Có nên đóng cửa trường Gate way?

Đóng hay không đóng? Dư luận mạng có một phần kêu gọi quyết liệt việc đóng cửa trường Gateway. Một số lý lẽ của nhóm này là:

a. Trường vi phạm pháp luật.

b. Ở trường Maple Bear, cô giáo chỉ nhốt học sinh trong tủ 50 giây đã bị đóng cửa luôn. Tuy nhiên, trường này bị đóng cửa hôm 31/8 vì bị rút giấy phép hoạt động do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định, sau hai năm không đủ điều kiện hoạt động, trường sẽ bị thu hồi giấy phép thành lập.

Để trả lời câu hỏi này, không thể dựa vào cảm tính như đa số ý kiến đang lan truyền trên MXH như: “không thể yên tâm để con cái tiếp tục học ở trường này” “trường dựa hơi chủ đầu tư là con cái lãnh đạo (chưa xác minh được), vô đạo đức, vô cảm, không biết nhận lỗi”, “để con học ở đây rồi có ngày ra sông Hồng nhặt x.á.c con”.

Thế thì đóng cửa Gateway, lợi gì, hại gì?

Tôi thử đánh giá xem nếu quyết định đóng cửa trường Gateway thì chi phí và lợi ích bỏ ra/đạt được sẽ là gì.

Đầu tiên, mục tiêu đạt được là chấm dứt hoạt động một cơ sở giáo dục đã có sai sót nghiêm trọng. Mục đích đạt được là thực hiện sự trừng phạt tối đa. Cơ sở giáo dục này không có cơ hội lặp lại sai sót. Răn đe các cơ sở giáo dục khác trong những hành vi tương tự. Một số công dân cảm thấy thỏa nguyện vì theo họ, công lý được thực hiện.

Đây là toàn bộ lợi ích đạt được.

Tiếp theo, chúng ta liệt kê chi phí cụ thể.

– Với cha mẹ học sinh:

700 học sinh phải chuyển trường. Cha mẹ mất ít nhất hai tuần để tìm thông tin trường học thích hợp + chi phí mua hồ sơ + gửi hồ sơ cho con đến trường mới và theo dõi kết quả.

Tiếp đó là thay đổi đồng phục, thay đổi giờ giấc dậy buổi sáng và đón buổi chiều, thay đổi tuyến đường đưa đón (trong cả hai trường hợp cha mẹ tự đưa đón con và đưa đón bằng xe buýt của trường).

Nhưng năm học đã bắt đầu, các trường hầu như đều đã ổn định số lượng học sinh và giáo viên, nhân viên (bảo mẫu, lái xe, giám thị, phòng học, phòng ăn, trang thiết bị dạy và học đi kèm…). Việc chuyển ngay lập tức số lượng lớn học sinh trong thời hạn cấp tốc chỉ có thể thực hiện nếu các trường khác cũng ngay lập tức điều phối được các điều kiện kể trên. Điều này có khả thi hay không, quý vị có thể tham khảo thêm cơ sở hạ tầng của các trường hiện tại ở Hà Nội để tự đưa ra kết luận.

Chưa kể, cha mẹ phải giải thích cho con hiểu và đồng ý với quyết định của cha mẹ bằng cách thức nào không lảng tránh sự thật, nhưng cũng không vô tình tạo nỗi sợ hãi, ám ảnh tâm lý cho con.

Tất cả chi phí trên đều có thể quy ra tiền. Quý vị có thể ước tính với 700 học sinh, con số đó là bao nhiêu tiền.

– Với học sinh:

Học sinh lớp 1 vừa học được khoảng một tháng thì buộc phải thay đổi bạn học, thầy cô và môi trường học để lại bắt đầu với bạn học, thầy cô và môi trường học mới. Nhiều cháu sẽ không lập tức thích nghi được. Trẻ nhỏ không tư duy phức tạp như người lớn, có những khi chúng thích đi học chỉ vì mến một bạn học hay một cô giáo, hay một trò chơi chúng tham gia ở trường. Có đứa bắt buộc phải chuyển trường, chia tay bạn học thân thiết đã dần dần bị trầm cảm, sức học đuối, luôn cảm thấy cô độc. Tuy nhiên điều này tôi chỉ nói thêm chứ tôi chưa có thời gian tìm các nghiên cứu, và có lẽ nó không là phổ biến.

Với học sinh đã theo học ở trường nhiều năm, cú s.ố.c sẽ còn lớn hơn, do chúng đã hình thành một “hệ sinh thái trường học”, gồm các nhân tố như đã kể trên cùng với mức độ tham gia của chúng trong hệ sinh thái đó. Thời gian học ở trường càng dài, sự gắn bó trong hệ sinh thái đó càng sâu và lớn. Ở lứa tuổi thiếu niên, mối quan hệ với bạn bè, trường học, thầy cô… thậm chí còn trực tiếp và được chúng đánh giá cao hơn, cảm nhận sâu sắc hơn quan hệ với cha mẹ, gia đình. Việc tách chúng ra đột ngột sẽ gây ra những đứt gãy tâm lý chưa thể tính trước. Chi phí này thậm chí không thể ước tính.

