Đại biểu Nguyễn Anh Trí: ‘Tôi không muốn chất vấn nữa, vì tội cho bộ trưởng’
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ ông không muốn nói về thu phí không dừng nữa vì dồn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vào thế khó, nhưng ông rất bức xúc.
Thảo luận tại tổ sáng 9/6 về chủ trương điều chỉnh phương thức đầu tư một số dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ nhiều băn khoăn về vấn đề giao thông. Trong đó, có những vấn đề khiến ông đến nay còn bức xúc.
“Tôi nhớ lời hứa của bộ trưởng nhưng tôi không hỏi nữa” Trước khi bàn về cao tốc Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc đến chất vấn của mình và lời hứa của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể từ đầu nhiệm kỳ, về vấn đề BOT giao thông.
“Khi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa mới lên, chính tôi là người chất vấn khi nào thu phí BOT bằng trạm tự động không dừng? Bộ trưởng Thể nói chắc như đinh đóng cột, hứa là cuối năm 2019”, ông Trí nhắc lại.
Nam đại biểu nói rất nhớ lời hứa của Bộ trưởng Thể về thu phí tự động không dừng, song ông nói sẽ không hỏi Bộ trưởng Thể nữa vì ông biết “hỏi cũng không ăn thua gì”. Thủ tướng cũng mấy lần chỉ đạo rồi cũng chưa có kết quả.
“Tôi nói rất thật là không muốn phát biểu cái này nữa vì dồn Bộ trưởng vào thế khó cũng ‘tội cho Bộ trưởng’. Tôi nói chữ ‘tội’ này là nói rất chân thành. Tức là làm cho Bộ trưởng khó trả lời, còn tôi vẫn rất bức xúc với chuyện này”, ông Trí chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhớ lời hứa của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về thu phí không dừng nhưng ông không muốn chất vấn nữa. Ảnh: T.Quang.
Cho ý kiến về chuyển đổi chủ trương đầu tư 3 dự án của cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, ông Trí cơ bản đồng tình, nhưng chia sẻ một số băn khoăn.
“Đây là dự án lớn, mang tính chiến lược, mới thông qua chưa đầy 2 năm, từ chỗ xin cơ chế xã hội hóa, bây giờ lại xin cơ chế để lấy vốn của Nhà nước. Tôi đồng ý nhưng rất băn khoăn, vì làm như thế này thì không nghiêm”, ông Trí giãi bày. Theo đại biểu, nếu Quốc hội đồng ý một cách dễ dãi quá thì sẽ tạo tiền lệ.
Ông Trí cho rằng chủ trương đầu tư theo hình thức PPP và xã hội hóa làm giao thông là hết sức đúng đắn, mang tính toàn cầu. Dù không chuyên ngành và giỏi về giao thông, ông Trí rất quan tâm và tìm hiểu đến hình thức đầu tư PPP thì thấy nước ngoài làm rất hiệu quả.
Như ở Nhật Bản làm đường theo hình thức này phải bảo đảm khai thác được 100 năm, trong đó nhà đầu tư khai thác 30 năm, sau đó chuyển giao cho nhà nước khai thác 70 năm.
“Vậy tại sao với Việt Nam, cả một chủ trương rất lớn như thế lại không hấp dẫn. Theo tôi phải xem lại chủ trương xã hội hóa của chúng ta”, ông Trí nói và nhận định có thể do hồ sơ mời thầu không hấp dẫn, nhưng nếu điều chỉnh “không khéo lại tiếp tục sai”.
Ngoài ra, đại biểu Hà Nội băn khoăn khi có nhiều nhà đầu tư tham gia nhưng năng lực tài chính lại yếu. “Tôi không hiểu những nhà thầu yếu như vậy bỏ thầu dự án để làm gì? Vì về năng lực tài chính, nhà thầu có rất nhiều tiền, cũng có thể họ vận động được nhiều tiền để thực hiện dự án thì mới bỏ thầu”, ông Trí nêu câu hỏi.
Từ đó, ông nhận định hồ sơ mời thầu của chúng ta chưa có độ hấp dẫn cho xã hội.
Khắc phục tồn tại bằng cách gần như ngưng PPP Là một thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội về các dự án BT và BOT, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đồng ý với việc chuyển 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công.
Ông Thường cho rằng đầu tư theo hình thức PPP vừa qua gần như ngưng lại do qua giám sát phát hiện một số bất cập.
Nói có nhiều áp lực khi thực hiện dự án giao thông lớn, Bộ trưởng Thể mong xã hội chia sẻ. Ảnh: Hoàng Hà.
“Đây là loại hình phổ biến, thông dụng ở quốc tế. Với chúng ta nếu không có phương thức này thì rất khó để phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi khắc phục những tồn tại, chúng ta gần như nghiêng về hướng chặn lại, kể cả ngân hàng cũng gần như không quan tâm, không cho vay vốn”, ông Thường nói.
Với cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng GTVT chia sẻ áp lực rất lớn khi thực hiện dự án, vì “không cơ quan nào dám làm sai quy định”.
Trong 2 năm qua, nhiều ĐBQH nói Bộ GTVT “chưa làm được gì”, song ông Thể giải thích từ khi có chủ trương đầu tư vào cuối 2017, Bộ GTVT đã cho đấu thầu công khai, lựa chọn tư vấn xong, nghe báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ, trình các cơ quan liên quan phê duyệt… Những thủ tục này là đúng trình tự pháp luật.
Nhắc lại lời Thủ tướng khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, tất cả cơ quan pháp luật vào cuộc kiểm tra kỹ lưỡng, ông Thể nói dù bị áp lực, Bộ GTVT quyết tâm làm. Ông cũng mong có sự xem xét, chia sẻ với ngành giao thông từ phía các đại biểu Quốc hội và từ xã hội.
Nguồn: Zing