Có thể khép tội một người chỉ dựa trên lời tố cáo của người khác không?

Dư luận đang như sục sôi trước sự việc một thầy giáo ở Bắc Giang sàm sỡ học trò của mình và họ mong muốn cơ quan tố tụng xử thật nghiêm theo luật hình sự. Vậy nên khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận ban đầu (từ lời nói của các cháu bé) rằng “bị sờ mông, sờ đùi” thì chưa đủ cấu thành tội phạm dâm ô theo quy định tại Điều 146 BLHS thì lập tức vấp phải khá nhiều phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu. 

Có anh viết bài bĩu môi: “sờ mông, sờ đùi nữ sinh không phải dâm ô” rồi đặt dấu hỏi ở đó. Thậm chí “anh” Dân Việt còn đặt tiêu đề hút khách: “Chỉ sờ mông, sờ đùi” thầy giáo ở Bắc Giang không bị coi là dâm ô”. Đỉnh điểm, Chuyên gia tâm lý kỹ năng sống TS. Vũ Thu Hương còn hùng hồn buộc tội cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Việt Yên đã “lách luật” để bảo vệ cho hành vi dâm ô của kẻ phạm tội. Thì thật e ngại cho kiểu tư duy “ngồi xổm trên pháp luật”

Tôi chả bênh gì cái hành vi bệnh hoạn của nhân vật thầy giáo trên, thậm chí còn muốn tống hết những kẻ như thế vào ngục lao tăm tối. Cơ mà các bạn ơi, ‘quốc có quốc pháp, gia có gia quy’ chúng ta đang ở kỷ nguyên văn minh chứ có phải thời nguyên thủy đâu mà hễ thấy bất bình là đem ra trảm liền thế. Muốn định tội một ai đó thì phải có cơ sở, có căn cứ hẳn hoi rồi từ đó mới soi chiếu vào luật mà hành xử, chứ cả xã hội mà từ nhà báo, đến các chuyên gia đều thi nhau làm quan tòa chả cần biết luật định thế nào thì loạn!.

Cho đến thời điểm này, tất cả những cơ sở dữ liệu mà phía cơ quan điều tra thu thập được mới chỉ dừng lại ở thông tin nói rằng “ông thầy này véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em học sinh”. Trong khi hành vi dâm ô trong BLHS phải liên quan đến các hành động như sờ mó “bộ phận sinh dục”, “vùng nhạy cảm”; và một điều quan trọng là chưa thể vội vàng chỉ dựa vào lời nói để kết tội một ai đó sẽ rất dễ dẫn đến oan sai. Từ đó suy ra việc Công an huyện Việt Yên xác định thầy M. chưa có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi) là có căn cứ chứ không phải “lách luật” để bảo vệ cho hành vi dâm ô như TS. Vũ Thu Hương nhận định. Đồng cảm với những bức xúc của cô giáo Hương không thể chấp nhận trong ngành lại có những con “sâu dê” như thế nhưng không thể vì muốn gây sức ép mà phán bừa được, khép tội ai đó bậy bạ được.

Dù là xâm phạm cơ thể hay bất cứ tên gọi nào khác thì hành vi thầy giáo say rượu, lên lớp đụng chạm cơ thể của 14 nữ sinh là điều không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục.

Trong sự việc này có một chi tiết khiến người viết cứ hoài suy nghĩ, rõ ràng lúc đầu có thông tin là ông thầy này có sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh (một dữ liệu quyết định để khép tội y) vậy nhưng kết luận lại không có chi tiết này. Hỏi ra mới nghe chua chát làm sao, thì ra “quá trình điều tra, cơ quan đã ghi lời khai của cháu T nhưng bố cháu không cho lấy lời khai. Việc cháu T nói bị sờ vào vùng nhạy cảm như thế nào thì cháu T không nói nữa” – Trung tá Nguyễn Việt Nguyễn – Phó trưởng CA huyện Việt Yên chia sẻ.

Thực tế chúng ta cũng đã biết, những vụ án dâm ô trẻ em thường rất khó xử lý, ranh giới giữa có tội và không có tội rất mờ nhạt. Họ đòi chứng cứ thì kiếm đâu ra, việc các em bị rờ rẫm thì làm gì để lại chứng cứ, ngoại trừ có camera ghi lại. Thậm chí có thể đi vào ngõ cụt nếu thiếu nhân chứng, bằng chứng và sự quyết tâm của người trong cuộc. Đớn đau nhất, những trường hợp ấy hoàn toàn không cá biệt. Những vết thương kéo dài, những ký ức kinh hoàng kéo dài, nhưng sự im lặng kéo dài. Đọc lại lại toàn bộ vụ việc cháu gái lớp 5 chọn cái chết để lên tiếng vì bị gã hàng xóm dâm ô nhưng cơ quan điều tra tỉnh không khởi tố vì chứng cứ mỏng. Mãi sau điều tra viên cao cấp của Bộ Công an vào hỗ trợ mới tìm ra manh mối để khởi tố. Đọc buồn vô cùng.

Dâm ô là thứ thường mỏng về chứng cứ, mặc dù biết chắc đối tượng có khả năng thực hiện hành vi này hơn một lần. Vụ việc ông già ở Vũng Tàu là một ví dụ. Nếu công luận không phẫn nộ lên tiếng, mọi thứ sẽ trôi vào quên lãng. Sự im lặng chấp nhận vì lý do này kia (đa phần là xấu hổ) cũng chỉ nhanh chóng đẩy họ đến vùng tối chịu đựng một mình. Nói bỏ quá cho, đó còn là sự tiếp tay cho kẻ xấu.

Phải có những gã bệnh hoạn biến thái bị lôi ra xét xử thì mới có bài học răn đe, cảnh tỉnh. Quan trọng hơn cả, là sự dũng cảm của nạn nhân và gia đình. Hãy luôn nhớ sự lên tiếng ấy ngoài tìm công lý cho chính mình, ngoài trừng trị kẻ ác thì cũng chính là hành động bảo vệ cho những người còn lại bởi đó là tội ác man rợ, chứ không chỉ đơn thuần là hành động đê hèn.

Hà Nhiên