+ Với hàng trăm giáo viên và nhân viên nhà trường: Hàng trăm nhân lực đột ngột mất chỗ làm ổn định mang lại thu nhập thường xuyên. Không dễ dàng để họ ngay lập tức tìm được việc làm phù hợp (tính trên nhiều yếu tố: mức độ phù hợp về chuyên môn, thu nhập, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến, vị trí gần nhà…). Chi phí mất đi gồm ba nguồn: thu nhập hàng tháng + chi phí tìm việc làm mới + chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống trong khi đã mất nguồn thu nhập ổn định.

+ Với sở Thuế: Khi trường bị đóng cửa, sở Thuế mất đi khoản đóng thuế ổn định của họ.

+ Với nhà trường: Thương hiệu kinh doanh bị hủy diệt.

+ Với chủ đầu tư: Mất khoản tiền đã bỏ ra để đầu tư. Số tiền này tuy của tư nhân nhưng cũng không thể nói không phải là mất mát của xã hội.

+ Với xã hội nói chung: Mất đi một doanh nghiệp có sai sót (dù sai sót rất lớn) + bất ổn kinh tế/tâm lý tạo ra từ rất nhiều thay đổi gấp gáp cho hàng ngàn người liên quan.

Tất cả các khoản chi phí trên đều có thể tính ra bằng tiền. Quý vị có thể tính hộ tôi với. Sau đó, chúng ta so sánh khoản MẤT này với khoản ĐƯỢC nêu ở bên trên, xem cán cân nghiêng về bên nào.

Phòng giáo dục quận Cầu Giấy không vô can

Tiếp theo, chúng ta phải tiếp tục trả lời các câu hỏi sau:

a. Sai sót/vi phạm của Gateay là lỗi của cá nhân hay của hệ thống? Vì sao lỗi này xảy ra? Có biện pháp nào để khắc phục nó?

b. Đóng cửa trường Gateway có đảm bảo chấm dứt hoàn toàn sai lỗi, hậu quả này trên toàn bộ các trường khác?

Trả lời của tôi cho câu hỏi a là: Lỗi của cả cá nhân lẫn hệ thống.

Nhưng cá nhân là những ai? Hệ thống là hệ thống nào?

Cá nhân bao gồm:

1. Cá nhân bà Nguyễn Bích Quy không có chuyên môn đưa đón trẻ bằng xe buýt trường học dẫn đến không thực hiện chuẩn các quy trình bắt buộc để kiểm đếm, giao nhận học sinh khi đưa đón.

2. Cá nhân lái xe Doãn Quý Phiến: Không thực hiện kiểm tra chéo với người đưa đón học sinh để đảm bảo không bỏ quên học sinh hay đồ vật nào trong xe. Nói thêm ngoài lề một chút: hậu quả vụ này đã quá đau thương rồi, nhưng nhỡ không phải một đứa trẻ bị bỏ quên trên xe mà là một gói chất độc hay thuốc nổ thì sao? Đừng bao giờ cười cợt rằng điều đó không thể xảy ra.

3. Cá nhân các nhân viên phụ trách việc kiểm đếm học sinh vào trường, nhân viên phụ trách việc thông báo cho gia đình và khi điểm danh vắng học sinh trong lớp.

4. Cá nhân toàn bộ Ban giám hiệu/Ban giám đốc nhà trường.

Lỗi hệ thống bao gồm:

Quy trình kiểm tra chéo của giám thị và thiết bị máy móc để phòng ngừa chuyện quên lãng (vốn hay xảy ra) của trí óc con người.

Ở Mỹ tôi được biết đơn giản xe buýt trường học có chiếc chuông gắn ở cuối xe, khi xe tắt máy nó sẽ reo lên liên tục. Nhưng không tắt được ở đầu xe hoặc bên ngoài hoặc bằng máy móc mà phải dùng tay bấm tắt cái công tắc đặt ngay cạnh chuông. Vì thế tài xế buộc phải đi xuống cuối xe để tắt chuông. Trong quá trình đi lại này tài xế đồng thời quan sát/kiểm tra trong xe một lần nữa.

Quy trình thứ 2 là hệ thống xử lý thông tin của trường học buộc phải có chế độ báo hiệu thông tin chưa được xử lý, đánh dấu theo mức độ khẩn cấp và không dừng lại khi chưa được xử lý.

Nếu có chế độ này, nhân viên của trường đã kịp thời báo cho Monitor và gia đình cháu bé khi nhận được thông báo vắng mặt học sinh từ giáo viên chủ nhiệm (theo điều tra, giáo viên chủ nhiệm đã báo việc cháu bé vắng mặt trong lớp học cho nhân viên thông tin nhưng người này quên hoặc không có mặt nên không thông báo cho gia đình cháu). Thời gian đó đủ để cứu sống cháu bé.

