Bắt phạt từ 3-5 triệu nếu xe máy không kiểm định khí thải định kỳ?
Điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi là bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi quy định, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) nằm trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm mới của dự thảo là bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường.
Kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy
Cụ thể, mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, khí thải xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể, nhất là tại các đô thị lớn, khu vực tập trung đông xe máy. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải đến nay mới kiểm soát đối với “đầu vào” là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 mới được bán ra thị trường; từ năm 2017, phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro 3. Việc nâng tiêu chuẩn xe sản xuất, nhập khẩu từ Euro2 lên Euro3 giúp nâng cao chất lượng động cơ, hạn chế thành phần chất gây ô nhiễm có trong khí thải xe máy. Tuy vậy, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến tổng lượng phát thải tăng, trong khi bất cập là luật chưa quy định về kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành nên mức độ gây ô nhiễm tăng hơn từ loại xe cũ nát, chất lượng kém.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ giữa tháng 5/2020, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành. Việc kiểm tra được thực hiện tại các đại lý xe máy. Kết quả cho thấy, có thời điểm 30% lượng xe có ngưỡng phát thải quá tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (mức thấp nhất của tiêu chuẩn khí thải).
Loại xe có niên hạn sử dụng trên 5 năm, nếu không bảo dưỡng thường xuyên, lượng khí CO phần lớn vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn. Sau khi các xe này bảo dưỡng, lượng khí CO trong khí thải giảm rất nhiều. Đối với các đời xe sử dụng phun xăng điện t.ử hoạt động trên 5 năm, đa số vẫn nằm trong tiêu chuẩn khí thải.
Liệu có cần thiết?
Bàn luận về việc này, bạn Vân Lê cho hay, xe ô tô đã được đăng kiểm và lưu thông trên đường nhưng vẫn nhả khói đen, vậy việc đăng kiểm này thực sự hiệu quả hay không? Hơn nữa, chiếc xe là tài sản và “cần câu cơm” của mọi người, không lẽ họ lại không bảo dưỡng chúng. Không nên vì một số xe nhả khói đen mà yêu cầu mọi xe phải đăng kiểm”.
Đồng quan điểm, bạn Trần Khang nói: “Trong khi các xe ben, xe tải, xe buýt có đăng kiểm nhưng lượng xả khói ra môi trường khủng khiếp. Các nhà máy, doanh nghiệp xả thải tràn lan, ô nhiễm nguồn nước mà không giải quyết được. Xe máy là phương tiện chính để những người lao động nghèo đi lại hoặc để làm ăn. Thiết nghĩ nên cân nhắc lại vấn đề này”.
“Việc này mất nhiều thời gian và chi phí cho người đi mô tô, xe máy. Có lẽ cần có lộ trình để không quá tải cơ quan đăng kiểm. Theo tôi cần cho phép các cơ sở sửa chữa xe máy được dán tem khí thải khi xe đến bảo dưỡng định kỳ mỗi năm 1 lần” – Bạn Nguyễn Văn Thường cho ý kiến.
Ngược quan điểm, bạn Lê Duy Hoàng nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Môi trường sống là của cả xã hội. Không thể lấy việc kế sinh nhai ra để biện minh được. Đời chúng ta bỏ. Nhưng con cháu chúng ta lĩnh hậu quả. Kiểm soát khí thải ô tô, xe máy là một việc làm cần thiết để chống ô nhiễm môi trường, cần tăng cường kiểm tra và phạt thật nặng các cơ sở xả thải gây ô nhiễm. Đây chính là điểm mấu chốt để trả lại sự trong sạch cho nguồn nước và không khí, đó cũng chính là sự công bằng trong xã hội”.
“Theo tôi để giảm ô nhiễm khói bụi và đường xá ở Việt Nam thì đầu tiên cần siết chặt các công trình xây dựng. Yêu cầu bắt buộc tất cả các công trình đang thi công xe tải ra vào công trình để phải rửa bánh trước khi ra vào công trình. Đi đường 100 công trình thì 100 công trình có bùn đất ra đường” – bạn Khởi Nguyễn cho hay.
Trước đó, theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ khí thải xe môtô, xe gắn máy, lộ trình kiểm tra do Chính phủ quy định. Lý giải đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng thời gian qua khiến lượng phát thải tăng nhanh ở các đô thị lớn. Chính phủ đã có đề án kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành, song Luật Giao thông Đường bộ hiện hành chưa quy định về nội dung này nên chưa thể thực thi.
“Việc đưa quy định nêu trên vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là cần thiết. Kiểm tra khí thải xe máy không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng không khí mà còn cả chất lượng phương tiện. Người dân ban đầu có thể chưa quen việc kiểm soát khí thải xe máy nên Chính phủ sẽ ban hành lộ trình thực thi cũng như chế tài xử lý phù hợp” – ông Thạch cho hay.