Cựu ngoại trưởng Philippines đòi tịch thu tài sản Trung Quốc vì tàn phá Biển Đông
Cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đã đề xuất tịch thu các tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Philippines để bồi thường cho việc đã ngang nhiên xây đảo nhân tạo khiến Biển Đông bị tàn phá. Số tiền “nợ” có thể lên trên 10 tỉ USD.
“Chúng ta có thể buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ ngay tại đây. Chính phủ Philippines phải đứng lên ủng hộ người dân Philippines”, ông Del Rosario – người đã thúc đẩy vụ kiện Biển Đông năm 2016 – nhấn mạnh ngày 8-6.
Gợi ý của cựu ngoại trưởng Philippines được đưa ra sau khi thượng nghị sĩ Risa Hontiveros kêu gọi Quốc hội thông qua một nghị quyết buộc Trung Quốc phải trả nợ vì đã cải tạo đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông khiến môi trường bị tàn phá.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học hàng hải của Đại học Philippines cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên cải tạo và bồi đắp hơn 1.850 hecta đất trên Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các hoạt động này không chỉ coi thường luật pháp quốc tế mà còn tàn phá hệ sinh thái biển, gây ảnh hưởng và thiệt hại kéo dài nhiều năm cho các nước khác, trong đó có Philippines.
Theo tính toán của ông Hontiveros, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền “nợ” mà Bắc Kinh phải trả vì hành vi này đã lên tới 500 tỉ peso (khoảng 10 tỉ USD) và sẽ còn tăng nếu Trung Quốc không trả.
“Chính phủ Philippines phải liên tục khẳng định rằng đây là một đòi hỏi rất hợp lý và hợp pháp”, ông Hontiveros nhấn mạnh trong một hội thảo ngày 8-6.
Nghị sĩ Hontiveros cũng là người đã lên tiếng đòi Bắc Kinh phải bồi thường cho Manila vì những thiệt hại do đại dịch COVID-19, theo Đài ABS-CBN.
“Chính quyền Philippines có quyền và có thể tịch thu các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc tại Philippines để bù đắp cho những gì mà họ nợ nhân dân chúng ta cho tới khi xác định được toàn bộ các thiệt hại ra tiền”, thượng nghị sĩ Del Rosario đề xuất.
Còn theo cựu ngoại trưởng Albert del Rosario, Manila có thể tịch thu toàn bộ 40% cổ phần của Trung Quốc tại Tập đoàn Lưới điện quốc gia (NGCP) và toàn bộ số cổ phần trong liên doanh viễn thông DITO Telecommunity.
Việc để Trung Quốc nắm giữ tới 40% cổ phần ở NGCP từng khiến nhiều chính trị gia Philippines lo lắng. Họ lo sợ Bắc Kinh sẽ khống chế hoặc làm tê liệt các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Philippines nếu muốn.
Hồi tháng 4 rồi, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã gọi các đề xuất của ông Hontiveros là “vô lý và vô trách nhiệm”. Các quan chức Bắc Kinh sau đó cũng khẳng định họ không có ý định kiểm soát hệ thống lưới điện Philippines.
Tuổi Trẻ