Và nguyên nhân lớn nhất là sự cẩu thả, qua quýt… tồn tại trong thực hành quy trình đưa đón, giám sát, thông báo của nhà trường. Với trách nhiệm cao nhất về mọi mặt về mọi hoạt động của nhà trường, Ban giám hiệu/Ban giám đốc trường Gateway buộc phải chịu trách nhiệm cho tất cả sai phạm trên của nhân viên.

Biện pháp khắc phục nằm ở chỗ buộc phải đảm bảo mọi khâu hoạt động và nhân lực thực hiện phải đảm bảo chuyên môn (bằng chứng chỉ + kinh nghiệm), có giám sát và kiểm soát chéo ở mỗi khâu để đảm bảo hạn chế thấp nhất sai sót.

Với câu hỏi b – “đóng cửa trường Gateway có đảm bảo được các sai sót tương tự không xảy ra nữa”?

Câu trả lời của tôi là KHÔNG.

Vì một cái lỗi to đùng mà trường Gateway mắc phải hàng bao năm nay là tự dán mác quốc tế, mà Phòng giáo dục quận Cầu Giấy biết rõ nhưng vẫn để yên. Cho đến khi xảy ra chuyện, bị báo chí chất vấn thì họ mới thừa nhận. Nhưng tiếp tục im lặng trước câu hỏi vì sao không chấn chỉnh.

Quy trình đưa đón, tiếp nhận, giao trả, kiểm tra học sinh trong trường chưa thấy nhà trường lên tiếng sửa đổi, cũng không thấy ngành giáo dục thanh tra, kiểm tra trường này và hệ thống trường học nói chung để rà soát, chỉnh sửa.

Rõ ràng Gateway đã phạm những lỗi nghiêm trọng, nhưng họ cũng được dung dưỡng từ phía Phòng Giáo dục. “Xử” Gateway, không thể bỏ qua trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy.

Quay lại chuyện có nên đóng cửa Gateway hay không

Với tất cả các câu hỏi đặt ra trên kia, thiết nghĩ quý vị đã tự có câu trả lời lý trí nhất cho mình. Tôi nhấn mạnh yếu tố lý trí, để quý vị bình tĩnh cân nhắc giữa ý muốn “báo thù” tuy đáng thông cảm nhưng đầy cảm tính.

Đồng thời, câu hỏi thứ hai được tiếp tục đặt ra. Nếu không đóng cửa Gateway, liệu nên xử phạt họ như thế nào cho tương xứng?

Tôi xin nêu câu trả lời của cá nhân tôi. Về mặt hình sự, qua báo chí, Công an Việt Nam cho biết họ đang tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Ở đây xin nói thêm ngoài lề là trái với suy nghĩ của nhiều “cư dân mạng” Việt Nam, tôi tin chắc vụ việc không thể bị chìm xuồng. Càng có liên quan đến ông Phúc, ông Vệ thì lại càng khó chìm, nhất là khi nó đã nghiêm trọng đến mức có người c.h.ế.t. Vì ông Phúc không có người đối địch trong chính trường hay sao? Con của ông không có đối thủ kinh doanh hay sao? Dựa vào ông Phúc, vị trí trường Gateway được thèm muốn và có ưu thế như thế nào thì các đối thủ kinh doanh và đối thủ trên chính trường của ông càng thèm muốn được chấm dứt nó đi với mức độ cao hơn thế. Cho nên ở vế này, tôi cho rằng hãy chờ đợi để tự nhiên giải quyết mâu thuẫn của nó.

Ở vế thứ hai, tôi mong muốn Gateway phải bị xử phạt bằng tiền, thật nặng. Vì đây là một cơ sở kinh doanh giáo dục, mục đích tối cao là lợi nhuận. Vậy, hãy buộc họ bồi thường tiền bạc thật nặng, đó là cái giá cụ thể phải trả. Một phần tiền đó bù đắp cho gia đình cháu bé thiệt m.ạ.ng oan u.ổng, một phần đóng góp cho ngân sách ngành giáo dục để đi kiểm tra, giám sát, chỉnh đốn các quy trình đang nham nhở. Tuy nhiên cũng đừng phạt tiền nặng đến mức đẩy họ vào tình trạng phá sản, vì hậu quả đó cũng sẽ không mang lại lợi ích thiết thực nào cho phụ huynh, học sinh và xã hội nói chung.

Mong sự phân tích nhỏ vừa nêu sẽ giúp được quý vị cân nhắc lợi hại tỉnh táo hơn và trúng vào điểm cốt yếu hơn trong chuyện Gateway, cũng như các câu chuyện tương tự.

Theo RFA

Bài viết không thể hiện quan điểm của BBT