Chúng ta không bao giờ biết chính xác số ca bị nhiễm, nhưng dự báo là sẽ khoảng 100.000 người.
Dịch bệnh truyền nhiễm sẽ chấm dứt khi nào giới khoa học có vaccine đặc chủng. Nhưng cho đến nay thì thế giới chưa có vaccine cho siêu vi khuẩn 2019-nCoV. Tuy hiện nay đã có vài thử nghiệm vaccine, nhưng cũng phải chờ ít nhất 1 năm để vaccine có mặt trên thị trường.
Do đó, chỉ còn một biện pháp kiểm soát tốt nhất là y tế công cộng (public health). Nhiều nước đã triển khai một số biện pháp như khu trú và phong tỏa ổ dịch, tầm soát và phát hiện sớm, hay thậm chí biện pháp mạnh như không tiếp nhận du khách từ Trung Quốc (Úc và Mỹ).
Trước đây, dịch SARS xảy ra vào tháng 2/2003, và các biện pháp can thiệp y tế công cộng được triển khai nhanh chóng. Đến giữa tháng 7/2003 thì đa số các nước tuyên bố đã dứt dịch, đến đầu năm 2004 thì SARS coi như chấm dứt. Do đó, với biện pháp y tế công cộng như hiện nay, dịch Vũ Hán có thể sẽ còn với chúng ta cho đến cuối năm 2020.
Viễn cảnh 2: 2019-nCoV sẽ “mệt” sau khi lây nhiễm đa số những người có nguy cơ cao.
Đó là trường hợp đã xảy ra với dịch Zika 2016, thoạt đầu chúng lây nhiễm rất nhiều người (hơn 35.000 ca), nhưng đến khi ký chủ không còn bao nhiêu thì dịch bắt đầu suy giảm. Mặc dù các giới chức y tế cho biết Zika vẫn còn đó, nhưng chúng không còn lan nhiễm như trước đây.
Giới dịch tễ học xem dịch bệnh truyền nhiễm như lửa, trong đó virus là ngọn lửa và con người là củi. Đến một lúc nào đó thì ngọn lửa sẽ tàn khi củi không còn nữa. Tương tự, dịch bệnh truyền nhiễm sẽ “tàn lụi” khi virus không tìm thấy người lý tưởng để nhiễm.
Viễn cảnh 3: Siêu vi khuẩn 2019-nCoV sẽ trở thành một trong đại gia đình virus thông thường với chúng ta.
Giới truyền nhiễm học cho biết siêu vi khuẩn H1N1 trước đây (2009) bùng phát thành một đại dịch (pandemic), nhưng sau một thời gian thì nó trở thành một phần của quần thể virus sống chung với cộng đồng con người.
Hiện nay, đã có 4 chủng coronavirus sống chung với cộng đồng con người và gây ra cảm cúm mỗi năm. Mặc dù chúng ta chẳng ai muốn có thêm siêu vi khuẩn corona, nhưng chúng ta cũng khó có thể tiêu diệt chúng hoàn toàn, và có thể chúng ta phải chấp nhận sống chung với một thành viên thứ 5 trong gia đình coronavirus.
Nhiễm trùng là hệ quả của sự cạnh tranh vì sinh tồn giữa hai sinh vật: giữa ký sinh vật và ký chủ. Cần nhấn mạnh rằng vi khuẩn là những sinh vật, và vì thế chúng đã, đang và sẽ tồn tại trong môi trường sống và “song hành” cùng chúng ta chừng 3 tỉ năm.
Hiện nay, theo Gs Stefan Kaufmann (chuyên gia về vi sinh học), chúng ta sống chung với khoảng 500.000 đến 1 triệu bacteria và 5000 virus species (đa số chúng ta không biết gì về chúng).
Ấy vậy mà năm 1969, Bộ trưởng y tế Mỹ, ông William H. Stewart, tuyên bố rằng “Bây giờ chúng ta có thể nói rằng bệnh truyền nhiễm đã được khống chế hoàn toàn. Đã đến lúc chúng ta đóng sổ căn bệnh này.” Thế nhưng, sức mạnh của chọn lọc tự nhiên đã làm cho lời tuyên bố đó trở thành khôi hài!
Thực tế phũ phàng là chúng có khả năng thích nghi với bất cứ hóa chất nào mà con người dùng để tiêu diệt chúng. Vấn đề không phải là khử trừ tất cả bacteria và virus từ môi trường (vì điều này hoàn toàn phi thực tế), mà tìm cách giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm thấp nhất và sống chung hòa bình với chúng.
Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở những nước như Việt Nam và Trung Quốc rất khó. Nói thẳng ra, người Việt chúng ta có lối sống kém vệ sinh (nếu so với lối sống của người dân trong các xã hội phương Tây hay Nhật).
Ngay cả trong giới y bác sĩ, thói quen rửa tay vẫn chưa hình thành như là một quán tính. Chỉ nhìn qua mấy toilet dành cho công nhân viên trong các bệnh viện là đủ kinh hồn đối với người phương Tây!
Trong công chúng, chúng ta chưa có thói quen che chắn khi ho và hắt hơi như người phương Tây. Mà, mỗi cái hắt hơi hay mỗi lần ho, chúng ta ‘phun’ ra môi trường 100.000 mầm mống bệnh (kể cả nhiều siêu vi khuẩn, streptococcus neumoniae, Haemophilus influenzae) và chúng đi trong không khí với tốc độ 161 mét/giờ.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư xuất sắc và Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, và Giáo sư danh dự của Đại học Dược Hà Nội.
Ở Úc, ông là Senior Principal Fellow (chức danh cao nhất trong hệ thống khoa học Úc) và trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Giáo sư Trường Y, Đại học New South Wales (UNSW Sydney) và Giáo sư Y khoa Tiên lượng (Predictive Medicine) thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông đã công bố hơn 300 công trình nghiên cứu trên các tập san nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nature, Science, JAMA, BMJ, Lancet, và New England Journal of Medicine.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một trong những nhà nghiên cứu y khoa được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông được trao nhiều giải thưởng ở nước ngoài và trong nước về những thành tích khoa học và giáo dục. Năm 2018, ông được bầu làm Fellow của American Society for Bone and Mineral Research (Hiệp hội nghiên cứu xương Hoa Kỳ).
Theo Trí Thức Trẻ