Chi thêm 40 triệu USD để mua vũ khí từ Trung Quốc: Campuchia vén màn bí mật về hợp tác quân sự với nước này

Trung Quốc giúp đỡ Campuchia hiện đại hóa quân đội, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải quân ở Ream trong vịnh Thái Lan. 

Campuchia gây sốc cho các nhà báo nước ngoài khi cung cấp cơ hội nhìn thấy sự minh bạch của quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc. Ông Trương Kiệt (Zhang Jie) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Ngoại giao của Viện châu Á-Thái Bình Dương và Chiến lược Toàn cầu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nêu nhận xét trong cuộc phỏng vấn của PV.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Hun Sen tại một cuộc gặp song phương ở Phnom Penh tháng 10/2016.

Năm nay Campuchia đã chi thêm 40 triệu USD để mua vũ khí từ Trung Quốc, vượt hơn giao kèo quân sự đã đóng lại tới 290 triệu USD. Tin này do Thủ tướng Hun Sen thông báo vào ngày 29 tháng 7 khi ông đi cùng các phóng viên nước ngoài trong chuyến thăm công trường xây dựng sân vận động do Trung Quốc tài trợ. Nhà lãnh đạo Campuchia gọi cơ sở đang được xây dựng là món quà từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Hun Sen giải thích rằng đã mua của Trung Quốc hàng chục ngàn đơn vị vũ khí để nâng cấp kho trang bị quân sự. Vũ khí đã được gửi từ Trung Quốc.

“Tôi muốn tăng cường quân đội”, – ông tuyên bố trên  Facebook.

Ông không nói rõ đã đặt mua của Trung Quốc những gì. Tuy nhiên, truyền thông nước ngoài lưu ý rằng người đứng đầu Campuchia đã cung cấp những nét cụ thể hiếm hoi về giao kèo vũ khí với Bắc Kinh. Họ gọi đó là “những chi tiết ở mức độ lạ thường”.

Trong cuộc phỏng vấn của PV, chuyên gia Trương Kiệt đã giải thích – vì nguyên nhân nào mà có sự chú ý ngày càng tăng ở phương Tây đối với quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Campuchia.

“Trước hết, số tiền theo giao kèo mới giữa Trung Quốc và Campuchia không lấy gì làm nhiều. Ngoài ra, tôi cho rằng sự chú ý quá mức đến hợp tác và trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trên thực tế, có ràng buộc chặt chẽ với “lý thuyết bành trướng quân sự của Trung Quốc”. Phương Tây đang suy đoán về chuyện này, chẳng hạn, khi tàu chiến Trung Quốc ghé thăm cảng Sihanoukville của Campuchia. Trong khi đó, trên thực tế, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đang mở rộng sang cả Đông Nam Á, bao gồm các đồng minh và đối tác của họ. Ngoài ra, Vương quốc Anh và Pháp cũng phái tàu chiến đến Biển Đông và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Có thể cho rằng các nước lớn đang gia tăng chi tiêu quân sự và lợi thế cạnh tranh trên bình diện quân sự ở khu vực. Đồng thời, chính sách của Trung Quốc không thay đổi nhiều trong bối cảnh này. Ý tưởng chính của việc chuyển chú ý sang Trung Quốc bao hàm ở chỗ kiềm chế đà phát triển của Trung Quốc, do đó, những động thái phát triển hợp tác và trao đổi quân sự của Trung Quốc với các nước láng giềng chắc chắn thu hút sự chú ý của phương Tây”.

Phái đoàn Hải quân Trung Quốc do Chuẩn đô đốc Xu Haihua (bìa phải) dẫn đầu, bắt tay các quan chức Campuchia. Ảnh: Tân Hoa xã

Cũng trong cuộc giao lưu với báo chí như nói ở trên, ông Hun Sen đã nhắc lại những lời bác bỏ trước đó của mình, ông gọi thông tin về sự tồn tại của thỏa thuận bí mật cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream gần Sihanoukville ở vịnh Thái Lan là “vu khống, bịa đặt”.

Về chuyện thực ra đây là tin giả mạo, thì các nhà báo nước ngoài có thể tự mình thấy và phán xét trong chuyến đi dành cho các đại biểu truyền thông hôm thứ Sáu tuần trước đến tận căn cứ này. Chính các vị khách mời cũng nhận định đây là chuyến đi “chưa từng có”. Bên cầu cảng trong căn cứ có nửa tá tàu tuần tra của hạm đội Campuchia neo đậu. Ở một trong những tòa nhà mà các phóng viên tham quan, có những chiếc tàu tuần phòng vũ trang là quà tặng của Hoa Kỳ. Các quan chức quân sự giải thích rằng số tàu này sẽ được sửa chữa và bàn giao cho hạm đội Campuchia chứ không phải là giao cho người Trung Quốc.

Hồi tháng 6 Chính phủ Campuchia đã từ chối đề xuất trả tiền của phía Mỹ và tự tiến hành công việc sửa chữa trong căn cứ này. Tiếp đó, Hoa Kỳ bày tỏ sự lo ngại rằng căn cứ này có thể được Trung Quốc sử dụng và tăng cường khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ coi đó là một thách thức đối với các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ.

Campuchia bác bỏ khả năng triển khai lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ của mình, xem là trái với Hiến pháp. Trong khi đó, mới đây, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh tuyên bố rằng họ cũng theo dõi thông báo về tiềm năng sử dụng của Trung Quốc trong khu nghỉ dưỡng Sihanoukville. Khu này nằm cách căn cứ Ream khoảng 10 km. Cơ sở hạ tầng của thành phố đã được nâng cấp và hiện đại hóa nhờ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Và ở cách Ream khoảng 70 km về phía tây-bắc trong khu nghỉ dưỡng Dara Sakor, một công ty tư nhân Trung Quốc đang xây dựng đường băng dài hơn 3 km. Về mặt kỹ thuật, đường băng đủ sức tiếp nhận máy bay hạng nặng, cũng như các thiết bị quân sự của Trung Quốc, vốn là điều gây lo ngại trong đại sứ quán Mỹ.

(Theo Sputnik)