Chê bai trường quốc nội, con các sếp giáo dục đổ xô đi du học

Chứng kiến kỳ thi, có người trăn trở hỏi: con các “sếp” giáo dục đang ở đâu trong kỳ thi vừa khai diễn với gần một triệu sĩ tử cùng vài triệu ông bà, cha mẹ đang lên ruột?

Ông kể: ngồi với người làm giáo dục lâu năm mới thấy cái nền giáo dục ở ta… ngộ lắm. Con các “sếp” giáo dục toàn đi học ở tận đẩu tận đâu. Hiếm có ai chịu học trong nước. Họ mở Facebook cho xem. Này nhé, đây là hình một nguyên phó giám đốc sở giáo dục một thành phố lớn khoe ảnh đi sang Mỹ ở cùng con gái. Kia là ông P., cũng một phó giám đốc sở có hai con đều đi du học rồi ở lại Anh.

 

Cấp địa phương là thế. Còn lên đến cấp bộ, nếu tìm con của các “sếp” mà còn học tại Việt Nam thì… hơi khó. Có người cảm thán: “Họ giàu khiếp thật, chuyện con đi du học chỉ là chuyện nhỏ xíu xìu xiu. Nhưng ngoài có điều kiện ra, chắc hẳn lý do mà họ “đẩy” con đi du học còn là chuyện họ không có niềm tin vào nền giáo dục mình đang “cai quản” mà đám đông con em nhân dân đang phải vật lộn với những kỳ thi khắc nghiệt”.  Con giám đốc sở giáo dục một thành phố to nhất nước cũng đi du học từ cấp II. Ở cấp trưởng phòng, hiệu trưởng, nhiều người cũng “đẩy” các con mình đi du học rồi tìm cách ở lại.

Thi cơ bản là khổ! Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm lại như một “trận chiến” khổng lồ với gần một triệu sĩ tử và vài triệu ông bà, cha mẹ có con đi thi ngày đêm lo lắng thì nỗi khổ ấy được nhân lên gấp bội. Đó là chưa kể còn có hàng chục, hàng trăm ngàn con người phải khăn áo đi phục vụ thi, coi thi. Có giám thị đã đột quỵ, có giảng viên đã phải vào cấp cứu…

Lại có người hỏi, vất vả thế, tổ chức thi làm gì? Các chuyên gia giáo dục vẫn từng khẳng định: “Học tập là quá trình, 12 năm học nếu không bộc lộ được năng lực của người học thì vài giờ trong phòng thi sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Điểm thi chỉ là kết quả tại thời điểm đó, không phản ánh toàn bộ năng lực thí sinh”. Thế nhưng, chính những người làm giáo dục cũng chưa thể tin nhau, “ông anh” đại học vẫn chê “ông em” phổ thông chạy theo thành tích ảo.

 

Trong quá trình thị sát tình hình tổ chức thi, vị tư lệnh ngành giáo dục là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã mong mỏi: “Tôi hy vọng có một mùa thi đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc”. Hóa ra, bản thân ông cũng không đủ tự tin vào kỳ thi do mình cầm trịch, thay vào đó chỉ là sự mong mỏi. Thế nhưng ông có biết, hàng triệu con người chỉ mong mỏi không phải thi mà vẫn có được một kết quả giáo dục thực chất. Và chắc hẳn là bộ trưởng cũng biết rõ điều này.

Nhưng, có lẽ như người ta vẫn nghĩ: trừ khi con các “sếp” giáo dục cũng phải vật vã với nền giáo dục mà họ đang “cai quản” thì may ra họ mới có đủ quyết tâm để làm giáo dục một cách đàng hoàng. Khi ấy, con em chúng ta mới hy vọng bớt khổ vì học, vì thi.

Phụ nữ Online