Gạc Ma 1988 – Mệnh lệnh “không được nổ súng” là nhảm nhí và thù hận
Đại tướng Lê Đức Anh, là người chỉ huy cuối cùng còn lại trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những thế lực còn sót lại của “Mỹ cút, ngụy nhào” hiện nay vẫn không hết hận thù, bất mãn, vì thế sau khi Đại tướng từ trần, chúng đã không ngừng tìm cách hạ uy tín của con người Cộng sản kiên trung này.
31 năm sự kiện Gạc Ma (1988) đã khiến 64 chiến sĩ hy sinh và cuộc tấn công ngang ngược của Hải quân Trung Quốc chiếm đóng ở đá Gạc Ma vẫn còn nguyên đó. Hiện nay một nhóm thế lực phản động, những người của chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa hiện nay đang trách Đại tướng Lê Đức Anh vì đã ra lệnh “không được nổ súng trước” trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Những cái nhìn thiển cận, có thể coi là hữu dũng vô mưu, chỉ biết dùng cái đấm để giải quyết vấn đề. Có một quốc gia nào mà Bộ Quốc Phòng lại ra lệnh cho người chiến sĩ “không được nổ súng” trước kẻ thù đang xâm lăng làm nguy hại đến an ninh quốc gia không?
Chắc chắn sẽ là không rồi, chỉ có kiềm chế để không nổ súng trước, không để cho đối phương tạo cơ gây xung đột lớn, dẫn đến một cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhiều hành vi xung đột tạo cớ để gây chiến như sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964 do Mỹ tạo cớ ném bom phá hoại miền Bắc.
Không ở trong cuộc chiến tranh nào của Việt Nam lại có lệnh cấm nổ súng, cấm nổ súng đồng nghĩa với việc để kẻ thù trà đạp lên nền độc lập, hòa bình của dân tộc. 64 chiến sĩ Hải quân ở Gạc Ma đã không nổ súng trước để tránh đi một sự xung đột, một hành vi lấy cớ gây chiến tranh mà Trung Quốc có thể tuyên truyền.
Điều này có thể thấy rõ nét nhất là trong năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Việt Nam, chúng ta đã không nổ súng trước, để tránh những mâu thuẫn lớn có thể diễn ra. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam cho phép Trung Quốc có thể ngang ngược đặt giàn khoan HD981 ở vùng thuộc chủ quyền Việt Nam.
Khi người chiến sĩ, người lính được giao súng tức là được quyền và được phép bắn, đây chính là nguyên tắc, chỉ có điều phải xác định bắn lúc nào. Nổ súng hay không, trong bối cảnh và hoàn cảnh chiến tranh thì do người chỉ huy tại chỗ quyết định, chứ không phải là ở các cấp cao hơn, phải “chờ lệnh” của Bộ Quốc Phòng.
Nếu quân đội ta nổ súng trước thì đồng nghĩa với việc tính chính nghĩa sẽ mất đi, và rất có thể sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh tổng lực, một cuộc chiến phải kéo theo cả dân tộc vào những năm tháng mưa bom, bão đạn.
Nhìn vào thực tế với mốc lịch sử của Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974 có thể thấy, quân đội Việt Nam Cộng hòa nổ súng trước để rồi nhận lấy kết cục thất bại thảm hại, đầy cay đắng. Về phần này, những kẻ của chế độ cũ, đang chỉ trích Đại tướng Lê Đức Anh lại không nhận trách nhiệm, không đổ lỗi 1 câu cho chế độ cũ của họ.
Việt Nam Cộng hòa để mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc vì một nền quốc phòng yếu kém, còn ở Trường Sa ta chỉ mất một đá Gạc Ma, trong khi Trường Sa vẫn còn nguyên vẹn, chiến dịch CQ88 của Bộ Quốc phòng có thể nói là thành công ngoài mong đợi.
Trong binh nghiệp xưa của cha ông ta, nghiệp cầm binh phải chấp nhận “thí xe cứu tướng” là chuyện hết sức bình thường, như chuyện Lê Lai đã khoác áo bào hy sinh thân mình để cứu vua Lê Lợi. Thì việc ở Trường Sa chúng ta không được nổ súng trước cũng là một việc rất đúng đắn, đối với vận mệnh Quốc gia.
Nói rằng, không có chuyện lính ta không dám nổ súng, vì một ông lãnh đạo cao cấp đã lệnh không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào. “Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương”, đó là nguyên tắc ứng xử của ta trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay. “Không nổ súng trước” khác hẳn “không được nổ súng”, ai đó đừng có lập lờ.
Đây không phải là lần đầu thế lực phản động nói về việc “lệnh không được nổ súng” ở Gạc Ma, trong cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đã có những thủ đoạn xấu để viết nên chứng cứ sai lệch nói rằng anh hùng Nguyễn Văn Lanh nói: “do có lệnh không được nổ súng…”. Rồi dựa vào đó các thế lực thù địch, phản động đã rút ra kết luận 64 chiến sĩ của quân đội ta bị chết oan uổng.
