“Dù chỉ là một tấc đất thì chắc chắn tất cả người dân VN sẽ quyết tâm giữ tới giọt máu cuối cùng”
Đại sứ Trương Triều Dương – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines – đã nhấn mạnh như vậy, khi trao đổi với PV Dân trí về việc nhóm tàu của Trung Quốc quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Quan hệ hai nước bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng!
– Phóng viên: Thưa ông, tàu Hải Dương 8 và nhóm hộ tống quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, động thái này diễn ra chỉ đúng 1 tuần sau khi nhóm tàu rời đi (hôm 7/8). Theo ông, vì sao Trung Quốc rút tàu Hải Dương 8 rồi quay trở lại?
– Đại sứ Trương Triều Dương: Với hành động đưa tàu trở lại xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam, Trung Quốc muốn thể hiện thái độ ngang ngược, thách thức luật pháp quốc tế. Chứng tỏ âm mưu lâu dài và không bao giờ thay đổi của nước này là tiến hành từng bước độc chiếm Biển Đông.
Việc cho tàu của mình tự do ra vào hoạt động ở bãi Tư Chính thực chất cho thấy Trung Quốc đang muốn thể hiện cho cộng động quốc tế rằng Biển Đông là ao nhà của họ, và họ tự cho mình cái quyền muốn đến thì đến, muốn đi thì đi.
Có thể nói, Trung Quốc đang phát đi một thông điệp chính trị rõ ràng rằng: Trung Quốc sẽ không chỉ quấy rối mà còn chủ động tiến hành các cuộc thăm dò đơn phương trên ở Biển Đông và khẳng định vùng nước trong cái gọi là “đường chín đoạn” không còn là vùng tranh chấp mà đã trở thành vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.
Những sự kiện xảy ra gần đây quanh bãi Tư Chính của Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang thể hiện thái độ sẵn sàng áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng bức. Bằng chứng là tàu khảo sát của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam nhưng đội tàu hộ tống có vũ trang luôn đi cùng.
Việc tự do đưa tàu vào rồi lại ra, ra rồi lại vào bãi Tư Chính là một bước tiến mới, khác với vụ giàn khoản 981 năm 2014, thể hiện thái độ ngang ngược của Trung Quốc trong việc mặc nhiên coi vùng nước nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn”, là “ao nhà” của nước này. Họ tự do ra vào, đi lại, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) và sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Trương Triều Dương – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philipines Rõ ràng, Trung Quốc đã coi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là không thể ảnh hưởng đến quyết định của nước này; bất chấp dư luận quốc tế, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
– Sự thật là Việt Nam càng tỏ ra thiện chí và phát đi thông điệp về hòa bình thì Trung Quốc lại càng phớt lờ, bất chấp dư luận quốc tế để phản ứng tiêu cực hơn. Trong bối cảnh này, theo ông quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng ra sao, hành động của Trung Quốc đe dọa như thế nào tới hòa bình khu vực?
– Hành động phi pháp của Trung Quốc khiến quan hệ hai nước đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về chính trị, an ninh. Trung Quốc đang làm mất lòng tin đối với Việt Nam, Trung Quốc đang đi ngược lại những cam kết của lãnh đạo hai nước về việc thiết lập mối quan hệ hữu hảo và tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm an ninh, an toàn ở Biển Đông.
Một khi niềm tin chính trị đã mất đi thì những niềm tin khác cũng có thể sẽ mất đi. Nếu động đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, dù chỉ là một tấc đất thì chắc chắn tất cả người dân Việt Nam sẽ quyết tâm giữ tới giọt máu cuối cùng.
Trung Quốc đang thách thức lòng yêu nước của người dân Việt Nam, “đánh” vào tình cảm của người dân Việt Nam đối với Tổ quốc, đó là điều không nên làm và không thể làm được. Trung Quốc và Việt Nam quá hiểu nhau rồi.
Qua lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc phải biết rằng lòng yêu nước của người dân Việt Nam như thế nào. Từ xa xưa đến nay, đã có rất nhiều bài học từ Việt Nam mà Trung Quốc phải nhận, vì thế, Trung Quốc không nên thử thách lòng yêu nước của người dân Việt Nam thêm một lần nữa.
Đối với hòa bình khu vực, Trung Quốc một mặt tỏ ra ủng hộ nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng mặt khác lại tiếp tục sử dụng các biện pháp cưỡng ép, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các bên có lợi ích ở Biển Đông.
