Đường “Nhuệ” cuối đầu thừa nhận đã đe dọa giết ông Lẫm, ép chuyển nhượng công ty

Khi được hỏi có thừa nhận đã đe dọa giết ông Lẫm, ép chuyển nhượng công ty như trong đoạn ghi âm gia đình đã cung cấp, Đường “Nhuệ” cho rằng “đây là cái bẫy của ông Lẫm đưa Đường vào tròng, để tôi nổi nóng, dọa nạt, đe dọa ông Lẫm, nhưng đó chỉ là do tức giận. Còn việc ép để chuyển nhượng, bán công ty thì bản thân tôi không có nhu cầu”.

Sáng 11-5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi, ngụ số 138 đường Nguyễn Danh Đới, phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi, vợ ông Lẫm) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, SN 1971, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “Trắng”, SN 1995, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; con nuôi Đường “Nhuệ”) được triệu tập đến phiên tòa với vai trò người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan và nhân chứng.

Trong phần làm thủ tục xét xử, luật sư Trần Hồng Lĩnh, Trưởng văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng), người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng bị cáo Lẫm-Quyết, đã đề nghị HĐXX triệu tập ông Cao Giang Nam, hiện là Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, và một số điều tra viên tham gia đến vụ án trên.

Luật sư Ngô Hồng Lĩnh cho rằng nguyên nhân phải triệu tập ông Cao Giang Nam và các điều tra viên vì trong quá trình điều tra vụ án có một số sai phạm về tố tụng, từ việc thụ lý tiếp nhận đơn tố cáo của bị cáo, khám nghiệm hiện trường, liên quan đến việc thu giữ vật chứng… Các luật sư khác tham gia bào chữa cho bị cáo đồng ý với đề nghị này của luật sư Lĩnh.

Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”, ngồi giữa) tới tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Trước đề nghị trên, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Hồng Phúc cho rằng trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết HĐXX sẽ triệu tập.

Đường “Nhuệ” cuối đầu thừa nhận đã đe dọa giết ông Lẫm, ép chuyển nhượng công ty

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan và nộp một số tài liệu được cho là tài liệu mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo bị cáo Phạm Thị Quyết, từ ngày bị bắt trong trại tạm giam, bị cáo không được đối chất với bất cứ ai về công nợ. Bị cáo “tố” Công an TP Thái Bình không giải quyết tin tố giác tội phạm. Trả lời tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Quyết cho biết các khoản vay sản xuất kinh doanh đều thỏa thuận với chồng.

Ngoài ra, theo bị cáo Quyết, khoảng đầu năm 2017, vợ chồng bị cáo vay của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường 1,7 tỉ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Hai bên thỏa thuận miệng lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày, không tính thời hạn vay. Đến cuối năm, Đường “Nhuệ” yêu cầu trả tiền.

Vì đọng vốn, chưa thu được tiền ở các công trình nên ông Lẫm, bà Quyết khất nợ. Đường “Nhuệ” yêu cầu ông Lẫm phải sang tên công ty cho hắn và dọa nếu không sẽ cho đàn em giết chết.

Khoảng 18 giờ ngày 3-10-2017, trong khi vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết không có mặt ở công ty, Đường “Nhuệ” dẫn theo một số đàn em xăm trổ đến chiếm giữ, ăn ngủ tại Công ty Lâm Quyết. Ngày 19-10-2017, những kẻ này rút về. Lúc này, Công ty Lâm Quyết bị cướp phá tan hoang.

Sau đó, ông Lẫm, bà Quyết làm đơn tố cáo Đường “Nhuệ” đe dọa giết người và cướp tài sản. Tuy nhiên, ông Cao Giang Nam (thời điểm đó là Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình) không cho khám nghiệm hiện trường, không khởi tố vụ án để điều tra. Vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết từ người đi tố cáo trở thành bị cáo.

Khi tố cáo Nguyễn Xuân Đường, bị cáo có cung cấp cho cơ quan CSĐT 1 USB ghi lại cuộc nói chuyện giữa Đường và ông Lẫm về việc xin khất nợ nhưng lại bị Đường đe dọa, treo giải thưởng 1 tỉ đồng trên facebook cho ai tìm được vợ chồng Lẫm, Quyết. Ngoài ra, con bị cáo cũng cung cấp hình ảnh quân của Đường “Nhuệ” tới chiếm đóng công ty.

Thời điểm trước khi công ty bị đập phá, theo bị cáo Quyết, công ty đang sản xuất có đầy đủ máy tính để báo cáo thuế, văn phòng làm việc riêng, hệ thống lò sấy…

“Để phục vụ sản xuất kinh doanh chỉ có gỗ và các nguyên liệu khác phục vụ 30 công nhân sản xuất. Hôm người của Đường tới chiếm đóng công ty là ngày rằm trung thu nên có công nhân đi làm, có công nhân nghỉ làm. Người trực tiếp quản lý doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Nhàn và Nguyễn Bá Ngọc, vợ chồng tôi đang ở Hà Nội”- bị cáo Quyết khai tại tòa.

Về chiếc xe Camry, bị cáo Quyết cho rằng công an bắt giữ xe của bị cáo khi xe được đưa cho người khác mang đi sơn nên tháo BKS nhưng không có lệnh bắt giữ.

Bị cáo Nguyễn Văn Lẫm kêu oan và cho rằng khoản vay đã trả vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết. Tuy nhiên, giấy tờ này để ở văn phòng công ty. Công ty bị Nguyễn Xuân Đường cùng đàn em tới phá nên không có gì chứng minh số tiền trên đã được trả ông Tới rồi.

