Dịch covid 19 chưa qua, Trung Quốc lại mưu đồ thực hiện dã tâm ở biển Đông

Dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh không bao giờ thay đổi để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Ngay sau khi khống chế được dịch Covid-19, Trung Quốc lập tức có hành động gây hấn ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4/2020, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân đã trắng trợn đổi trắng thay đen sự thật vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong tuyên bố:

“Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi. Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm”.

Phát ngôn của người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc là sự bịa đặt trắng trợn, vốn song hành các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông trước đây.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuyên bố sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc “tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của ‘quần đảo Tây Sa’ của Trung Quốc để đánh bắt cá”. Thậm chí còn ngang nhiên khẳng định “tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc”.

Cái mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Tây Sa” thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố chủ quyền với quần đảo này để biện minh cho các hành động phi pháp của mình tại đây nhưng chưa từng đưa ra bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho các tuyên bố đó.

Theo như luận điệu mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra: “Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu Việt Nam thông báo với ngư dân của mình và điều chỉnh hoạt động đánh cá của họ để đảm bảo không tái phạm việc xâm phạm vùng biển liên quan tới quần đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”,. Đây là sự dối trá không thể chấp nhận bởi các ngư dân Việt Nam hoàn toàn đánh bắt cá hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và cũng không hề có hành động nguy hiểm đối đầu với Trung Quốc.

Đáp trả hành động vô lối của Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/4 đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm”.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Nhận định về vấn đề trên, lý do Trung Quốc tiến hành hoạt động gây hấn trên Biển Đông trong giai đoạn này được thể hiện trên những phương diện sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đang lợi dụng việc cả thế giới đang tập trung cho việc chống dịch covid 19, mọi sự chú ý hiện nay của dư luận đều đang tập trung cho việc chống dịch. Trong khi đó, vấn đề dịch bệnh tại Trung Quốc được cho là đang khống chế tốt, không còn trầm trọng như thời điểm bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán. Cho nên Trung Quốc đã có động thái tiến hành những hành động gây hấn tại Biển Đông để qua mặt cộng đồng dư luận quốc tế.

Thứ hai, rất có thể việc Trung Quốc gây nóng vấn đề Biển Đông nằm trong chiều hướng đẩy các vấn đề phức tạp trong nước ra nước ngoài, như những thời điểm trước đây. Đặc biệt là sau những vấn đề do dịch bệnh covid 19 gây ra, vấn đề Hông Kông, vấn đề Tân Cương.

Thứ ba, rất có thể Trung Quốc dự báo các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn khi đang phải ứng phó với dịch bệnh. Trong đó có Việt Nam khi cả nước đang dành toàn bộ lực lượng, cho công tác phòng chống dịch, nên đây là cơ hội để Trung Quốc tiến thêm một bước trong mưu đồ độc chiến Biển Đông.

Viêt Nam đang tập trung chống dịch nhưng cần cảnh giác cao độ với Trung Quốc lợi dụng lúc ta đang khó khăn để thực hiện các hành động đòi hỏi chủ quyền lưỡi bò phi pháp. Bởi dã tâm bành trướng sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào. Những hành động vô nhân đạo như đâm va tàu cá của Trung Quốc sẽ không bao giờ làm sụt giảm ý chí của ngư dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền trên Biển./.

Huyền Pha