‘Chỉ trích CSGT truy đuổi là nhân từ với người vi phạm’

Ngay cả việc bị CSGT truy đuổi cũng không khiến những người vi phạm giao thông chịu chấp hành chứ đừng nói đến việc ra đường chặn xe.

Gần đây người ta tranh luận với nhau về việc CSGT có nên lao ra đường chặn xe vi phạm hay không? Nhiều người phản đối kịch liệt hành động trên với những lý do: gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, liều lĩnh, luật không cho phép… Tôi tự hỏi, vậy CSGT phải làm gì?

Thực ra vấn đề không nằm ở CSGT. Điểm mấu chốt là ý thức và thái độ chấp hành của người dân. Câu chuyện về việc người tham gia giao thông bỏ chạy bất chấp khi bị CSGT truy đuổi, ra hiệu lệnh dừng xe dưới đây là một ví dụ. Khi gặp CSGT mà quay đầu bỏ chạy chứng tỏ họ biết rõ mình vi phạm pháp luật. Vậy nhưng họ vẫn cứ làm để rồi trốn tránh trách nhiệm khi bị lực lượng chức năng phát giác.

 

 

Thực tế, hiện nay chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm luật giao thông mà chỉ có quy định cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn theo điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 và Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA. Trong khi người dân luôn vin vào lí do đó để lấy cớ chỉ trích CSGT mỗi khi bị xử phạt.

Chỉ đến khi gặp CSGT, người vi phạm mới sợ. Điều đó chứng tỏ người dân chỉ sợ CSGT, nói đúng hơn là sợ bị phạt tiền chứ không sợ vi phạm pháp luật. Cụ thể hơn là ý thức chấp hành pháp luật người Việt rất kém. Chỉ có kiên quyết xử lý thật nặng thì mới mong nâng cao được ý thức xã hội.

Thời gian qua người ta cứ thay nhau chỉ trích hành động xuống đường chặn xe của CSGT ở Hải Phòng. Nếu người vi phạm tự giác dừng xe khi thấy hiệu lệnh bên đường của cảnh sát, có lẽ họ cũng chẳng phải mạo hiểm tính mạng của bản thân để lao ra đường chặn bắt làm gì. Mà nếu người ta ý thức được việc mình làm là phạm luật, thì chắc sẽ chẳng ai vi phạm để bị bắt. Khi ấy, không khéo CSGT cũng chẳng phải lo lập chốt dọc đường, đội nắng đội mưa mà bắt lỗi người dân. Tiếc rằng, đó chỉ là một xã hội trong tưởng tượng.

Khi mà người ta vẫn còn có thái độ chống đối và bao che cho sai phạm, có lẽ tới đây CSGT sẽ chỉ được đứng trong lề “vẫy” người vi phạm giao thông. Ai có thiện tâm thì ghé vào đóng phạt, không thì cứ bơ đi mà chạy. Trong khi, lẽ ra CSGT là người bảo vệ pháp luật, khi thấy người vi phạm thì phải được quyền ngăn chặn bằng mọi giá. Đó mới là bảo vệ kỷ cương pháp luật của xã hội.

Chừng nào bản thân chúng ta còn quá “nhân từ” với người vi phạm, chừng đó ý thức người tham gia giao thông còn khó được cải thiện. Và có lẽ câu chuyện “CSGT phải làm gì khi đối mặt với người vi phạm?” sẽ còn lâu nữa mới có được câu trả lời.

(Nguồn: vnexpress.net)