Tại phiên tòa, cả 2 bị cáo Phạm Thị Quyết và Nguyễn Xuân Lẫm đề nghị HĐXX làm rõ hành vi đập phá tài sản Công ty của Nguyễn Xuân Đường cũng như hành vi vi phạm luật tố tụng của ông Cao Giang Nam.

Trong phần luật sư xét hỏi, bị cáo Phạm Thị Quyết cũng mong muốn HĐXX sẽ hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung và trả tự do cho vợ chồng bị cáo.

Chủ tọa phiên tòa chất vấn Nguyễn Xuân Đường về sự kiện “lanh tanh bành” xảy ra tại Công ty Lâm Quyết trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 19-10-2017 thì có biết ai? Có lấy đi đồ đạc gì tại công ty này?.

Đáp lại, Nguyễn Xuân Đường khẳng định hoàn toàn không biết những người đến công ty, bản thân cũng không lấy đồ đạc gì của công ty này và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

“Sau khi thấy nhiều người muốn lấy tài sản tại công ty này mang đi chỗ khác thì tôi có giao cho con nuôi là Bùi Mạnh Tiến phải ngăn lại, không được cho ai mang tài sản đi chỗ khác ngoại trừ vợ chồng ông Lẫm. Mục đích tôi đến là để bảo vệ tài sản tại công ty này.” – Đường trả lời.

Theo Đường “Nhuệ”, đến ngày 19-10-2017 khi có người tên Kiên mang theo giấy ủy quyền của vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết giao cho con trai đứng ra giải quyết toàn bộ số tài sản trong công ty thì nhận thấy như vậy là đúng quy định pháp luật nên đã rút về. Trước khi về, có em trai ông Lẫm là ông Nhàn và công an xã chứng kiến.

Khi đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội hỏi Đường “Nhuệ” về việc tiếp cận trụ sở công ty với mục đích bảo vệ nhưng khi đến có báo cho công an, chính quyền địa phương hay không? Khi cho người ở lại để ngăn ngừa người khác lấy tài sản của công ty thì có đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng? Có điện thoại cho vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết và có được đồng ý hay không?

Nguyễn Xuân Đường khẳng định khi đến có báo cáo với chính quyền địa phương nhưng không đăng ký tạm trú và có điện thoại cho ông Lẫm. Tuy nhiên, Đường “Nhuệ” lại thừa nhận không được vợ chồng ông Lẫm đồng ý cho “bảo vệ”.

“Nhà anh, anh đang ở hợp pháp và không cho phép ai đến thì anh có nên đến không? Nếu vẫn cố vào mà người ta bị mất cái gì thì liệu anh có nghi ngờ người ta hay không?” – đại diện VKS truy hỏi.

Trước câu hỏi này, Nguyễn Xuân Đường ngập ngừng không trả lời được nhưng vẫn cho rằng mình không sai.

Khi được hỏi, Đường “Nhuệ” thừa nhận đã đe dọa giết ông Lẫm, ép chuyển nhượng công ty như trong đoạn ghi âm gia đình đã cung cấp, song nói: “Đây là cái bẫy của ông Lẫm đưa tôi vào tròng, để tôi nổi nóng, dọa nạt, đe dọa ông Lẫm, nhưng đó chỉ là do tức giận. Còn việc ép để chuyển nhượng, bán công ty thì bản thân tôi không có nhu cầu. Đó chỉ là đề xuất có lợi cho ông Lẫm” – Nguyễn Xuân Đường nói.

Theo Cáo trạng số 03/2018 của Viện KSND tỉnh Thái Bình, năm 2013 và năm 2016, ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết vay 900 triệu đồng của ông Đỗ Văn Tới bằng hợp đồng thế chấp tài sản là chiếc xe ôtô Camry mang BKS 17K-9966, cam kết không thế chấp, không bán cho, tặng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thỏa thuận của ông Tới trong thời gian vay số tiền trên.

Ngày 12-4-2017, khi chưa trả nợ số tiền trên cho ông Tới, ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền của ông Tới bán cho ông Phạm Công Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới, nhưng vẫn nói dối ông Tới là chưa bán xe.

Đồng thời, gian dối, nại ra lý do ông Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết làm mất giấy biên nhận trả tiền cho ông Tới để chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng.

Do đó, Viện KSND tỉnh Thái Bình truy tố vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 6-6 đến ngày 12-6-2019, TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên ông Lẫm 14 năm tù giam, bà Quyết 13 năm tù giam.

Ngay tại phiên tòa và từ đó đến nay, vợ chồng ông Lẫm bà Quyết và gia đình liên tục có đơn kêu oan, gửi đến các cơ quan chức năng.

Mới đây, sau khi vợ chồng Đường “Nhuệ” và Nguyễn Thị Dương và các thuộc hạ bị bắt tạm giam để điều tra về một số tội danh, con trai của vợ chồng ông bà Lẫm và Quyết là anh Nguyễn Văn Hà (SN 1989; cán bộ Công an phường Phúc Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật tố cáo Đường “Nhuệ” cùng đồng phạm chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết do Nguyễn Văn Lẫm (bố anh Hà) làm giám đốc và bà Phạm Thị Quyết (mẹ anh Hà) là thành viên công ty.

Ngày 29-4, TAND Cấp cao vừa có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lãnh để chờ xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết.

Trọng Đức/NLD