Mục tiêu chính của những thế lực phản động này vẫn không có gì ngoài chuyện luôn tìm cách đổ tội cho Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, để chúng thực hiện “diễn biến hòa bình”, gây nên sự bất bình trong dư luận, điều hướng dư luận sang các hình thức biểu tình, chống phá…
Nhân chứng sống rõ nét nhất, đó chính là người cựu binh Gạc Ma – ông Lê Hữu Thảo, trước những thông tin và câu hỏi ngờ vực của dư luận, ông đã bày tỏ, những ký ức về ngày 14/3/1988 rằng:
“Nếu không có chuyện nổ súng, thì sao sau đó chúng ta vẫn đánh trả quân Trung Quốc. Tôi không biết những người đưa ra thông tin đó có biết rằng, có tất cả bao nhiêu chiến sỹ như tôi còn sống sau trận đó không?! Những thông tin này đang làm tổn thương tới sự hy sinh của đồng đội tôi cũng như gia đình các anh. Tôi mong rằng, những ai còn đưa thông tin này hãy suy nghĩ lại”- ông Thảo nhắn gửi.
Một thông tin quan trọng để khẳng định Việt Nam không nhân nhượng trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, khẳng định không có chuyện Gạc Ma mất do người lính của ta không dám nổ súng, vì Đại tướng Lê Đức Anh ra lệnh “không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào”.
Đó chính là tờ báo Nhân Dân và báo Hà Nội Mới số ra ngày 15/4/1988 đăng tuyên bố Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”.
Dưới cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 6/11/1987, Đại tướng Lê Đức Anh ký Mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ Trường Sa, gửi các quân chủng Hải quân, Không quân, thông qua kế hoạch đóng giữ các bãi cạn do Thường vụ, bộ Tư lệnh Hải quân kiến nghị. Trong đó có nội dung:
“Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị của cấp trên, trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy mọi khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích”.
Sau đó là Chiến dịch chủ quyền 1988 (CQ 1988) dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh đã giúp Việt Nam giữ vững được những hòn đảo quan trọng ở quần đảo Trường Sa trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc. Và ngày 29/3/1989, ông tiếp tục ra mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, bãi đá ngầm khu DK1.
Với sự nỗ lực không ngừng, Quân chủng Hải quân đã huy động toàn bộ khả năng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Kết quả ta giữ được 12 đảo chìm, hiện nay Việt Nam đã có cơ hội mở rộng kiểm soát lãnh thổ, khai thác dầu khí, xây dựng các nhà giàn khoan, nhờ vào tầm nhìn chiến lược, cách làm khôn khéo và sáng tạo.
Đây là một trong những kỳ tích mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được, vậy tại sao bọn phản động không nói gì?. Hay bản chất của chúng chỉ là chống phá, phá hoại, rồi lại phá hoại và chống phá?
64 chiến sỹ Gạc Ma và hàng triệu người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, thanh niên xung phong, nhân dân yêu nước đã ngã xuống, trong 4 cuộc chiến tranh để có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và để chúng ta được sống trong hòa bình.
Chúng ta hôm nay không chỉ tưởng nhớ những người đã ngã xuống, những vị tướng tài ba như Đại tướng Võ Nguyên Giá, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng,… đã anh dũng chiến đấu để dân tộc có được nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Mà còn phải yêu nước một cách tỉnh táo, không được cho phép bản thân mình vì lợi ích cá nhân, nóng vội mà để cho các thế lực thù địch, phản động định hướng tư tưởng, dắt mũi, gây ra những hậu quả xấu cho đất nước, đẩy đất nước vào sự bất ổn, an nguy.
Lệnh “không được nổ súng trước” là bản lĩnh, tài năng chủ đạo không cho Trung Quốc lấn tới, để chúng ta có thể giữ được Trường Sa như hiện nay. Đó là nhờ công của Đại tướng Lê Đức Anh và lý do vì sao Đảng, Nhân dân, Quân đội sau đó đã tín nhiệm bầu Đại tướng giữ chức vụ Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam.
Đại tướng Lê Đức Anh, là người chỉ huy cuối cùng còn lại trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những thế lực còn sót lại của “Mỹ cút, ngụy nhào” hiện nay vẫn không hết hận thù, bất mãn, vì thế sau khi Đại tướng từ trần, chúng đã không ngừng tìm cách hạ uy tín của con người Cộng sản kiên trung này.
Nhưng nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ công lao của các cá nhân, những anh hùng, vị tướng tài ba như Đại tướng Lê Đức Anh. Những thông tin xuyên tạc về Đại tướng sẽ không thể thắng nổi sự thật lịch sử và giá trị đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
(Theo Butdanh.net)