Có nhóm lợi ích khi Intimex Group – đứa “con cưng” Bộ Công thương thắng đậm trong cuộc đua XK gạo giữa đêm?
Cuộc đua đăng ký mở tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020 đã khép lại với kết quả có 399.999,73 tấn gạo đã được đăng ký. Trong đó, một mình Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex – đứa con cưng của Bộ Công thương chiếm trọn spotlight khi đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25%.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép xuất khẩu 400.000 tấn vào ngày 10-4-2020, Bộ Công Thương cũng đã có quyết định 1106/QĐ-BCT ngày 10-4 về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4-2020. Trong đó, có quy định về việc thương nhân đăng ký hải quan và các quy định khác liên quan và tất cả những nội dung tại quyết định này được thực hiện từ 0 giờ ngày 11-4-2020.
Chính việc này đã tạo nên một cuộc đua ngầm để trục lợi chính sách của chính phủ, biến quyết định – thay vì mang lại lợi ích cho các DN xuất khẩu gạo và nông dân cả nước thì lại là mảnh đất vàng cho nhóm lợi ích, công ty sân sau trục lợi trong bối cảnh chính phủ và nhân dân cả nước gồng mình chống đại dịch. Như thế này có khác nào đang biến quyết định của Thủ tướng trở thành một cái gai cho bọn cơ hôi chính trị chửi rủa? Khác nào giết sống hàng nghìn doanh nghiệp XK gạo làm ăn chân chính cùng hàng nghìn, trăm nghìn nông dân đứng sau bán mặt cho đất bán lưng cho trời? Lúc đất nước nguy nan, dân đói khổ mà tính chuyện trục lợi được thì thật táng tận lương tâm, không còn gì để bàn cãi.
Một cái tên chiếm trọn spotlight báo chí mấy ngày nay, khiến cả nước trầm trồ chính là Tập đoàn Intimex – đứa con cưng, gà nhà của Bộ Công thương. Chủ tịch Tập đoàn hiện giờ là ông Đỗ Hà Nam, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA).
Intimex Group đã giành thắng lớn trong cuộc đua bán 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020. Ảnh chụp màn hình trang mạng của Intimex Group: Trung Chánh
Thông tin công bố công khai trên website của Intimex Group cho thấy, trên cơ sở cổ phần hóa chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Intimex tại TPHCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương), Công ty cổ phần XNK Intimex tại TPHCM đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2006. Năm 2011, đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group). Đến nay, Intimex Group có trên 900 lao động, vốn điều lệ là 223 tỉ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40 nghìn tỉ đồng.
Với gốc gác gạo cội như vậy, lại là đứa con cưng của Bộ Công thương thì việc Intimex Group chiếm được “món hời” trong thương vụ xuất khẩu gạo này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng có một vấn đề cần nghi vấn là tại sao DN này lại “biết trước” việc đăng ký mà chuẩn bị đội ngũ nhân sự hùng hậu, để đăng ký cùng lúc 102 tờ khai với khối lượng xuất khẩu 96.234 tấn gạo cho trong tích tắc, khiến những doanh nghiệp còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai? Nếu ở đây không có lợi ích nhóm, có thông tin ngầm rót ra?
Đó là chưa kể những cái tên vô cùng quen thuộc đang chen chân đứng hàng TOP doanh nghiệp “nhanh tay lẹ mắt” kịp bon chen đăng ký xuất khẩu gạo vào giờ “vàng” như Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Cty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Cty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Một điều khác buồn cười là trong số những DN đăng ký thành công XK gạo lại có những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo năm 2020 (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng theo báo cáo lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Đến khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai XK thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo.
Đó là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) trúng thầu 4.500 tấn nhưng chưa ký hợp đồng, lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. Công ty Cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực nhưng cũng đã đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
“Các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia”, đại diện Cục giám sát quản lý hải quan cho biết.
Trách nhiệm với đất nước ở đâu khi “vác rổ rá” đi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia rồi bỏ không, phá hợp đồng mà XK hàng nghìn, chục nghìn tấn gạo để kiếm lãi với giá cao? Ăn không chừa một con đường cho người khác? Chỉ tội những DN XK gạo chân chính, trong nước đã mất miếng ăn, đến thị trường nước ngoài cũng bị tranh phần, cướp mất. Đáng giận hơn, nhiều DN trong số đó chẳng có hợp đồng XK nào, hoặc XK rất ít nhưng cũng đăng ký xí phần, để thu gom giá rẻ trong nước rồi xuất bán, còn những DN đang sở hữu hàng trăm, nghìn tấn gạo đang chờ ở cửa khẩu thì chờ chết vì không cho hàng hóa thông quan được.
Một cuộc đua như thế, liệu có công bằng? Nếu nói không có lợi ích nhóm thì có mấy người sẽ tin? Yêu cầu Bộ Công thương vào cuộc xử lý, ngăn chặn gấp những sai phạm trong việc đăng ký XK gạo vừa qua để tránh “trục lợi chính sách của lợi ích nhóm”, để người ta không có cái cớ mà quy chụp rằng Bộ Công thương là một ổ tham nhũng, chằng chịt lợi ích nhóm ăn sống trên đầu DN và nhân dân, để quyết tâm xin Thủ tướng cho phép tiếp tục XK gạo của Bộ trưởng Công thương giúp các DN và người dân trong nước gỡ khó khăn trong mùa dịch bệnh được thực hiện đúng đắn.
Lam Anh