Cách hành xử của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC, làm cho các nước ASEAN càng thấy nhu cầu có COC càng sớm càng tốt, nhưng cũng sẽ e ngại vì những động thái của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí đàm phán COC.
Khi đàm phán, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải có lòng tin. Lòng tin bị sụt giảm thì điều đó sẽ nguy hiểm cho cả tiến trình đàm phán. Bãi Tư Chính có thể được coi là một phép thử cho vai trò trung tâm và tính phù hợp trong thời gian tới của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng Trung Quốc muốn “vô hiệu hóa” Luật Biển
– Ông có cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm thử thách sự kiên nhẫn của lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển và làm giảm quyết tâm của các đối tác an ninh ủng hộ Việt Nam về giải quyết xung đột chủ quyền?
– Đúng như vậy. Trung Quốc đang thử thách và từ đó tìm đối sách, tính toán các bước tiếp theo. Với vụ việc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam năm 2014, tàu Hải Dương 981 của Trung Quốc đến rồi đi, nhưng không trở lại. Lần này, tàu Hải Dương 8 đến rồi đi, sau đó quay trở lại. Rõ ràng đó là sự thách thức lòng kiên nhẫn của Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng là một sai lầm. Vì sao? Trung Quốc thách thức ai? Trung Quốc nên biết rằng, Trung Quốc đang thách thức cả cộng đồng quốc tế chứ không phải riêng Việt Nam. Nghĩa là Trung Quốc đang quốc tế hóa và đa phương hóa lợi ích ở Biển Đông – đây là điều mà Trung Quốc vốn không muốn xảy ra, hành động của Trung Quốc vô hình trung đang đi ngược lại với ý đồ của chính mình là độc chiếm Biển Đông và tự dẫm lên chân mình.
Bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp công luận, Trung Quốc đang biến những tranh chấp về chủ quyền đảo và các thực thể ở Biển Đông thành tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và quyền khai thác tài nguyên ở đây, điều này ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả các đối tác ủng hộ Việt Nam, làm cho các nước ngày càng trở nên quyết tâm hơn trong việc ủng hộ Việt Nam.
Là một nước lớn, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Trung Quốc có trách nhiệm lớn trong việc thượng tôn pháp luật quốc tế, hành xử một cách có trách nhiệm nhằm mục đích duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu cũng như khu vực. Nhưng trên thực tế, bằng cách sử dụng vũ lực, áp chế nước khác ở Biển Đông, Trung Quốc đã không hành xử đúng với vai trò và trách nhiệm quốc tế của mình.
Với hành động đe dọa hòa bình khu vực, Trung Quốc đang coi thường vai trò của Hội đồng Bảo an mà Trung Quốc là thành viên, nghĩa là Trung Quốc cũng coi thường chính mình, đánh mất vai trò của chính mình. Trung Quốc làm mất lòng tin của quốc tế thì đừng mong cộng đồng quốc tế ủng hộ vai trò của mình trên trường quốc tế.
– Từ cái gọi là “đường lưỡi bò”, Bắc Kinh đang biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, thậm chí ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam, phải chăng Bắc Kinh đang cố tình “vô hiệu hóa” Luật Biển 1982, thưa ông?
– Đúng như vậy. Có thể nói, ngay từ khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” là Trung Quốc đã muốn viết lại Công ước UNCLOS 1982. Điều này đã từng được đăng tải trên Forbes ngày 26/3/2014, trong bài bình luận của ông Lý Quang Diệu – nguyên Thủ tướng Singapore – có nhận định: Trung Quốc – một quốc gia đang trỗi dậy- tìm cách “viết lại luật biển” để khẳng định biên giới biển trong Biển Đông mà nước này yêu sách.
Luật Biển Việc cho rằng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có từ năm 1946 trong khi UNCLOS ra đời năm 1982, cho nên “đường lưỡi bò” không chịu sự điều chỉnh của UNCLOS là sai trái. Trung Quốc là thành viên UNCLOS phải chịu sự điều chỉnh theo UNCLOS và từ bỏ những quyết định đi ngược lại UNCLOS.
Cần phải nhấn mạnh rằng, không có chuyện “đường lưỡi bò” có trước UNCLOS thì Trung Quốc không chịu sự ràng buộc nào của UNCLOS ở Biển Đông. Bởi, Trung Quốc là 1 quốc gia thành viên Công ước UNCLOS, đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì phải có nghĩa vụ tuân thủ Công ước này, đó là nguyên tắc. Mọi văn bản pháp lý của quốc gia thành viên ban hành trước mà trái với Công ước đều không có hiệu lực pháp lý.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dân Trí